Vì sao máy bay Malaysia bị không tặc?

Thứ hai, 17/03/2014 12:39

(Cadn.com.vn) - Việc kết luận máy bay mất tích bị không tặc đang dẫn dắt giới chức Malaysia đến cuộc điều tra lớn nhằm vào các phi công và những hành khách bị tình nghi.

Giới chức Malaysia ngày 16-3 khẳng định đang điều tra các phi công và các “khách có kinh nghiệm hàng không” sau khi có kết luận, máy bay Malaysia mất tích bị khống chế sao cho không bị phát hiện khi di chuyển trong khu vực Châu Á.

AP dẫn lời một quan chức quân sự cấp cao tham gia quá trình điều tra cho biết, giới chức Kuala Lumpur tin rằng, máy bay mất tích có thể bị một người thành thạo về kiến thức bay và nắm rõ các vị trí của radar cố tình chuyển hướng bay về Ấn Độ Dương. “Đó phải là phi công lành nghề, có khả năng và đang còn hành nghề. Người đó biết cách tránh radar dân sự”, quan chức này nói. Tuy nhiên, hiện chưa xác định được động cơ và vị trí diễn ra vụ cướp máy bay gây chấn động này.

Cảnh sát đến điều tra tại nhà phi công trưởng Zaharie Ahmad Shah. Ảnh: AP

Máy bay đang ở đâu?

AP dẫn dữ liệu vệ tinh cho thấy, chiếc Boeing 777 MH370 này đã bay nhiều giờ đồng hồ sau liên lạc cuối cùng là “Tốt rồi, chúc ngủ ngon” của phi công. Theo đó, giới chức Malaysia cho rằng, nó có thể bay đến phía bắc vào Trung Á hoặc đi sâu vào phía Nam Ấn Độ Dương, đặt ra thách thức lớn cho nỗ lực tìm kiếm máy bay sau gần 10 ngày mất tích bí ẩn.

Trước dữ liệu này, nhiều tờ báo lớn cho rằng, máy bay mất tích có thể đi vào không phận Ấn Độ hoặc Pakistan và hiện đang được giấu ở đó. Tuy nhiên, tờ Times of India dẫn lời các chuyên gia kiểm soát không lưu ở thành phố Kolkata, miền Đông Ấn Độ, loại bỏ khả năng này vì “máy bay không thể vào không phận Ấn Độ mà không bị hệ thống phòng thủ phát hiện”. Theo một quan chức hàng không Ấn Độ, “bất kỳ chuyến bay nào đi từ hướng Tây Bắc về phía Kazakhstan từ Malaysia chắc chắn phải đi qua Khu vực thông tin bay của Kolkata”.

Pakistan cũng bác bỏ thông tin, máy bay mất tích  có thể được giấu đâu đó tại quốc gia Nam Á này. Trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về vấn đề hàng không Shujaat Azeem khẳng định: “Thông tin này là sai, máy bay đó chưa bao giờ hướng về phía Pakistan”. Theo ông Azeem, radar hàng không dân dụng Pakistan chưa từng bắt được tín hiệu của máy bay. “Do vậy làm sao nó có thể được giấu ở đâu đó tại Pakistan”, ông nói thêm.

Phía Nam biển Ấn Độ là một trong những nơi trải dài xa xôi nhất trên thế giới, điểm sâu thứ 3 thế giới và hệ thống radar rất ít ỏi. Vì vậy, việc tìm kiếm có thể mất vài tháng - hoặc lâu hơn - hoặc có thể không bao giờ tìm được.

Động cơ chính trị?

Nhiều câu hỏi mới được đặt ra. Vì sao chính quyền Kuala Lumpur, gồm cả lực lượng không quân, không hay biết việc máy bay đổi hướng. Và nếu các phi công tham gia vào vụ không tặc này, liệu họ làm việc có tổ chức hay một mình? Họ muốn làm thế hay bị ép buộc? Nhà chức trách Malaysia tuyên bố không loại trừ bất kỳ khả năng nào nhưng cần chờ đợi cho đến khi dữ liệu chuyến bay được phục hồi.

Hiện, cảnh sát đang điều tra tất cả những người trên khoang, đặc biệt là các phi công. Hôm 15-3, cảnh sát đến tư gia của hai phi công Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, và Fariq Abdul Hamid, 27 tuổi, song vẫn chưa công bố báo cáo điều tra. Cơ trưởng Zaharie, đã có hơn 18.000 giờ bay kinh nghiệm và được biết đến như là một người đam mê hàng không đến nỗi thiết lập cả những chuyến bay giả đầy phức tạp ở nhà.

Tuy nhiên, người đứng đầu Malaysia Airlines từng khẳng định, đây không phải là việc bất thường. Nhiều nguồn tin cho biết, hiện người ta đang hướng đến khả năng cơ trưởng có động cơ chính trị mờ ám. Bởi theo báo New Straits Time, cơ trưởng Zaharie là thành viên đảng Công lý Nhân dân (PKR) thuộc Liên minh đối lập - PR do chính trị gia Ibrahim Anwar đứng đầu. Trong khi đó, phi công Fariq từng dính án khi cho phép 2 hành khách nữ vào buồng lái trong một chuyến bay vào năm 2011.

Hiện chiến dịch tìm kiếm trên biển Đông đã ngừng và chuyển hướng đi xa hơn sau khi các cuộc điều tra cho thấy, máy bay có thể bay xa về phía Tây. Khi các nước vẫn tiếp tục sứ mệnh tìm kiếm và cứu hộ quốc tế, Malaysia có trách nhiệm không thể né tránh, nhất là trong việc cung cấp những thông tin quan trọng.  Các bên khác như nhà máy sản xuất máy bay Boeing, nhà sản xuất động cơ Rolls-Royce cùng với siêu cường Mỹ cũng cần nỗ lực hợp tác hơn. Không có lý do gì để các bên có thể buông lơi khi số phận của 239 người đang treo lơ lửng.

Khả Anh