Vì sao gọi nhà bác học Yersin là ông Năm?

Thứ hai, 31/07/2023 08:39
Ai cũng biết, nhà bác học Yersin (1863 - 1943) là con út trong một gia đình có 3 người con. Vậy, nếu gọi theo ngôi thứ trong tiếng Việt kiểu Nam Bộ phải là Tư, cớ sao gọi ông Năm?
Tượng nhà bác học Yersin do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tạc. Tượng đặt tại công viên Yersin ở TP Đà Lạt.
Tượng nhà bác học Yersin do điêu khắc gia Phạm Văn Hạng tạc. Tượng đặt tại công viên Yersin ở TP Đà Lạt.

Nói về Yersin, từ điển Le Petit Larousse illustré (Paris, 1974) ghi như sau: “Nhà vi trùng học người Pháp gốc Thụy Sỹ, sinh năm 1863, tại Aubonne (Vaud, Thụy Sỹ), mất năm 1943 ở Nha Trang (Việt Nam), đã phát hiện ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch năm 1894”. Sách Địa chí Đà Lạt (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2008) xác nhận: “Yersin sinh ngày 22-9-1863, tại tổng Vaud (Thụy Sỹ). Yersin là con út trong một gia đình có 3 anh chị em. Cha của Yersin là người Thụy Sỹ, giáo viên dạy môn Sinh học tại trường trung học Morges, thích nghiên cứu côn trùng học, qua đời trước khi Yersin ra đời 3 tuần. Mẹ của Yersin là người Pháp, quê quán ở Paris”.

Ở đây, xuất hiện một nghi điểm, cần lưu ý: Yersin là con thứ 3, vậy cớ gì mà người Việt lại gọi... ông Năm/ Đốc-tơ Năm/ Đốc Năm? Chia sẻ về điều này, cố nhà báo Phanxipăng đã nói rõ trong Tập san Khát Vọng (NXB Hội Nhà văn, 2023): “Sinh thời, thân phụ tôi giải thích: Gọi ông Năm là gọi theo số vạch quân hàm médecin colonel (đại tá quân y của Pháp), dẫu Docteur Năm hiếm khi mặc quân phục”. Thân phụ của nhà báo Phanxipăng nói thêm: “Theo như cha biết, người Nha Trang, nhất là người dân ở xóm Cồn và xóm Bóng, luôn gọi nhà bác học Yersin là thầy Tư”. Nhà giáo Quách Giao - con trai nhà thơ Quách Tấn, cũng ghi nhận: “Nhà bác học Yersin được người Nha Trang gọi 2 kiểu: Giới trí thức, nhất là công chức được Pháp đào tạo, gọi Đốc (Docteur) Năm, các thành phần khác đông hơn thì gọi thầy Tư/ bác Tư/ ông Tư”. Dân xóm Cồn và dân xóm Bóng còn đặt cả ca dao về “lầu ông Tư” - tức tư dinh của nhà bác học Yersin: “Ngó ra ngoài biển thấy tàu/ Ngó vô trong bãi thấy lầu ông Tư”.

Qua những trích dẫn trên đây, chúng tôi thấy rằng, sự thú vị và cả sự phức tạp trong ngôn ngữ tiếng Việt đều nằm ở đấy. Nếu chúng ta không chịu tìm hiểu cặn kẽ thì rất dễ bị ngộ nhận, rồi gây ra sự ngộ nhận cho người khác. Chúng tôi xin nêu một ví dụ: Cuốn tiểu thuyết Docteur Nam: la fabuleuse histoire de lhomme qui soigna la peste của Élisabeth du Closel kể về cuộc đời đặc biệt của Yersin đã gây khó cho người dịch khi chuyển sang Việt ngữ từ “Nam”. “Docteur” là bác sĩ y khoa. “Nam” nghĩa gì? Thật ra, “Nam” chính là “Năm” trong tiếng Việt. Do hiểu biết tường tận câu chuyện về Docteur Nam nên dịch giả Lê Trọng Sâm đã chính xác khi chuyển nghĩa nhan đề cuốn tiểu thuyết thành: Đốc-tơ Năm - Câu chuyện diệu kỳ về người chống lại bệnh dịch hạch. Cuốn tiểu thuyết Đốc-tơ Năm - Câu chuyện diệu kỳ về người chống lại bệnh dịch hạch của Élisabeth du Closel đã được NXB Trẻ ấn hành, 2018.

Thế đấy, sự phối - kết - hợp ngôn ngữ lắm lúc đẻ ra những câu chuyện khá là hài hước: Docteur bị Việt hóa và gọn hóa thành Đốc. Năm thì sử dụng hoàn toàn thuần Việt, chứ không theo Cinq (số 5) trong tiếng Pháp. Bởi vậy mới có chuyện Yersin là con thứ 3 trong gia đình nhưng lại thành ra Đốc Năm trong tiếng Việt - một kiểu phối trộn giữa tiếng Pháp (Docteur, gọi tắt là Đốc) và tiếng Việt (Năm, gọi theo số vạch quân hàm của Yersin trong quân đội Pháp).

Trí Tâm