Về trong lòng dân (Bài 3: Cho rừng Trường Sơn xanh mãi)

Thứ tư, 20/09/2023 07:00
Từ khi có Công an chính quy về, xã biên giới Trường Sơn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) không còn là địa bàn phức tạp về ANTT, nhất là tội phạm về ma túy, phá rừng... Cuộc sống của đồng bào Bru Vân Kiều trở nên bình yên dưới tán rừng Trường Sơn xanh mát.
Sắc áo xanh Công an chính quy dưới tán rừng biên giới Trường Sơn.
Công an xã Trường Sơn về bản giải quyết tranh chấp đất đai cho người dân, không để tạo điểm nóng từ cơ sở.

Bình yên dưới tán rừng

Bản Ploang xã Trường Sơn tiếp giáp với nước bạn Lào, có đường biên dài 43 km. Bà con 2 nước thường xuyên qua lại giao lưu hàng hóa, thăm thân nên các đối tượng lợi dụng mua chuộc bà con vận chuyển ma túy. Từ khi lực lượng Công an chính quy tuyên truyền rất cụ thể, thiết thực, người dân nghe, hiểu và không còn tiếp tay cho các đối tượng xấu. Trung tá Trần Tiến Nam - Trưởng Công an xã (CAX) Trường Sơn cho biết, xã vùng biên rất nhạy cảm về tình hình ma túy. Do vậy, CAX đã xây dựng mô hình bản biên giới không có ma túy tại Ploang. Mô hình tập trung tuyên truyền các phương thức thủ đoạn, các dạng chất của ma túy. CAX cũng tuần tra, kiểm soát vận động bà con 2 bên đường biên không trồng cây thuốc phiện, kiểm soát không để ma túy đi qua đường tiểu ngạch về bản. Hiện Trường Sơn là xã biên giới trắng về ma túy.

Trường Sơn là xã biên giới rộng 78 ngàn ha, chiếm 2/3 diện tích của huyện Quảng Ninh, bốn bề là rừng với nhiều loại gỗ quý. Chính vì vậy, công tác bảo vệ rừng, gắn với bảo đảm ANTT rất quan trọng. Từ khi có lực lượng Công an chính quy về xã, nhận thức của người dân ở bản vùng sâu vùng xa này về việc bảo vệ rừng tăng lên rất nhiều. Trước kia, hoạt động phá rừng, buôn bán lâm thổ sản ở địa phương diễn ra phức tạp; các đối tượng lâm tặc chống lại lực lượng bảo vệ rừng, Kiểm lâm, lập lán trại cắt xẻ gỗ trong lâm trường. Từ khi Công an chính quy về thường xuyên tổ chức tuần tra, phối hợp, xử lý, bắt rất nhiều vụ. 4 năm qua, CAX Trường Sơn đã xử lý hình sự và chuyển cho cơ quan điều tra khởi tố trên 10 vụ về khai thác bảo vệ rừng; xử lý hành chính gần 30 vụ. Hiện nay việc khai thác lâm thổ sản giảm rất nhiều, 3 -4 tháng qua chưa có vụ việc phá rừng nào diễn ra.

Già làng Hồ Ai bản Khe Cát tâm sự, bao đời nay bà con ở đây sống nhờ rừng, có mật ong, có cây làm nhà. Đã sinh sống với rừng thì phải bảo vệ rừng, chứ mất rừng thì không còn chi nữa. Cũng vì vậy, cả bản cùng tham gia bảo vệ rừng. Trung tá Nam chia sẻ, Trường Sơn là địa bàn vùng sâu vùng xa nhưng có rất nhiều thắng cảnh đẹp, CAX đã tham mưu cho chính quyền phối hợp với các doanh nghiệp, người dân có ý thức làm ăn, phát triển du lịch dưới các tán rừng, các mô hình du lịch cộng đồng. Nhờ có sinh kế, người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ không gian sinh tồn của mình, tình hình ANTT cũng được giữ vững.

