Vẹn cả đôi đường

Thứ ba, 09/11/2021 14:29

- Hôm nay là ngày đẹp trời hay sao mà Hai Quảng Nam vui vậy?

 Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mang phế liệu đến đổi gạo.

- Hơn cả vui là khác. Vì Hai vừa chứng kiến một việc làm quá thiết thực, vừa có lợi cho bà con nghèo, vừa mang một thông điệp tốt đẹp đến với mọi người.

- Việc gì mà nghe hấp dẫn vậy?

- Chuyện Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hội An (Quảng Nam) thực hiện chương trình “Đổi rác lấy gạo – Cùng nhau đi qua mùa dịch” nhằm mục đích phân loại rác tại nguồn và hỗ trợ người dân khó khăn trong mùa dịch COVID-19 bằng hình thức đổi phế liệu lấy gạo. Theo đó, người dân chỉ cần gom ít nhất 50 vỏ lon, 50 vỏ chai nhựa các loại hoặc 5kg giấy, các sản phẩm rác tái chế khác… được đổi lấy 5kg gạo. Khi rác được thu gom sẽ giảm thiểu việc gây ô nhiễm cho môi trường, ngược lại người dân được nhận lương thực sẽ tạm thời giải quyết những khó khăn trước mắt.

- Sáng kiến quá là hay! Chắc nhiều người tham gia.

- Đúng là thế. Chỉ vỏn vẹn từ 8 giờ đến 9 giờ ngày 3-11-2021, chương trình đã thu nhận được hàng ngàn vỏ lon, chai nhựa và hơn 100kg giấy vụn của bà con ở khắp các địa phương trong thành phố. Bà Lê Thị Xuyến (1951), trú P. Tân An, TP Hội An, chia sẻ: nghe thông tin từ Hội phụ nữ phường về chương trình này cách đây một tuần, thấy chương trình có ý nghĩa thiết thực nên hàng ngày tôi nhặt vỏ lon, vỏ chai nhựa để đi đổi lấy gạo...

Tương tự, bà Trần Thị Chức (1943), trú KP Thanh Nhì, xã Cẩm Thanh, cho biết, sau khi nghe được có chương trình này cách đây một tuần thì đã nói cho người nhà cùng hàng xóm được biết. Hàng ngày, sau khi sử dụng xong các lon nước, chai nhựa dành lại để mang đến chương trình đổi gạo. Số phế liệu này sẽ bán lấy làm quỹ môi trường xanh để mua quà cho hội viên và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

- NXD nhận thấy đây là một chương trình rất ý nghĩa và thiết thực, đúng là “một công đôi việc”, vừa làm sạch môi trường, vừa giúp đỡ được người nghèo. Thông qua chương trình đã vận động mọi người tạo thói quen phân loại rác tại nguồn, hưởng ứng xây dựng Hội An trở thành địa chỉ không rác thải nhựa.

N.X.D