Nước Mỹ chọn ông Donald Trump là tổng thống thứ 47
Thứ năm, 07/11/2024 08:05
Trưa 6-11 theo giờ Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng thuyết phục.
Chiến thắng của ông Trump được cho là khá bất ngờ và dễ dàng khi trước đó hầu hết các ý kiến đều cho rằng do cuộc đua năm nay khá sít sao nên kết quả bầu cử có lẽ sẽ khó có thể sớm ngã ngũ. Ngược lại, ngay từ khi công tác kiểm phiếu bắt đầu, ông Trump đã luôn ở thế dẫn trước và sắc đỏ phủ khắp bản đồ bầu cử Mỹ. Trái ngược với các dự đoán về thế giằng co tại các bang chiến địa, ông Trump đã không khó khăn gì khi chiến thắng lần lượt tại các bang Bắc Carolina, Georgia, rồi Pennsylvania, Wisconsin để giành chiến thắng cuối cùng. Ông Trump đã có màn thể hiện xuất sắc với hàng loạt chiến thắng vang dội tại tất cả 7 bang chiến địa có ý nghĩa quyết định, giúp ông giành được tổng số 77 phiếu đại cử tri. Con số này vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Đây là nhiệm kỳ thứ 2 ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020. Với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, ông Trump đã trở thành Tổng thống đầu tiên giành chiến thắng trong các nhiệm kỳ không liên tiếp trong hơn một thế kỷ.
Hành trình trở lại Nhà Trắng
Tờ New York Times nhận định ông Donald Trump đã bước vào cuộc đua tổng thống Mỹ với hành trang khác thường. Dù từng bị kết án trọng tội và có số lượng lớn người không thiện cảm nhưng cựu Tổng thống Mỹ vẫn nhận được sự ủng hộ từ đông đảo cử tri trung thành với kinh nghiệm 2 lần tranh cử tổng thống. Ông Trump đã vượt qua tất cả những trở ngại, hiện diện đầy quyền lực trước những cử tri đang mong muốn xoay chuyển các định hướng và chính sách của nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris.
Sau nhiều tháng vướng vào hàng loạt cuộc chiến pháp lý, ông Trump đã giành được chiến thắng chính trị đầy thuyết phục trên con đường đầu tiên trở lại Nhà Trắng. Chưa đầy một tháng sau khi bị kết án hình sự, ông đã đến Atlanta để tham gia cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên và duy nhất với ông Joe Biden. Màn tranh luận lúng túng của tổng thống đương nhiệm đã gây hoang mang cho đảng của Dân chủ và tiếp thêm sự tự tin cho ông Trump về cục diện cuộc đua.
Vài tuần sau, một bước ngoặt dữ dội đã xảy ra khi ông Trump trở thành mục tiêu của một cuộc mưu sát khi đang vận động tranh cử ở bang Pensylvania, vào ngày 13-7. Khi tiếng súng nổi lên, ông Trump bịt tai và cúi xuống. Một trong những người ủng hộ ông, một cựu chỉ huy cứu hỏa tình nguyện ngồi trên khán đài phía sau, đã trúng đạn và tử vong. Với khuôn mặt dính máu, ông Trump đã giơ nắm đấm và hô vang "chiến đấu". Khẩu hiệu này đã trở thành lời kêu gọi tập hợp những người ủng hộ ông trong những tháng sau đó.
Tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa hồi tháng 7 năm nay, ông Trump chính thức chấp nhận đề cử trở thành ứng cử viên tranh cử tổng thống của đảng, đối đầu với bà Kamala Harris - một đối thủ mới khi cuộc đua chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc. Ông Trump và bà Harris đã có cuộc tranh luận duy nhất vào tháng 9. Sau đó, ông Trump đã đẩy nhanh tốc độ chiến dịch tranh cử. Ông đã tổ chức nhiều sự kiện hơn cả tháng 6 và tháng 7 cộng lại. Thế nhưng tháng này cũng chứng kiến một bước ngoặt đáng báo động khác, khi ông Trump sống sót sau một nỗ lực ám sát khác tại câu lạc bộ chơi golf của ông ở West Palm Beach, Florida.
