Vì sao nhiều dự án môi trường vẫn tắc?
Với mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đã đầu tư nhiều dự án về thu gom, xử lý rác thải rắn; cải thiện môi trường nước, thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt... Tuy vậy, nhiều vướng mắc phát sinh khiến các dự án này luôn trong tình trạng trì trệ, kéo dài, ảnh hưởng tới đời sống người dân cũng như mục tiêu phát triển TP. Trong đó, cấp bách hơn cả là các dự án xử lý rác thải sinh hoạt rắn thay vì chôn lấp, trong điều kiện các hộc rác đã đầy, quỹ đất mở rộng hạn chế. Dù TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức PPP tại Khánh Sơn nhưng suốt mấy năm qua vấp phải các vướng mắc thủ tục đến nay vẫn "tắc", chưa thể khởi công.
Tương tự, ngay từ năm 2010 Đà Nẵng đã giao đất cho Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn và phát điện công suất 650 tấn/ngày đêm tại Khánh Sơn. Sau 5 năm xây dựng, nhà máy này mới đi vào hoạt động, nhưng vừa được 6 tháng thì đóng cửa do công nghệ đốt lạc hậu, chi phí thu không đủ chi. Năm 2019, Đà Nẵng thống nhất chủ trương theo đề xuất chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải của chủ đầu tư. Sau đó, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép đầu tư, nhưng do thủ tục vướng mắc nên dự án "dẫm chân tại chỗ" từ đó đến nay. Mặc dù, theo Nghị quyết 86 của Hội đồng nhân dân TP, dự án phải đi vào hoạt động trong năm 2022.
Để nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, một số trạm trung chuyển rác cũng được Đà Nẵng dùng ngân sách đầu tư. Cụ thể như Trạm trung chuyển rác Sơn Trà tổng mức đầu tư 139 tỷ đồng do Ban QLDA đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Đây là dự án trọng điểm, tuy nhiên thi công chậm tiến độ hơn 75 ngày, chưa thể nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng. Thậm chí, ngay cả dự án Trạm trung chuyển rác thải trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) tổng mức đầu tư hơn 171 tỷ đồng dù đã hoàn thành từ 30-4-2022 thì đến nay vẫn đang chạy thử nghiệm. Những vướng mắc khiến dự án này dù cấp thiết vẫn ở giai đoạn chờ, chưa thể vận hành khai thác.
Theo Ban QLDA, do trạm trung chuyển rác là công trình lần đầu có mặt ở Đà Nẵng nên các thủ tục mất nhiều thời gian, nhất là khâu lấy ý kiến người dân khu vực dự án. Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành thử nghiệm thiết bị xuất hiện những hạn chế, cần điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả tối ưu. Các trạm trung chuyển rác thường phải đặt khu vực đông dân cư, đảm bảo bán kính thu gom rác thải, nâng cao hiệu quả sử dụng, nhiên nhiên đi kèm với đó là quá trình vận hành phải đảm bảo yếu tố môi trường, không tác động đến khu vực dân cư xung quanh. Do đó, để vận hành khai thác chính thức cần qui trình chặt chẽ.
Rõ ràng, các dự án môi trường đều đang vướng những điểm nghẽn cần sớm khơi thông để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống người dân cũng như đảm bảo hiệu quả đầu tư.
HẢI QUỲNH