Vì sao nguyên Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng bị bắt tạm giam?
Diễn biến vụ việc
Ông Vinh bị bắt sau hơn nửa tháng cơ quan CSĐT tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 2 trường hợp là cán bộ của ngôi trường ông Vinh đứng đầu về tội danh "Tham ô tài sản", gồm: Hoàng Quang Huy (1989, trú P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ) - Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính; Lâm Thị Hồng Tâm (1973, trú P. Hòa Khuê, Q. Thanh Khê)- nguyên Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính. Trong thời gian chỉ một năm, với sự thông đồng của Huy, Tâm đã "rút ruột" tài khoản của nhà trường hơn 80 tỷ đồng. Vụ việc xảy ra khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu nguyên Hiệu trưởng nhà trường là ông Vinh có liên quan?
Theo tài liệu phóng viên có được: Từ năm 1987 đến năm 1994, ông Vinh được tuyển dụng vào làm Giảng viên tại Khoa điện ĐHBK Đà Nẵng, sau đó được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng năm 2010. Tháng 3-2012, ông Vinh được điều động giữ chức vụ Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng; tháng 12-2017 được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHBK, đến cuối năm 2022 nghỉ hưu theo chế độ. Trong giai đoạn chức vụ Hiệu trưởng Trường ĐHBK, ông Vinh là người đại diện và là chủ tài khoản của nhà trường.
Khi vụ việc tham ô tài sản vỡ lở, cơ quan CSĐT xác định: Bà Tâm và ông Huy đã thực hiện hành vi ký khống séc (séc không khi đầy đủ số tiền và các nội dung theo quy định), sau đó điền thông tin số tiền để rút tiền từ tài khoản ngân hàng của Trường ĐHBK và chiếm đoạt, sử dụng vào mục đích cá nhân. Cụ thể, đầu năm 2021, Tâm nhờ Huy cho Tâm "mượn" 500 triệu đồng từ ngân quỹ của trường để giải quyết việc cá nhân và được Huy đồng ý. Nhưng do quỹ tiền mặt không đủ, nên Tâm đề nghị Huy cho rút tiền từ tài khoản của ĐHBK. Để thực hiện việc rút tiền, Tâm sử dụng quyển séc ngân hàng BIDV được giao quản lý, không điền đầy đủ thông tin vào mà đưa cho Huy ký xác nhận mục "kế toán trưởng", sau đó trình cho ông Vinh ký duyệt phát. Ông Huy đồng ý và ký duyệt trước trên các tờ séc không có nội dung, để Tâm trình ông Vinh ký duyệt phát. Sau khi vụ rút tiền lần đầu tiên được thực hiện suôn sẻ, Tâm nói với Huy là cần thêm nhiều tiền để chung vốn làm ăn với người khác nên đề nghị được tiếp tục "chia sẻ" tiền từ tài khoản của trường.
Khi ông Vinh hỏi về số tiền sao không được ghi rõ, thì bà Tâm trình bày đã bàn với Huy và đợi Huy cân đối số tiền còn trong tài khoản rồi ghi vào cho phù hợp và ông Vinh đã duyệt các séc khống như vậy cho Tâm. Tâm dùng séc khống đã được ký duyệt đầy đủ, điền thông tin số tiền cần rút rồi liên hệ ngân hàng rút tiền. Với thủ đoạn nêu trên Tâm đã nhiều lần rút tiền thành công từ tài khoản Ngân hàng số 560100… của Trường ĐHBK mở tại ngân hàng. Sau khi rút được tiền, Tâm không nhập quỹ tiền mặt mà sử dụng hết và mục đích cá nhân. Với thủ đoạn trên, từ đầu năm 2021 đến khi hành vi bị phát hiện, Tâm đã tham ô của ĐHBK Đà Nẵng tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Cần làm rõ hơn những sai phạm
Theo cơ quan CSĐT, quy định séc ngân hàng là một loại chứng từ kế toán, do đó việc lập và lưu trữ chứng từ kế toán phải tuân thủ đúng quy định của Luật Kế toán và ngoài ra việc lập và ký phát séc còn phải tuân thủ quy định tại Điều 7, Thông tư 22/2015/TT-NHNN ngày 20-11-2015 của Ngân hàng Nhà nước về việc quy định về cung ứng và sử dụng séc. Tuy nhiên trong vụ việc này, ông Vinh không thực hiện đúng quy định, mà vẫn thực hiện việc ký séc cho bà Tâm, trong khi séc không có nội dung, hoàn toàn không có văn bản đề xuất phương án chi và chứng từ dự toán chi, thể hiện sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản nhà trường để sử dụng. Lúc ký séc không có nội dung, ông Vinh không kiểm tra số tiền đã rút là bao nhiêu; có thực hiện việc nhập quỹ tiền mặt hay không; chi thực tế vào nội dung gì; chứng từ tài liệu chứng minh việc chi tiền là gì… Ngược lại, để mặc cho bà Tâm và ông Huy thực hiện hành vi vi phạm trong thời gian dài từ năm 2021 đến ngày 31-12-2022. Vì vậy, hành vi của ông Vinh đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về lập và ký phát séc, vi phạm các quy định về việc quản lý sử dụng tài sản công.
Cơ quan CSĐT cũng chỉ rõ: Ngày 13-8-2004, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 67/2004/QĐ-BTC để ban hành "Quy chế về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước". Về sai phạm của ông Vinh, đã vi phạm vào các Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 24.
Tại cơ quan CSĐT, ông Vinh thừa nhận toàn bộ việc ký séc khống, căn cứ theo trình ký của bà Tâm và ký duyệt của Huy và không tiến hành kiểm kê, quản lý thu chi tiền từ các nguồn thu và các hoạt động kế toán, tài chính tại trường. Dù thừa nhận hành vi, song ông Vinh khẳng định hoàn toàn không nhận bất cứ lợi ích gì từ việc ký khống cho bà Tâm các tờ séc ngân hàng. Bà Tâm và ông Huy cũng thừa nhận không cho ông Vinh bất cứ lợi ích gì để thực hiện việc ký khống séc. Trong lúc mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Công an xác định, hành vi do ông Vinh thực hiện đủ yếu tố cấu thành tội phạm "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Dù ông Vinh chưa thừa nhận những hành vi khác như có "thông đồng", có nhận lợi ích gì từ việc ký khống séc cho bà Tâm, ông Huy hay không, nhưng hành vi của ông đã vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, được quy định tại Khoản 9, Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, hậu quả đã gây ra việc thất thoát số tiền hơn 80 tỷ đồng tại Trường ĐHBK.
Dư luận vẫn đang trông chờ Cơ quan CSĐT sẽ làm rõ hơn nữa những vi phạm của ông Vinh và những đối tượng có liên quan, đưa vụ việc ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật…
Công Hạnh