Trong những tuần tranh cử cuối cùng, ông tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ từ khắp các tiểu bang chiến trường mà các nhà phân tích chính trị tin rằng sẽ quyết định kết quả bầu cử.
Chiến thắng nhờ "thành trì" vững chắc
Theo giới quan sát, với lần tranh cử thứ 3, ông Trump giành chiến thắng nhờ xây dựng được những lợi thế vững chắc về mặt cử tri cũng như chính sách.
Trước hết phải kể đến thành phần cử tri trung thành của ông qua 3 kỳ bầu cử. Thành phần cử tri ủng hộ cựu Tổng thống Trump năm 2024 gần giống năm 2020. Ông vẫn giữ được sự ủng hộ của 94% những người đã bỏ phiếu cho ông, bao gồm hầu hết những người ủng hộ ông trong cả năm 2016 và 2020.
Một lợi thế khác mà ông Trump có được là sự tín nhiệm về kinh tế. Trong nhiều cuộc thăm dò, người Mỹ đều cho biết nền kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của họ khi chuẩn bị bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này. Đây là điều dễ hiểu khi người Mỹ phải đối phó với lạm phát cao trong nhiều năm. Ông Trump cũng chớp lấy cơ hội khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm trước ngày bầu cử cho thấy sự tăng trưởng yếu ớt về số lượng việc làm, phần lớn là do tác động của các cơn bão lớn và tình trạng đình công diện rộng dưới thời nắm quyền của ông Biden.
Một khía cạnh khác được cựu tổng thống đặt làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử là mối đe dọa và sự hỗn loạn do tình trạng nhập cư bất hợp pháp gây ra. Trong cuộc thăm dò toàn quốc cuối cùng, 15% số người được hỏi cho biết nhập cư là vấn đề quan trọng nhất trong việc quyết định lá phiếu của họ.
Cách tiếp cận của ông về luật pháp và tội phạm cũng là một điểm cộng trong mắt cử tri. Trong thời đại mà các vấn đề về tội phạm và an toàn công cộng được đưa lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận chính trị, sự nhấn mạnh của ông Trump vào luật pháp và trật tự đã tạo được tiếng vang với nhiều cử tri.
Khi chính quyền đương nhiệm đang gây tranh cãi trong việc xử lý các vấn đề đối ngoại, nhất là về xung đột Ukraine và Trung Đông, cử tri Mỹ mong muốn kinh nghiệm và sự đổi mới của cựu Tổng thống. Người Mỹ tin tưởng hơn vào ông Trump về các vấn đề chiến tranh và hòa bình. Phần lớn cử tri cho rằng ông có đủ kinh nghiệm trong các vấn đề đối ngoại. Ông Trump dẫn đầu đáng kể trong cuộc thăm dò về ứng cử viên nào sẽ làm tốt hơn trong chính sách đối với cuộc chiến ở Ukraine, quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến giữa Israel - Hamas.
Trang mới trong lịch sử nước Mỹ
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đã mở ra một trang mới trong lịch sử nước Mỹ. Có thể nói, kết quả của cuộc bầu cử lần này sẽ có tác động đáng kể đến hướng đi của Mỹ và các chính sách quan trọng trong tương lai. Các vấn đề như nhập cư, quyền sở hữu súng, quyền lợi của các nhóm thiểu số, biến đổi khí hậu và quyền phá thai đã trở thành những chủ đề nóng bỏng, chia rẽ sâu sắc các nhóm cử tri. Kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng sau cuộc bầu cử này. Khi vận động tranh cử, ông Trump đã tập trung vào các vấn đề kinh tế nội địa và nhập cư, kêu gọi cử tri ủng hộ chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Khi trở lại Nhà Trắng với tư cách "Chính quyền Trump 2.0", ông Trump được dự đoán sẽ không phải là một Tổng thống ôn hòa. Thay vào đó, ông sẽ coi sự trở lại khó tin của mình là một nhiệm vụ để điều hành theo chương trình nghị sự cấp tiến mà ông đã vận động. Trọng tâm trong các thiết kế của ông Trump là kế hoạch tập trung quyền lực của chính quyền liên bang vào Văn phòng tổng thống. Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Trump đều thể hiện rằng các đề xuất đầy tham vọng nhất của ông sẽ được thực hiện thông qua hàng loạt những hành động hành pháp: Đóng cửa biên giới phía nam và khởi xướng trục xuất hàng loạt người di cư; áp đặt thuế quan trên diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu. Ngoài ra, ông Trump cũng tỏ rõ quan điểm sẽ "thay đổi tận gốc" bộ máy hành chính liên bang bằng cách sa thải các công chức theo ý muốn, và ông sẽ nhắm đến việc vô hiệu hóa quyền lực chi tiêu của "Đồi Capitol" bằng cách kiểm soát các quỹ do Quốc hội phân bổ.
