Vì sao người Hàn Quốc ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân?

Thứ hai, 20/02/2023 11:01
Người Hàn Quốc tin rằng khả năng răn đe hạt nhân mang lại năng lực phòng thủ tốt nhất cho nước này trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng ở Đông Bắc Á.
Việc Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa đã gây ra mối lo ngại đối với Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Việc Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa đã gây ra mối lo ngại đối với Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

¾ ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân

Theo báo Deutsche Welle (Đức) ngày 17-2, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng hơn 76% người Hàn Quốc tin rằng quốc gia này nên phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân của riêng mình để làm công cụ răn đe, trong đó Trung Quốc được coi là thách thức lớn nhất đối với hòa bình trong khu vực nhưng Triều Tiên cũng là một nguyên nhân thường xuyên gây ra mối lo ngại.

Được công bố vào ngày 30-1, nghiên cứu mới nhất về thái độ đối với khả năng răn đe hạt nhân trong nước do Viện Nghiên cứu Cao cấp Chey thực hiện, với 60,7% số người được hỏi trong bảng câu hỏi của tổ chức tư vấn nói rằng Hàn Quốc "có nhu cầu" sở hữu vũ khí hạt nhân riêng, cộng thêm 15,9% cho biết khả năng răn đe hạt nhân là "rất cần thiết". Chỉ 3,1% trong số những người được thăm dò nói rằng Hàn Quốc hoàn toàn không cần vũ khí hạt nhân của riêng mình, trong khi 20,3% khác trả lời rằng "rất ít cần" đối với năng lực răn đe hạt nhân trong nước.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, hỗ trợ cho năng lực răn đe hạt nhân độc lập cũng nhận được sự từ nhiều giới chính trị ở Hàn Quốc. Phe bảo thủ tại nước này khẳng định việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân là cần thiết để chống lại các mối đe dọa, đặc biệt là do sự trỗi dậy của Trung Quốc và yêu sách của nước này đối với các vùng lãnh thổ trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc.

Cuộc tranh luận về tham vọng hạt nhân của Hàn Quốc một lần nữa được khơi dậy bởi một bình luận hồi tháng 1 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol về các lựa chọn phòng thủ của quốc gia. Trong cuộc họp chung về chính sách giữa bộ quốc phòng và bộ ngoại giao hôm 11-1, Tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết nếu mối đe dọa hạt nhân tiếp tục gia tăng, chính quyền Seoul có thể sẽ gầy dựng kho hạt nhân hoặc đề nghị đồng minh Mỹ tái triển khai trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết nếu mối đe dọa hạt nhân tiếp tục gia tăng, chính quyền Seoul có thể sẽ gầy dựng kho hạt nhân hoặc đề nghị đồng minh Mỹ tái triển khai trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu của ông Yoon đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc chính thức đề cập khả năng trang bị vũ khí hạt nhân kể từ khi Mỹ rút toàn bộ dòng vũ khí hủy diệt hàng loạt khỏi lãnh thổ Hàn Quốc từ năm 1991.

Mối lo từ Triều Tiên

Thời gian qua, các thách thức vũ khí hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên tiếp tục gia tăng đáng kể. Trước thực tế này, cả Mỹ và Hàn Quốc đều đã phải tính đến kịch bản xấu nhất là một cuộc chiến hạt nhân nổ ra.

Vào tháng 4-2022, Triều Tiên công bố ý định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật. Đến tháng 9. Bình Nhưỡng thông qua luật chính sách hạt nhân mới, theo đó quốc gia này được phép tiến hành tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2022, "các đơn vị tác chiến hạt nhân chiến thuật" của Triều Tiên thực hiện các cuộc tập trận tên lửa nhằm tấn công các mục tiêu giả định ở phía Nam, như sân bay, hải cảng và các cơ sở chỉ huy.

Nhiều người dự báo rằng trong tương lai, Triều Tiên sẽ phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thẳng vào Thái Bình Dương để phô bày năng lực "hồi quyển" của tên lửa và khả năng bắn vươn tới lục địa Mỹ. Ngoài ra, Triều Tiên có thể sẽ xúc tiến xây dựng các tàu ngầm hạt nhân như đã được đề ra trong Đại hội VIII của Đảng Lao động Triều Tiên vào năm 2021 để chứng tỏ năng lực tấn công hạt nhân thứ 2 sau tên lửa đạn đạo.

