Về trong lòng dân (Bài cuối: Những sáng kiến vì dân)

Thứ năm, 21/09/2023 07:05
Khi Công an chính quy được điều động, tăng cường về các xã miền núi, biên giới không chỉ phát huy năng lực, sở trường tạo nên những chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo ANTT mà còn có những sáng kiến vừa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vừa phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.
Thượng úy Hà Văn Tuấn tuyên truyền PCCC cho bà con xã biên giới Ch'ơm.
Công an xã Phước Gia phát mũ bảo hiểm miễn phí cho người dân.

Phải luôn nghĩ có lợi cho dân

Khi mới được điều động về làm Trưởng Công an xã miền núi Phước Gia, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), Trung tá Trần Văn Quyền cứ trăn trở phải nghĩ ra cách làm mới, hiệu quả, mà muốn vậy trước tiên cách làm ấy phải mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Có như vậy thì sẽ thu hút người dân hưởng ứng, nhiệt tình tham gia, qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của Công an xã. Quyền tâm sự, Phước Gia là xã miền núi rộng, địa bàn cách trở, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Lúc Công an chính quy mới về xã, bà con còn chưa biết đến, vì thế anh đã nghĩ ra sáng kiến viết số điện thoại của Công an xã lên mũ bảo hiểm phát cho bà con. Công an xã đã vận động nhiều đơn vị, tổ chức đóng góp được trên 400 mũ bảo hiểm phát tặng miễn phí cho bà con đồng bào Ca-dong tại địa phương. Có mũ bảo hiểm, khi tham gia giao thông bằng xe máy, bà con đều sử dụng để đảm bảo an toàn, không còn cảnh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm như trước kia. Đặc biệt trên mũ bảo hiểm có số điện thoại Công an xã, bà con có bất cứ việc gì liên quan tới ANTT, dù đang ở nhà, ngoài đường, trong rẫy, đều có thể gọi báo cho Công an xã. Nhờ đó, Công an xã nắm được nhiều nguồn tin từ người dân, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh ngay từ cơ sở, không để tạo thành điểm phức tạp về ANTT.

Đây chỉ là một trong những sáng kiến thiết thực của lực lượng Công an chính quy xã Phước Gia nhằm hỗ trợ người dân. Ở Phước Gia điều kiện và cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, do đó, trong chiến dịch làm căn cước công dân, nếu gửi bưu điện về mỗi căn cước mất phí 26 ngàn đồng, với gia đình 5-6 nhân khẩu cũng tốn từ 100 đến 200 nghìn đồng. Để hỗ trợ bà con, đồng thời kết hợp nắm chắc địa bàn, biết rõ con người ở đâu, làm việc gì để dễ dàng cho công tác đảm bảo ANTT sau này, Công an xã đã tổ chức đưa căn cước về tận nhà giao cho bà con. Gần 800 nhân khẩu sau khi làm căn cước đã được Công an xã đem cấp phát tại nhà. Già làng Hồ Văn Dục xã Phước Gia cho biết, nhiều nơi không làm được như ở đây. Từ khi có Công an chính quy về, người dân thấy an tâm, Công an xã về tận thôn, rất gần gũi, chân tình.

Nhiều bà con Cadong ở các thôn làng xa xôi của miền núi Phước Gia trước kia rất ngần ngại khi tiếp xúc với lực lượng Công an, giờ đây cũng đã quen thuộc với hình ảnh Công an chính quy về xã. Địa bàn rộng, các chiến sĩ Công an xã Phước Gia tranh thủ nhiều chuyến tuần tra đêm để đưa căn cước công dân về từng hộ gia đình ở các thôn xóm. Nhiều cách làm mới trong việc xây dựng các mô hình tự quản tại địa phương cũng đã phát huy tác dụng. Bởi từ khi lực lượng Công an chính quy về xã thì Phước Gia đã trở thành vùng "xanh và sạch" về an ninh trật tự. Và điều làm được lớn nhất chính là tạo dựng được niềm tin, sự quý mến từ phía người dân.

Thượng úy Hà Văn Tuấn tuyên truyền PCCC cho bà con xã biên giới Ch'ơm.

