Vì sao Liên Xô là "siêu cường Mặt Trăng"?

Thứ năm, 18/02/2016 10:32

(Cadn.com.vn) - Sau Thế chiến II, 2 siêu cường lúc bấy giờ là Mỹ và Liên Xô (nay là Nga) bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh vô cùng căng thẳng. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự, chạy đua không gian cũng là một trong những hình thức quan trọng nhất của cuộc chiến tranh phi bạo lực này.

Sau nhiều năm nỗ lực, ngày 20-7-1969, tàu Apollo 11 của Mỹ đã đưa những phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng là Neil Armstrong và Edwin Buzz Aldrin. Tuy nhiên, Mỹ không phải là siêu cường về Mặt Trăng. Trong suốt thập niên 1960, nhiều sự kiện đã chứng tỏ vai trò dẫn đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua chinh phục không gian.

Tàu thám hiểm hạ cánh đầu tiên

Ngày 3-2-1966, tàu thám hiểm Luna 9 của Liên Xô trở thành tàu thăm dò đầu tiên hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng. Điều này chứng minh, tàu đổ bộ không chìm nghỉm trong lớp bụi rất dày che phủ đất Mặt Trăng như người ta vẫn lo sợ. Thành công này mở ra giai đoạn mới trong công cuộc thám hiểm ở hành tinh này.

Doug Millard, nhà quản lý không gian tại Bảo tàng Khoa học London nơi hiện đang diễn ra cuộc triển lãm hiện vật vũ trụ "có một không hai" của Nga, cho hay, Luna 9 gồm 2 phần. Phần đế hình vuông có 4 chân trụ giống như tàu đổ bộ Mặt Trăng Apollo. Phần thân tàu là hình trụ thẳng đứng phía trên đầu được bao bọc bởi mái vòm hình trứng giống như những cánh hoa khép kín. Sau khi hạ cánh, Luna 9 thu thập và truyền những hình ảnh bề mặt Mặt Trăng về Trái đất. Đài quan sát Jodrell Bank của Anh nhận được hình ảnh và truyền chúng đi toàn thế giới. Giám đốc đài, nhà thiên văn vô tuyến lỗi lạc Sir Bernard Lovell, mô tả việc tàu Luna 9 hạ cánh an toàn là "thời khắc lịch sử" và là "thành tích cuối cùng cần thiết cho một cuộc hạ cánh của tàu thám hiểm có người lái trên Mặt Trăng". Đối với người dân, việc hạ cánh của Luna 9 chứng minh rằng Liên Xô đã giành chiến thắng trước Mỹ trong cuộc chạy đua không gian.

Mỹ dù đã đưa người lên Mặt Trăng nhưng vẫn chịu thua Nga một bước trong cuộc chiến chinh phục hành tinh này.

Chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên

Những chuyến đi bộ ngoài không gian trở thành hiện thực sau khi chương trình nghiên cứu của Liên Xô phát triển thành công bộ trang phục nén ép đầu tiên và chế tạo tàu vũ trụ có tên Voskhod. Sứ mệnh Voskhod-1 từng đưa 3 phi hành gia đầu tiên lên vũ trụ, nhưng tiếng vang thực sự được ấn định khi Alexey Leonov rời thuyền Voskhod-2 và thực hiện những bước đi bộ đầu tiên ngoài không gian trong 12 phút ngày 18-3-1965. Cuối hành trình, trang phục của Leonov phồng lên khiến việc trở lại khoang tàu gần như không thể. Ông buộc phải giải phóng áp lực khí trong bộ đồ, ép người chui qua cánh cửa chỉ rộng 1m. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Leonov trải qua khóa huấn luyện kéo dài 18 tháng.

Xe tự hành

Ngày 10-11-1970, tàu vũ trụ Luna 17 của Liên Xô lần đầu đưa xe tự hành 8 bánh Lunokhod-1 lên Mặt Trăng tiến hành thăm dò. Trong suốt 11 tháng trên Mặt Trăng, dưới sự điều khiển của một nhóm kỹ thuật viên ở Moscow, Lunokhod-1 thực hiện nhiều công việc nghiên cứu khảo sát như chụp ảnh, quay video và lấy mẫu đất đá phân tích ngay tại chỗ truyền kết quả về Trái đất. Đây được coi là một trong những thành công lớn nhất của chương trình thám hiểm Mặt Trăng của Liên Xô.

Tên lửa

Trong cuộc chạy đua Mặt Trăng, nhà thiết kế Sergei Korolev, người thiết kế phi thuyền đưa nhà du hành Yuri Gagarin lên quỹ đạo, cố gắng chế tạo tên lửa có thể đưa các nhà du hành đáp xuống hành tinh này. Tên lửa được đặt tên là N1 gồm 5 tầng, và được xem là tương đương với tên lửa Saturn-V của Mỹ. Tên lửa khổng lồ được phóng thử nghiệm tổng cộng 4 lần và lần nào cũng thất bại. Bất ngờ, nhà thiết kế thiên tài Korolev mất năm 1966. Kế hoạch N1 sau đó được đánh giá là "thất bại hoàn toàn" và bị yêu cầu chấm dứt. Nếu chương trình tên lửa N1 bắt đầu một vài năm trước đó, Alexei Leonov có thể đã là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Tuệ Khanh

(Theo BBC)