Gần đây nhất, các nhà phân tích dự đoán về một vụ thử hạt nhân dưới lòng đất lần thứ 8 tại bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên trong những tháng tới.

Mất niềm tin vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ

Ngoài mối đe dọa từ "người hàng xóm" Triều Tiên, Hàn Quốc cũng lo lắng về sự mong manh của liên minh an ninh Mỹ- Hàn vốn đã ràng buộc Washington với Seoul kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào năm 1950.

Khi còn nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Seoul tăng mạnh số tiền mà họ phải trả để duy trì binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc với lời đe dọa rút lực lượng Mỹ khỏi quốc gia Đông Bắc Á này. Gần đây, sự nghi ngờ đã nổi lên về cam kết của Washington với liên minh khi xung đột thương mại gia tăng. Mỹ đã có lập trường cứng rắn hơn đối với việc nhập khẩu xe điện của Hàn Quốc và đang chuyển hướng khỏi sự phụ thuộc lâu dài vào các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc. Theo một số quan điểm, nếu Washington không thể tin cậy về thương mại, thì làm sao Seoul có thể hoàn toàn chắc chắn rằng lực lượng Mỹ sẽ can dự trong trường hợp có một cuộc tấn công tiềm tàng từ bên ngoài hoặc một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hàn Quốc?

Ngay cả một số chính trị gia cánh tả ở Hàn Quốc đang ủng hộ năng lực hạt nhân của nước này. Họ cho rằng điều đó sẽ cho phép Seoul ít phụ thuộc hơn vào chiếc ô phòng thủ do Mỹ cung cấp, giúp giảm quân nhân Mỹ và đảm bảo rằng người Hàn Quốc tự đưa ra quyết định về các vấn đề an ninh quốc gia. "Tôi cho rằng chúng tôi đang ở trong tình thế mà Trung Quốc đang nổi lên và trở thành một thách thách lớn còn Mỹ đang muốn cạnh tranh với Hàn Quốc. Việc Mỹ không trợ cấp cho xe điện của Hàn Quốc và tìm cách cạnh tranh trong ngành công nghiệp bán dẫn đang khiến Hàn Quốc lo lắng", Hyobin Lee, Giáo sư chính trị tại Đại học Quốc gia Chungnam, nói. "Người Hàn Quốc không tin tưởng vào chiếc ô hạt nhân do Mỹ cung cấp. Làm sao chúng tôi có thể tin tưởng ai đó bảo vệ khi họ coi chúng ta như một đối thủ cạnh tranh?", vị Giáo sư trên nêu rõ.

AN BÌNH

Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 19-2 xác nhận nước này đã tiến hành phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào chiều 18-2.

Tin cho hay vụ phóng thử tên lửa này nằm trong cuộc diễn tập năng lực sẵn sàng chiến đấu trong tình trạng khẩn cấp được tổ chức bất ngờ không có thông báo trước theo quyết định của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un vào sáng cùng ngày. Theo đó, ICBM Hwasongpho-15 đã được phóng từ Sân bay quốc tế Bình Nhưỡng vào chiều 18-2. Tên lửa đã đạt độ cao tối đa 5.768,5km, bay được 989km trong 4.015 giây trước khi rơi chính xác trúng khu vực được định trước ở vùng biển phía Đông bán đảo Triều Tiên. KCNA khẳng định vụ phóng thử ICBM lần này được thực hiện trong bối cảnh tình hình hiện nay đang bị mối đe dọa quân sự của Mỹ và Hàn Quốc ngày càng ở mức nghiêm trọng không thể bỏ qua.

Các ngoại trưởng của ba nước gồm Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong cuộc gặp ba bên bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 18-2 đã bày tỏ quan ngại về việc Triều Tiên phóng ICBM trước đó cùng ngày. Các ngoại trưởng cam kết sẽ tăng cường hợp tác an ninh ba bên nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành tập trận không quân chung, với sự tham gia của ít nhất một máy bay ném bom chiến lược B-1B. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), cuộc tập trận lần này chứng tỏ năng lực phòng thủ phối hợp Hàn-Mỹ thông qua hoạt động triển khai kịp thời của các khí tài Mỹ tới bán đảo Triều Tiên cũng như tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với hoạt động phòng vệ trên Bán đảo Triều Tiên.

T.N