Linh hoạt ứng biến

Cuối năm 2021 khi đang là giảng viên Đại học PCCC tại Hà Nội, Thượng úy Hà Văn Tuấn được điều động tăng cường cho Công an xã biên giới Ch'ơm, địa bàn xa xôi, hiểm trở nhất của huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam). Nhớ lại ký ức những ngày đầu tạm biệt vợ con ở Hà Nội để lên Ch'ơm Tuấn vẫn rùng mình vì những cung đường đèo khúc khuỷu, sạt lở, chìm trong cơn mưa chiều mù mịt. Cuộc sống của người dân ở Ch'ơm còn nhiều khó khăn, kèm theo đó điều kiện làm việc của Công an xã còn nhiều thiếu thốn. Để thích nghi, phát huy được sở trường chuyên môn về PCCC của mình, Tuấn buộc phải nghĩ ra nhiều sáng kiến, trên cơ sở những gì thực có để tuyên truyền, hướng dẫn, giúp bà con PCCC hiệu quả. Đặc biệt mỗi lần tuyên truyền, tổ chức các đám cháy giả định, lúc đầu bà con rất sợ, nhưng bằng cách hướng dẫn linh hoạt, phù hợp, bà con dễ dàng tiếp cận, bình tĩnh thực hành xử lý các sự cố xảy ra. Anh Alăng Nhị ở thôn Achoong kể, nhờ được tập huấn, hướng dẫn chữa cháy mà vợ con anh thoát nạn trong gang tấc. Chỉ tay vào những vết đen sạm còn sót lại trong căn nhà bị cháy của mình, anh Nhị bảo, thời điểm đám cháy xảy ra khói bao trùm, vợ con anh đang ngủ trong phòng, không hay biết gì. Khi phát hiện cháy, hàng xóm sử dụng ngay bình chữa cháy dập tắt, xong xuôi con anh mới thức giấc, ngơ ngác hỏi chuyện vừa xảy ra.

Từ khi Tuấn về Ch'ơm, với chuyên môn của mình đã cùng tập thể Công an xã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, triển khai nhiều giải pháp xử lý cháy nổ hiệu quả đến từng hộ. Đến nay, hầu hết bà con đã nắm kiến thức cơ bản về PCCC trong nấu ăn, sử dụng các thiết bị điện, bếp gas cũng như cách khắc phục, kỹ năng xử lý sự cố. Có gì dùng nấy, cầm tay chỉ việc, rất thiết thực nên người dân rất hào hứng, tham gia sôi nổi. Chẳng hạn khi làm nhà gỗ đường điện phải có ống gen, công tắc điện không được để gần bếp, không làm giàn chứa củi, không đốt lửa sưởi ấm ngay trong nhà, dưới giường… như tập quán. Và ngược lại, khi đun nấu bếp củi phải có người lớn trông coi, khi đi làm, đi ngủ phải dùng nước dập tắt bếp, tránh gió làm bay tàn vào vật dễ cháy...

Phó trưởng Công an xã Ch'ơm Lê Trường Sơn chia sẻ, cách tuyên truyền PCCC của Tuấn rất gần gũi, nhiệt tình, vì vậy bà con tham gia sôi nổi, tiếp thu, ứng dụng hiệu quả. Nhờ có chuyên môn sâu về PCCC, lại năng nổ nên Tuấn có đóng góp lớn trong việc đưa Ch'ơm là xã đầu tiên thực hiện mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC" trên địa bàn Tây Giang. Hiện 7/7 thôn của xã đều có tổ liên gia, người dân đều được trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn. Vừa qua xã đã ra mắt mô hình "Thôn an toàn phòng cháy" với 100% các hộ trong thôn được trang bị bình chữa cháy. Sau thời gian 2 năm tăng cường cho Công an xã Ch'ơm, Tuấn sẽ trở về đơn vị cũ công tác, nhưng những đóng góp, nền tảng về PCCC được xây dựng ở xã biên giới xa xôi này sẽ được duy trì, phát huy.

HẢI QUỲNH