Vén màn bí mật thử nghiệm y học rùng rợn

Thứ năm, 23/10/2014 09:49

(Cadn.com.vn) - Nhờ Đạo luật Tự do thông tin tại Mỹ gần đây, chính phủ công bố nhiều hồ sơ được bưng bít hàng thập kỷ, trong đó có cả những vụ thử nghiệm y học kinh hoàng được thực hiện ngay trên cơ thể con người, rùng rợn hơn cả những thí nghiệm do Đức Quốc Xã thực hiện trong Thế Chiến II.

Kích thích điện điều trị đồng tính luyến ái

Năm 1970, bác sĩ Robert Heath ở Đại học Tulane thực hiện nghiên cứu "khủng", kích thích não triệt để nhằm điều trị cái mà ông gọi là "trị chứng bệnh đồng tính luyến ái". Trong nghiên cứu, một thanh niên đồng tính 24 tuổi được làm "chuột bạch", mang bí số B-19.

Ứng viên B-19 không chỉ bị đồng tính luyến ái mà còn mắc cả bệnh hoang tưởng và trầm cảm. Theo ông Heath, sử dụng điện kích thích vùng vách ngăn não nơi xử lý niềm vui sẽ chữa được căn bệnh nói trên.

Trước tiên, Heath cho chèn điện cực vào dưới hộp sọ và tiến hành sốc điện não. Theo báo cáo, người đàn ông này thực sự thấy phấn chấn hẳn lên. Do mang lại hiệu quả tức thì nên người trong cuộc đã tự làm cú sốc thứ hai, và dần dần dẫn đến tình trạng nghiện, sốc điện hàng ngàn lần trong vòng vài giờ.

Phần cuối của thí nghiệm, Heath cho bệnh nhân quan hệ tình dục khác giới với phụ nữ do chính Heath thuê. Trong khi đó, Heath liên tục sốc não cho B-19. Nhưng lạ thay càng được sốc điện, B-19 lại càng thờ ơ bạn tình.

Trong cuộc phỏng vấn 1 năm sau đó, bệnh nhân cho biết, anh ta thường xuyên quan hệ tình dục với cả nam lẫn nữ. Đến đây, có thể kết luận, thử nghiệm của Heath thành công một phần, nhưng chính Heath sợ nghiên cứu này, không bao giờ quay lại chữa bệnh đồng tính luyến ái nữa.

Chester M. Southam - chủ dự án thí nghiệm về ung thư gây tranh cãi.

Thí nghiệm về ung thư 

Chủ nhiệm dự án là Chester M. Southam, chuyên gia nghiên cứu ung thư nổi tiếng của Mỹ những năm 1960. Mục đích là tìm ra tác động của hệ miễn dịch lên khối u, khám phá lý do tại sao cơ thể con người lại bị suy yếu bởi bệnh tật và khả năng chống chọi lại tế bào ung thư. Chester đã nhắm Bệnh viện bệnh mãn tính Do Thái ở New York làm nơi thí nghiệm.

Ban đầu, cuộc thử nghiệm "phi điều trị" chỉ được phép thực hiện trên người già, bệnh nhân giai đoạn cuối. Các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân bị qua mặt và không hề hay biết, nhưng không hiểu sao Chester lại thuyết phục được ban giám đốc, vì vậy các kết quả thí nghiệm sau này được giấu kín.

Trong nghiên cứu, Chester tiêm tế bào ung thư sống vào cơ thể 22 phụ nữ cao tuổi. Trước khi tiêm, Chester lừa những người này rằng, họ được bổ sung tế bào khỏe mạnh nhằm giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi nhưng thực chất là tế bào ung thư sống. Chuyện vỡ lở, Chester bị tước giấy phép hành nghề có thời hạn nhưng sau đó vẫn được bổ nhiệm chức Chủ tịch của Hiệp hội Ung thư Mỹ.

Thí nghiệm Vanderbilt

Theo  hồ sơ vừa được giải mật, năm 1945, nhóm chuyên gia ở Đại học Vanderbilt thực hiện thí nghiệm gây chấn động, liên quan đến mức độ hấp thụ chất sắt trong cơ thể phụ nữ mang thai.

Trong nghiên cứu, có 829 phụ nữ mang thai được kê đơn dùng viên thuốc đặc biệt có chứa chất phóng xạ với nồng độ cao gấp 30 lần mức cho phép. Mục tiêu chính của dự án là đo ảnh hưởng của chất phóng xạ lên thai nhi. Hậu quả, 3 đứa trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất phóng xạ và tử vong, gồm một bé gái 11 tuổi, hai bé trai  11 và 5 tuổi. Mục đích nghiên cứu không hiểu có hoàn thành kế hoạch hay không nhưng tai họa là có thật, kéo theo vụ kiện của 3 phụ nữ là mẹ của 3 đứa trẻ xấu số.

Phản ứng về vụ kiện, ông Joseph C. Ross, Phó Giám đốc Trung tâm Y học Vanderbilt phủ nhận hậu quả và cho rằng đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp, một nghiên cứu khoa học thuần túy, nồng độ phóng xạ nằm trong ngưỡng cho phép. Sau nhiều năm tranh cãi, cuối cùng theo phán quyết của tòa, Đại học Vanderbilt phải bồi thường cho các nạn nhân số tiền 10 triệu USD.

Kim Hùng
(Theo Listverse)