Vì sao FDI Đà Nẵng giảm sâu?

Thứ tư, 16/07/2014 08:28

(Cadn.com.vn) - Theo Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND TP Đà Nẵng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP trong 6 tháng qua đạt rất thấp và giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn FDI vào Đà Nẵng hiện đạt 3,347 tỷ USD, trong đó chỉ 1,84 tỷ USD vốn đã thực hiện. Nửa năm qua TP chỉ thu hút được 9 dự án FDI với vốn đăng ký 98,8 triệu USD.

Đất cho du lịch không còn

Lý giải tình trạng sụt giảm FDI hiện nay, ông Lâm Quang Minh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng cho rằng, trước hết phải nhìn nhận từ trong chiến lược phát triển của Đà Nẵng là tập trung cho công nghệ cao và dịch vụ, TP đã “lắc đầu” với một số dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho dù vốn đầu tư của họ rất lớn.

Và để thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, dịch vụ, TP đã trải thảm đỏ với nhiều ưu đãi. Với chiến lược này đã khiến nhiều nhà đầu tư hào hứng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Thực tế thì những năm qua thu hút FDI vào Đà Nẵng khởi sắc là do đóng góp của các nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch.

Hàng loạt các dự án du lịch cao cấp đã được đầu tư, triển khai vào TP, nhất là căn hộ cao ốc, các khu giải trí, vệt khách sạn, resort nghỉ dưỡng ven biển. Bây giờ nhìn lại hầu hết các khu đất vàng ở trung tâm TP, những tuyến đường sầm uất ven sông Hàn hay ven biển Mỹ Khê, Non Nước, Bãi Bụt đều đã có chủ. Tức là đất cho du lịch không còn.

Trong khi đó một lĩnh vực chiến lược khác mà TP hướng tới là công nghệ cao thì hạ tầng lại chưa làm xong. Một số nhà đầu tư Châu Âu quan tâm muốn đầu tư vào Khu Công nghệ cao nhưng khi tới khảo sát thấy hạ tầng “chưa có gì” nên chỉ ghi nhận và chờ.

Hiện TP cũng đang chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ Khu Công nghệ cao để cố gắng trong tháng 8-2014 có thể đáp ứng được nhu cầu cho 2 nhà đầu tư Nhật Bản có thể tiến hành xây dựng nhà máy.

Ngoài ra, theo ông Minh, một nguyên nhân không thể không nhắc tới là tình hình phức tạp ở biển Đông cũng ảnh hưởng nhất định. Một số nhà đầu tư Hồng Kông, Đài Loan đã vào khảo sát làm dự án, nhưng thấy biển Đông phức tạp nên dừng lại.

Trong một góc nhìn khác, ông Trần Văn Sơn - Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, bên cạnh bối cảnh sụt giảm chung do khó khăn về kinh tế thì môi trường kinh tế và lợi thế của Đà Nẵng, miền Trung cũng được các nhà đầu tư đặt lên bàn cân rất kỹ trước khi quyết định.

Về chủ quan, ngoài việc TP từ chối một số nhà đầu tư vì nguy cơ ô nhiễm môi trường còn có việc thủ tục rườm rà, nhiêu khê. Các thủ tục quá nhiều, thời gian chờ đợi dài từ xin giấy phép đầu tư, xây dựng, thuê đất đai, môi trường, chữa cháy...

Cũng theo ông Sơn, về khách quan, có 3 nguyên nhân khiến Đà Nẵng chưa hẳn lợi thế. Trước hết là cơ hội thị trường khi đầu tư không cao. Đã nhiều năm, nhưng Đà Nẵng vẫn chưa trở thành tâm điểm giao thương của cả khu vực.

Hàng hóa từ Tây Nguyên, Nam Trung Bộ thường chọn cảng Quy Nhơn, trong khi hàng hóa từ Đà Nẵng lại vận chuyển bằng đường bộ vào TPHCM hoặc chở từ TPHCM về mà chi phí vẫn rẻ hơn xuất qua cảng Đà Nẵng. Tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây mà Đà Nẵng là điểm cuối thực ra vẫn chỉ là lợi thế để quảng bá còn để có nguồn hàng ổn định thì còn ách tắc nhiều.

Mặt khác, công nghiệp phụ trợ quá mỏng và yếu khiến nhà đầu tư rất đắn đo. Điều này cũng xuất phát từ định hướng tập trung, ưu ái vào ngành dịch vụ của TP, từ đó mất đi cơ hội thu hút trong công nghiệp phụ trợ. Và cuối cùng, vấn đề nhân lực có chất lượng luôn là rào cản không hề nhỏ với Đà Nẵng.

Theo cơ quan chức năng, hầu hết đất vàng là lợi thế trong thu hút đầu tư của Đà Nẵng đều đã có chủ.

Giải pháp nào?

Phải chăm sóc tốt cho những DN đã đầu tư để họ tiếp tục mở rộng, tăng vốn - ông Trần Văn Sơn đề xuất. Điều dễ nhận thấy là những DN FDI đã đầu tư vào Đà Nẵng đều phát triển rất tốt và không ngừng tăng vốn đầu tư. Trong 6 tháng qua sản xuất của DN FDI đã tăng 11,4% so với cùng kỳ, vốn đầu tư tăng thêm cũng gần 12 triệu USD với 9 dự án.

Song song với đó phải không ngừng nỗ lực cải thiện hình ảnh của Đà Nẵng, chẳng hạn như khi Mabuchi xin thủ tục để cung cấp sản phẩm thị trường nội địa thì phải giải quyết nhanh chứ không thể “ngâm” một thời gian dài. Việc cải thiện hình ảnh Đà Nẵng cũng rất quan trọng với các nhà đầu tư đã quyết định đầu tư vào Đà Nẵng nhưng chưa triển khai vốn (hơn 1,3 tỷ USD).

Hoạt động xúc tiến đầu tư hiện còn phân tán, chưa có chiến lược và sự phối hợp vận động hiệu quả, đây là hạn chế cần sớm tháo gỡ. Theo ông Trần Văn Sơn, trong bối cảnh hiện tại nên tập trung vào các nhà đầu tư từ Nhật, Singapore, Hàn Quốc...

Ông Lâm Quang Minh thì cho rằng TP nên sát nhập Trung tâm xúc tiến đầu tư, Trung tâm xúc tiến thương mại và Trung tâm xúc tiến du lịch về một đầu mối để hoạt động có hiệu quả, chiến lược hơn. Mô hình này được nhiều TP như Hà Nội, Cần Thơ áp dụng và mang hiệu quả rất cao.

Và cuối cùng, để vực dậy FDI thì những vấn đề tuy rất cũ nhưng không thể bỏ qua đó là cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, nhanh gọn hơn; là tìm cách phá vỡ những rào cản từ tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây; đặc biệt cần phát triển cảng Đà Nẵng đúng với đầu mối giao thương quốc tế cho cả khu vực.

Hải Hậu