Vì sao người dân miền núi xứ Quảng không "mặn mà" với cây cao su?

Thứ bảy, 09/05/2020 14:50

Tháng 3-2020, chúng tôi có bài phản ánh về câu chuyện, từ năm 2008, chính quyền tỉnh Quảng Nam có chủ trương, định hướng đưa cây cao su lên trồng tại các địa phương miền núi như Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Bắc Trà My nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo thu nhập có hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân miền núi. Tỉnh đã xác định, cây cao su là một trong những cây chủ lực, mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội ở những vùng núi còn nhiều khó khăn này. Tuy nhiên, trong chuyến công tác lên miền núi xứ Quảng chúng tôi nghe được thông tin, thời gian gần đây, người dân không "mặn mà" với cây cao su. Các nguyên nhân đã nêu bao gồm người dân cảm thấy bị thiệt thòi về giá cả. Bên cạnh, bà con tham gia trồng cao su tất cả đều là đồng bào dân tộc thiểu số, lâu nay vẫn có tập quán canh tác cây trồng theo lối thủ công, chưa biết áp dụng kỹ thuật và cách làm việc chuyên nghiệp, nên hiệu quả chưa cao.

Sau hơn 10 năm, Công ty Cao su Nam Giang vẫn chưa làm thủ tục thuê đất đối với diện tích trồng cao su theo quy định Luật Đất đai.

Tuy nhiên, tiếp tục tìm hiểu câu chuyện về cây cao su, chúng tôi được biết, đó chưa phải là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc người dân không mặn mà với cây cao su. Trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang đã phát triển tại các địa phương miền núi Quảng Nam nêu trên được hơn 4.000 héc-ta cao su, theo hình thức thuê đất của người dân, rồi đầu tư kinh phí để người dân trồng cao su. Tuy vậy các thủ tục mang tính pháp lý liên quan đến đất đai còn rất nhiều tồn tại, vướng mắc.

Tại Thông báo số 342, ngày 11-9- 2018 kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Lê Trí Thanh (nay là Chủ tịch UBND tỉnh), tại cuộc họp giải quyết tồn tại, vướng mắc về thủ tục đất đai trồng cao su với đại diện của Công ty Cao su Nam Giang nêu rõ: "Cần phải giải quyết kịp thời bằng 2 phương án. Phương án thứ nhất, thỏa thuận với người dân để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất 1 lần và phối hợp với cơ quan chức năng để làm thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất thời hạn 50 năm; đồng thời lấy ý kiến của người dân, chính quyền địa phương để sửa đổi, bổ sung về quy chế hưởng lợi của người tham gia phát triển trồng cây cao su trong vùng dự án cho phù hợp... Sau khi hết thời hạn thuê đất, trường hợp Công ty không còn nhu cầu sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất và giao lại cho nhân dân tiếp tục sản xuất... Phương án thứ hai, Công ty thuê quyền sử dụng đất theo hình thức thuê đất trả tiền 1 lần, hoặc trả tiền hàng năm, thời hạn thuê đất là 25 năm hoặc 50 năm tùy thỏa thuận với người dân. Trong cả hai phương án trên, Công ty phải ưu tiên giải quyết việc làm ổn định đối với hộ dân thuộc diện thu hồi hoặc cho thuê quyền sử dụng đất".

Người dân xã A Nông, Tây Giang chăm sóc cây cao su.

Trao đổi với ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang, chúng tôi được biết, cả hai phương án trên cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được Công ty Cao su Nam Giang thực hiện, như vậy là chưa đúng với quy định của Luật Đất đai. Ngoài ra, Công ty cũng chưa thực hiện bất cứ một sự thỏa thuận, cam kết nào với người dân về giá thuê đất, quyền lợi của người cho thuê đất và trách nhiệm của Công ty khi thuê đất trồng cao su đối với người dân.

Vấn đề này, UBND H. Tây Giang và các địa phương nêu trên đã nhiều lần bàn bạc với Công ty Cao su Nam Giang, nhưng chưa thống nhất được. Đây mới chính là nguyên nhân mấu chốt vì sao người dân chưa mặn mà với cây cao su. Một câu hỏi rất đơn giản, người dân có đất, thay vì cho thuê đất để trồng cao su, người dân có thể trồng cây khác, có thể hiệu quả không bằng cây cao su, nhưng đất đai vẫn là của họ. Còn trồng cây cao su, sau gần 10 năm qua, việc hưởng lợi từ đất đai của chính họ lại phải dựa vào giá cả không ổn định, không rõ ràng của sản phẩm "mủ cao su", như vậy làm sao người dân có thể yên tâm?

Được biết, hiện UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu Công ty Cao su Nam Giang báo cáo, giải trình với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về công tác lập hồ sơ thuê đất trồng cao su theo diện tích đã được phê duyệt; đề nghị Tập đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh nhằm thống nhất cơ chế bồi thường để thuê đất, thuê quyền sử dụng đất cũng như chiến lược đầu tư của Tập đoàn đối với tỉnh Quảng Nam hướng đến sớm giải quyết "bài toán" cây cao su ở xứ Quảng. 

HỒNG THANH