Vì sao phải sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương?

Thứ sáu, 19/04/2019 09:00

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 33 diễn ra vào chiều 18-4. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung dự kiến sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật Tổ chức Chính phủ và 23 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, việc xây dựng và ban hành luật là cần thiết vì qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của 2 Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Toàn cảnh phiên họp.

Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Việc tăng số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện chưa phù hợp với tình hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương; việc quy định số lượng Phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế.

Ở cấp xã, việc thực hiện quy định của Luật về số lượng Phó Chủ tịch UBND theo phân loại hành chính cơ bản phù hợp với cấp tỉnh, cấp huyện, song đã làm giảm số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2, loại 3 chỉ còn 1 Phó Chủ tịch, gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã.

Việc không thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của HĐND cấp xã, nhất là trong triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp xã tại các thôn, tổ dân phố theo từng đơn vị bầu cử đại biểu HĐND trên địa bàn cấp xã.

Ngoài ra, Luật không quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã là chưa phù hợp. Thực tế cho thấy, UBND cấp xã vẫn phải đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trên địa bàn trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch của cấp trên và nghị quyết của cấp ủy đảng cùng cấp. Vì vậy, nhiều địa phương vẫn đề nghị bổ sung quy định thẩm quyền của UBND cấp xã xây dựng trình HĐND cấp xã thông qua để trình UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã trước khi triển khai thực hiện.

Quy định của Luật về cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã ở hải đảo như các đơn vị hành chính trong đất liền là chưa phù hợp với các đặc thù, đặc điểm khác biệt của các đơn vị hành chính ở hải đảo.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.

TTXVN