Kết quả bầu cử còn có tác động sâu sắc đến chính sách đối ngoại và vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Cuộc bầu cử ở Mỹ không chỉ định hình lại vị thế của siêu cường này mà còn có thể làm thay đổi cơ bản trật tự thế giới hiện tại.
Ông Trump phát biểu mừng chiến thắng
Ông Trump đã xuất hiện trên sân khấu tại Florida để tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Đứng giữa gia đình và các phụ tá, ông Trump phát biểu: "Đây thực sự sẽ là một thời đại hoàng kim cho nước Mỹ. Đây là một chiến thắng vĩ đại giúp chúng ta đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Trump đã cảm ơn vợ ông, cảm ơn liên danh tranh cử JD Vance cũng như người dân Mỹ vì đã bầu ông trở lại nắm quyền. "Tôi muốn cảm ơn người dân Mỹ vì vinh dự đặc biệt khi được bầu làm tổng thống thứ 47 và tổng thống thứ 45 của đất nước", ông nói. "Đã đến lúc đặt những chia rẽ của bốn năm qua lại phía sau. Thành công sẽ mang chúng ta đến gần nhau hơn. Chúng ta phải đặt nước Mỹ lên hàng đầu, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Chúng ta phải làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại và đầy tự hào. Tôi sẽ không làm các bạn thất vọng. Tương lai của chúng ta sẽ an toàn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Nước Mỹ chọn ông Donald Trump là tổng thống thứ 47
Thứ năm, 07/11/2024 08:05
Trưa 6-11 theo giờ Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng thuyết phục.
Cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ đã khép lại với chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa- cựu Tổng thống Donald Trump. NATO thấp thỏm về an ninh châu Âu và liên minh hỗ trợ Ukraine, các thị trường trên thế giới lo ngại những trở ngại thương mại khi ông Trump trở lại nắm quyền nền kinh tế số một thế giới.
Những lá phiếu trực tiếp đầu tiên của trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024 được bỏ tại Dixville Notch, bang New Hampshire bởi theo truyền thống, cử tri ở đây sẽ bỏ phiếu vào đúng 0h ngày 5/11 (theo giờ miền Đông, tương ứng 12h trưa cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố ông vừa thoát chết trong một vụ ám sát và cáo buộc chính quyền của Tổng thống Luis Arce có dính líu đến vụ việc này.
Ông Trump hôm 20/10 có mặt tại một cửa hàng McDonald's ở ngoại ô Philadelphia nhằm phản bác lời khẳng định của đối thủ Kamala Harris rằng bà đã làm việc tại một chi nhánh của chuỗi nhà hàng này ở California trong những năm đại học.
Quân đội Israel đã công bố đoạn video từ thiết bị bay không người lái, cho thấy những hình ảnh của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, người mà trước đó Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố là đã bị tiêu diệt.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Iran 'đã phạm sai lầm lớn và sẽ phải trả giá' vì vụ tấn công quy mô lớn bằng tên lửa vào nước này tối 1/10.
Cảnh sát Florida, Mỹ công bố đoạn video ghi lại cảnh bắt giữ Ryan Wesley Routh, người bị cáo buộc có kế hoạch ám sát ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ngày 26/8, cả Điện Kremlin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đều đã lần đầu tiên lên tiếng về vụ bắt giữ nhà sáng lập Telegram, tỷ phú người Nga Pavel Durov.