Vì sao ngành xây dựng Đà Nẵng sụt giảm mạnh?
Dự án nhà ở xã hội “khát” vốn
Trong 3 tháng qua, giá trị sản xuất ngành xây dựng của Đà Nẵng đạt 5.826 tỷ đồng, trong đó công trình nhà ở, xây dựng chuyên dụng so với cùng kỳ đều giảm trên 15%. Nếu tính 9 tháng đầu năm 2023, giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng Đà Nẵng đã giảm 7,9%, trong đó xây dựng nhà các loại giảm trên 18%. Theo UBND TP Đà Nẵng, việc sụt giảm giá trị sản xuất ngành xây dựng do nhiều dự án thiếu vốn đầu tư. Cụ thể, các ngân hàng siết chặt cho vay, dòng tiền vốn huy động của các doanh nghiệp bất động sản bị thu hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn. Kết quả tăng trưởng dư nợ tín dụng trên địa bàn Đà Nẵng 9 tháng qua chỉ tăng 0,88% so với cuối năm 2022 trong khi tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tăng 6,29% cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp để phục hồi sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn và thị trường bất động sản đã giảm sức hút đối với nguồn tiền nhàn rỗi. Thậm chí, một số dự án nhà ở xã hội (NƠXH) như Chung cư thu nhập thấp tại Khu tái định cư Đại Địa Bảo - Khối nhà C; Chung cư thu nhập thấp tại Khu dân cư An Trung 2 - Khối nhà A, B; Khu chung cư NƠXH tại KCN Hòa Khánh - Khối nhà E3, E4, B2 dù đã đáp ứng đủ điều kiện để được vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng tuy nhiên công tác tiếp cận còn gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, sự sụt giảm của lĩnh vực xây dựng theo lý giải của UBND TP Đà Nẵng còn do công tác lập hồ sơ lựa chọn chủ đầu tư các dự án NƠXH vướng mắc. Nổi bật như dự án NƠXH tại khu đất B4-1, B4-2 thuộc Khu TĐC Hòa Hiệp 4; NƠXH tại khu đất chung cư số 3 thuộc Khu B - KDC Nam cầu Cẩm Lệ; NƠXH tại khu đất chung cư số 5 thuộc Khu B - KDC Nam cầu Cẩm Lệ. Các dự án này đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gần 2 năm, tuy nhiên lại chậm xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (m2) đối với 3 khu đất để tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án. Tương tự, một số dự án khác thì vướng mắc về đất đai theo các kết luận thanh tra, bản án chờ được tháo gỡ, cũng chưa thể tiến hành xây dựng. Chẳng hạn như các dự án Khu đô thị xanh Dragon City-Park, Khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn, Khu dân cư Xuân Thiều, Khu nhà ở Phú gia Compound, Khu phức hợp dịch vụ thương mại cao tầng An Hòa.
Chờ quy hoạch phân khu
Hiện nay Đà Nẵng đang thực hiện 9 quy hoạch phân khu đô thị, 10 quy hoạch phân khu chức năng, vì thế nhiều dự án phải “chờ”, chưa thể xây dựng. Cụ thể, các dự án này chưa phù hợp với quy hoạch phân khu hiện có, phải chờ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xong Bộ Xây dựng mới phê duyệt thiết kế cơ sở, nổi bật như dự án Danang Landmark, Khách sạn Sunrise Plaza…Tương tự, nhiều dự án khác phải chờ xong quy hoạch phân khu mới đủ điều kiện thực hiện các thủ tục đầu tư tiếp theo như chủ trương đầu tư, lập/điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Đơn cử, dự án Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng có tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, hiện chưa thể khởi công trong năm 2023 như kế hoạch do đang phải chờ quy hoạch phân khu ven Vịnh Đà Nẵng. Trong 9 đồ án quy hoạch phân khu đô thị hiện Bộ Xây dựng đã thống nhất 2 đồ án là đô thị Sườn đồi và đô thị Công nghệ cao. 4 đồ án khác gồm quy hoạch phân khu đô thị sân bay, ven vịnh Đà Nẵng, ven sông Hàn, khu đổi mới sáng tạo đã hoàn thiện hồ sơ.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, việc triển khai quy hoạch phân khu hiện gặp nhiều khó khăn do phát sinh một số nội dung định hướng mới tại Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang trình Thủ tướng Chính phủ), dẫn đến phải nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung trước khi triển khai quy hoạch phân khu. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phát sinh một số nội dung chưa có quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể như vướng mắc về dữ liệu địa hình, phải lấy ý kiến nhiều bộ, ngành, đơn vị liên quan; nhiều ý kiến phản biện tâm huyết của chuyên gia, cần bổ sung, nâng cao chất lượng đồ án dẫn đến kéo dài thời gian. Chưa kể, hồ sơ đồ án có khối lượng lớn, mức độ phức tạp cao, phải đảm bảo tính kế thừa, trong khi đồng thời phải đảm bảo quy chuẩn tại thời điểm lập quy hoạch.
HẢI QUỲNH