Vì sao Đà Nẵng luôn dẫn đầu về chuyển đổi số?

Thứ năm, 10/10/2024 09:00

Nhiều năm liền Đà Nẵng luôn dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thành phố cũng đạt được nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế về chuyển đổi số, thành phố thông minh. Đâu là bí kíp giúp Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả nổi bật như vậy?

Đà Nẵng nhận giải thưởng chuyển đổi số năm 2024.
Đà Nẵng đã đầu tư đưa vào khai thác Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC, giai đoạn 1).

“Chìa khóa” của thành phố thông minh

Đà Nẵng xác định chuyển đổi số (CĐS) là động lực, “chìa khóa” để xây dựng thành phố thông minh (TPTM), hướng đến mục tiêu “hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN vào năm 2030”. Trên cơ sở đó, Đà Nẵng đã tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện các đề án về CĐS, TPTM, đến nay đạt nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể thành phố hiện có các cơ sở dữ liệu nền và khoảng 100 dữ liệu chuyên ngành chia sẻ dùng chung, 10 dữ liệu mở tạo ra giá trị mới. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu kết quả thủ tục hành chính số không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tái sử dụng không cần nộp bản giấy mà còn giúp cơ quan nhà nước bỏ khoảng 180 thủ tục hành chính cấp lại do hư hỏng, mất (chiếm 10%). Thành phố cũng đã đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC, giai đoạn 1) với 15 nhóm dữ liệu số thống kê, phân tích, cảnh báo sớm phục vụ chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo thành phố và hỗ trợ các cơ quan, địa phương cung cấp dịch vụ công tốt hơn. Một số dữ liệu đã được khai thác hiệu quả như mưa, ngập; giám sát tàu cá trên biển trong lúc thiên tai; tình hình xử lý hồ sơ dịch vụ công; tình hình xử lý đơn thư,...

Hiện nay Đà Nẵng đã bắt đầu sử dụng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu số để triển khai một số ứng dụng TPTM như: Giám sát cung cấp dịch vụ công, Giám sát an toàn thông tin, Giám sát giao thông, Giám sát bãi đỗ xe, Giám sát môi trường (nước hồ, sông, không khí,...), Giám sát tàu thuyền, Truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Cổng dữ liệu mở... Đặc biệt, thành phố đã đưa vào sử dụng 15 nhóm dịch vụ thông minh với 159 dịch vụ giám sát và 52 dịch vụ phân tích, cảnh báo trên Trung tâm IOC, bước đầu khai thác để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo thành phố, sở, ban, ngành và địa phương dựa trên dữ liệu số.

Về kinh tế số, hiện Đà Nẵng có 3 khu công nghệ thông tin tập trung, kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP, doanh nghiệp công nghệ số thành phố tiếp tục có nhiều sản phẩm chủ lực, đạt giải thưởng lớn. Điểm nổi bật về xã hội số là thành phố đã đưa vào sử dụng các ứng dụng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân như Hệ thống Bản đồ số mưa ngập với thông tin dữ liệu tại hơn 2.000 điểm/khu vực ngoài đô thị (đo mưa, ngập, sạt lở, nhà sơ tán,…); Nền tảng hành trình số hỗ trợ người dân an tâm theo dõi, giám sát hành trình xe cấp cứu theo thời gian thực, phân tích dữ liệu góp ý của người dân để nâng cao chất lượng dịch vụ công. Chính việc triển khai nhiều ứng dụng công nghệ số phục vụ người dân nên Đà Nẵng đã được Tổ chức WeGO (Tổ chức các thành phố thông minh bền vững thế giới) vinh danh ở hạng mục “Human - CentriCity Prize” - Thành phố thông minh lấy con người làm trung tâm. Đây là ghi nhận quốc tế mới nhất dành cho những thành tựu ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng với quan điểm “Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”.

Đà Nẵng nhận giải thưởng chuyển đổi số năm 2024.

Huy động các nguồn lực, đầu tư trọng điểm

Đà Nẵng đạt được kết quả nổi bật về CĐS nhờ chủ động đầu tư và huy động nguồn lực đầu tư lớn từ sớm, đúng hướng, có trọng tâm. Theo đề án TPTM giai đoạn 2018-2025, đến nay có 27 dự án với tổng kinh phí 214,4 tỷ đồng đã hoàn thành thi công và đưa vào sử dụng; 4 dự án với tổng kinh phí 82,5 tỷ đồng đang thi công; 6 dự án với tổng kinh phí 866,08 tỷ đồng đã phê duyệt chủ trương đầu tư; 24 dự án với tổng kinh phí 234,95 tỷ đồng đang trong quá trình lập và trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Ngoài các dự án ưu tiên trong đề án TPTM, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai xây dựng các hệ thống, ứng dụng thông minh quan trọng khác với giá trị hơn 90 tỷ đồng. Nổi bật như dự án Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng, lý lịch tư pháp, hộ tịch điện tử; dự án Hệ thống đấu giá trực tuyến; dự án Trung tâm phòng chống tội phạm công nghệ cao của Công an thành phố; dự án Hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại 13 phường Hải Châu…

Cùng với nguồn vốn ngân sách, thành phố đã huy động nguồn lực xã hội cùng xây dựng TPTM. Theo đó, có 2 dự án từ nguồn vốn doanh nghiệp tài trợ bằng sản phẩm với giá trị khoảng 39 tỷ đồng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm Bệnh viện điện tử và Cổng Thông tin giao thông trực tuyến. Dự án Trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh từ nguồn viện trợ không hoàn lại của KOICA Hàn Quốc (giá trị 10,5 triệu USD) đang triển khai để đưa vào sử dụng trong năm 2025. Đặc biệt, thành phố đã huy động nhiều doanh nghiệp địa phương tham gia phát triển các ứng dụng cho thành phố và người dân sử dụng (không sử dụng ngân sách); phối hợp các trường đại học trong nước và quốc tế để chuyển giao triển khai các công nghệ mới và đào tạo phát triển nhân lực phục vụ TPTM.

Theo UBND TP Đà Nẵng, hiện thành phố có 2.531 Tổ công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 với 15.862 thành viên, được xem là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số, đưa công nghệ số đến từng người dân. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ này, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đặt ra, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho các Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, sử dụng các dịch vụ công, ứng dụng công nghệ số, hình thành xã hội số, Đà Nẵng đã hỗ trợ hàng ngàn hộ nghèo mua điện thoại thông minh với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.Thành phố cũng có chủ trương xây dựng chính sách đặc thù ưu đãi cho các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực chuyển đổi số đến làm việc tại Đà Nẵng nhằm phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030.

HẢI QUỲNH

‘Đà Nẵng đã đạt nhiều giải thưởng uy tín về TPTM, CĐS như Seoul Smart City Prize 2023, Viet Nam Smart City Award 2023 (lần thứ 4 liên tiếp), 3 năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng chuyển đổi số tỉnh thành cả nước, nhiều năm dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số ICT Index, là địa phương được vinh danh “Tiêu biểu chủ động thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và Chuyển đổi số”. Mới nhất, Đà Nẵng đạt 2 giải thưởng cho hệ thống giám sát điều hành thông minh và nền tảng giám sát hành trình số 2024.