Vì sao chế độ quân chủ vẫn phát triển?

Thứ hai, 14/07/2014 13:34

(Cadn.com.vn) - Nhiều người cho rằng, xã hội hiện đại, chế độ quân chủ không còn chỗ đứng. Nhưng trên thực tế, không ít quốc gia vẫn duy trì chế độ này, thậm chí còn “sống khỏe” và trở thành những quốc gia hùng cường, ổn định an ninh chính trị và tăng trưởng kinh tế.

Chế độ quân chủ xưa và nay

Từ sau Cách mạng tư sản Anh năm 1642, chế độ quân chủ - thể chế hình thức chính quyền mà trong đó người đứng đầu là nhà vua hoặc nữ hoàng - có nhiều chuyển biến. Đến nay, thể chế chế độ quân chủ phổ thông vẫn tồn tại nhưng nó lại là chế độ quân chủ lập hiến.

Mọi quyền lực, chi phối các hoạt động trong xã hội không còn tập trung vào tay vua hay nữ hoàng nữa mà nhà vua hay nữ hoàng chỉ là người lãnh đạo tinh thần mà thôi. Còn mọi quyền lực, chi phối các hoạt động trong xã hội lại do nghị viện, thủ tướng dân bầu chấp chính. Vai trò của chế độ quân chủ đã và đang có chiều hướng trở lại trong thời gian gần đây.

Ở nhiều nơi trên thế giới, chế độ quân chủ vẫn tiếp tục gây chú ý và ghi dấu ấn trong lịch sử như ở Thái Lan, Bhutan, Bỉ, Morocco và Saudi Arabia. Trào lưu này không còn là di sản lỗi thời cổ xưa nữa mà đang âm thầm tiến hóa và thấm sâu vào đời sống hiện đại.

Thực tế, chế độ quân chủ vẫn đang phát huy vai trò cần thiết, kể cả trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Bằng chứng, số lượng các vương triều không giảm mà lại tăng. Theo thống kê, hiện trên thế giới có khoảng 44 quốc gia còn tồn tại hình thức nhà nước quân chủ với 25 vị vua và nữ hoàng, trong đó Nữ hoàng Anh đồng thời là vua của 15 quốc gia quân chủ độc lập khác.

Nữ hoàng Anh, Elizabeth II chụp ảnh cùng với các vị Vua thế giới nhân Đại Lễ Kim cương đánh dấu 60 năm ngày lên ngôi của bà năm 2012.

Lợi thế nào cho chế độ quân chủ

Có nhiều lợi thế cho chế độ quân chủ thời hiện đại. Theo New York Times, thứ nhất, vai trò của các vương triều nổi trội hơn cả các chính khách, người đứng đầu nhà nước được dân bầu. Sự lựa chọn vị trí cao nhất trong chế độ quân chủ không bị ảnh hưởng hoặc phụ thuộc tài chính, phương tiện truyền thông hay đảng phái chính trị.

Thứ hai, và có liên quan chặt chẽ đến lợi thế nói trên, tại các nước dân chủ như Thái Lan chẳng hạn, sự tồn tại của một vị vua thường là điều duy nhất để giữ gìn đất nước trước thảm họa nội chiến. Quốc vương đặc biệt quan trọng ở các nước đa sắc tộc như Bỉ hay các nước Trung Đông.

Nếu phục hồi được vương quốc Afghanistan của vua Zahir Shah, người được người dân kính yêu, nhất là sau khi chế độ Taliban bị sụp đổ năm 2001, có lẽ đất nước Afghanistan sẽ nhanh chóng được bình yên thay vì nạn lộng hành, bè phái của các chúa đất như hiện nay.

Thứ ba, chế độ quân chủ có thể ngăn chặn sự hình thành các chính phủ cực đoan bằng cách điều chỉnh “nhân sự” của chính phủ. Tất cả các chính khách chính trị buộc phải thực thi vai trò giống như  thủ tướng hay bộ trưởng theo đúng luật và dưới quyền của nhà Vua. Bằng chứng, sự hiện diện của các vương triều ở Campuchia, Jordan hay Morocco đã chứng minh được điều này. Nó ngăn chặn kịp thời những khuynh hướng bảo thủ, bè cánh và cực đoan của giới chính khách, và của các phe phái “bằng mặt chứ không bằng lòng”.

Chưa hết, chế độ quân chủ còn có vai trò ổn định đất nước bằng cách chuyển giao quyền lực từ từ. Các vương triều Arab là nơi làm tốt điều này so với các quốc gia khác ở khu vực không theo chế độ quân chủ. Nhờ ưu thế trên, nhiều quốc gia ổn định được đất nước sau những cơn địa chấn kinh hoàng như trong chính biến Mùa xuân Arab mới đây chẳng hạn.

Thứ tư, chế độ quân chủ hoàn toàn “xứng cái tâm, đáng cái tầm”, đủ danh vọng và uy tín để thực hiện những sự lựa chọn cuối, hay những quyết định khó khăn nhất cho đất nước mà không một chế độ nào làm được.

Ví dụ, nhà Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha đích thân đảm bảo quá trình chuyển giao đất nước trở thành chế độ quân chủ lập hiến với các cơ quan của Quốc hội và đập tan âm mưu đảo chính quân sự.

Hay vào cuối Thế chiến thứ II, Hoàng đế Nhật Bản Hirohito đưa ra quyết định vô cùng sáng suốt bất chấp sự lộng hành, ngạo mạn của quân đội đòi chiến đấu đến cùng và kết quả đã cứu được đất nước và giảm thiểu tử vong bằng quyết định đầu hàng đồng minh.

Tuy vậy, chế độ quân chủ hiện vẫn còn bị chỉ trích, bị coi là không phù hợp với xã hội hiện đại. Một trong những lý do là vương triều có thể sử dụng quyền lực tuyệt đối, tùy tiện mà không qua bất kỳ sự kiểm soát nào; thậm chí có vương triều nặng tư tưởng sinh ra để cai trị, quan tâm nhiều đến lợi ích cá nhân hơn là lợi ích chung của đất nước.

Kim Hùng

(Theo Diplomat)