Bài học bám dân, nắm chắc cơ sở

Trung tá Trần Tiến Nam là một trong những cán bộ Công an chính quy đầu tiên được đưa về xã biên giới kể từ khi thực hiện chủ trương này cuối năm 2019. Lúc mới về anh rất bỡ ngỡ bởi địa bàn rộng với 15 bản đồng bào Bru Vân Kiều, có bản cách trung tâm xã vài chục cây số đường rừng cách trở. Chẳng hạn như bản Dốc Mây muốn đến phải đi bộ đường rừng 4 giờ, hai bản dọc sông Long Đại không có đường giao thông, mỗi lần vô phải thuê đò máy. Thế nhưng, đơn vị chỉ có 5 cán bộ chiến sĩ. Trung tá Nam trăn trở, việc cần kíp phải tìm mọi cách để đưa cán bộ chiến sĩ về gần dân, bám dân, mỗi tuần phải về 2 bản, bản xa về trước. Thời gian qua, nhờ chiến dịch làm căn cước công dân, mã định danh điện tử mà CAX càng có cơ hội để gần gũi, tiếp xúc từng nhà, từng người, cũng là để nắm chắc địa bàn.

Sắc áo xanh Công an chính quy dưới tán rừng biên giới Trường Sơn.

Trong gần nửa năm, lực lượng CAX lăn lộn hết 4 thôn, 15 bản vừa để nắm đường đi lối lại, vừa hiểu tâm tư nguyện vọng người dân, tạo dựng quan hệ quân dân gần gũi. “Bây giờ mình về sống gần dân, cùng ăn, cùng làm, mình hiểu, thông cảm, từ đó người dân tâm sự với mình nhiều câu chuyện rất cảm động. Bà con cũng chỉ cho mình nhiều cách để phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm xâm nhập vào biên giới”, Trung tá Nam nói.

Cũng theo chia sẻ của Trung tá Nam, từ vụ việc khủng bố ở Đắk Lắk vừa qua cho thấy càng phải bám lấy dân, nắm địa bàn từ cơ sở. Do vậy, CAX đã tham mưu cho địa phương thành lập nhiều tổ đội an ninh tự quản, tổ đội hòa giải ở thôn bản. Những vụ việc nhỏ xảy ra ở cơ sở thì những người ở dưới đó nhất là già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng sẽ giải quyết. Ở địa bàn này chủ yếu là rừng, những phát sinh từ tranh chấp đất đai cũng nhiều, vì vậy phải nắm chắc từ cơ sở, có vụ việc CAX về giải quyết ngay từ đầu, không để phát sinh phức tạp. Đơn cử như vụ việc ở bản Cổ Tràng, hai gia đình tranh chấp về đất rừng, trên lối đi vào nương rẫy, dẫn đến đánh nhau, ở cơ sở không giải quyết được. Khi báo lên, CAX mời cả 2 bên lên, phân tích đúng sai theo quy định pháp luật, cả tình, cả lý, cuối cùng hai gia đình hòa thuận, ký giấy cam kết, yên tâm làm ăn trên mảnh đất đó.

Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, từ khi Công an chính quy về xã tình hình ANTT được giữ vững, không có những vụ việc nóng xảy ra. Lực lượng Công an chính quy có chuyên môn, nghiệp vụ chắc chắn, nắm tình hình rất kỹ, giúp chính quyền địa phương rất nhiều trong công tác chỉ đạo, điều hành.

Qua 4 năm về cơ sở, cùng cán bộ chiến sĩ lặn lội, gắn bó với bà con ở xã biên giới đặc biệt khó khăn này, điều mà Trung tá Nam thấy tự hào bây giờ là được người dân yêu quý như con em bản làng, có điều gì cũng tìm đến hỏi han, chia sẻ.

(còn nữa) HẢI QUỲNH