Việc làm là thách thức lớn nhất đối với thanh niên Việt Nam
Báo cáo về “Tổng quan về Chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam” đã được Trung tâm phát triển OECD phối hợp với Bộ Nội vụ Việt Nam và Tổ chức Hanns Seidel Foundation Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức công bố ngày 22-11. Bà Naoko Ueda, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển OECD cho biết, ở Việt Nam, thanh thiếu niên từ 15-29 tuổi chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là số lượng thanh thiếu niên cao nhất của Việt Nam được ghi nhận từ trước tới nay, tạo cho đất nước cơ hội vàng để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo, việc làm là thách thức lớn nhất đối với thanh niên Việt Nam. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ mức 5,2% trong năm 2006, tuy vậy nó vẫn còn khá thấp ở mức 7% trong năm 2016, nhưng không phản ánh đầy đủ chất lượng việc làm của thanh thiếu niên. Lao động trong khu vực phi chính thức vẫn là hiện tượng xảy ra với hầu hết lao động làm công ăn lương trẻ, trong đó 75% không được tham gia bảo hiểm xã hội dưới bất kỳ hình thức nào và gần một nửa trong số họ không được kết giao hợp đồng bằng văn bản. Hơn một nửa số thanh thiếu niên có việc làm được trả lương thấp, tức là thu nhập dưới mức tiền lương hoặc thu nhập trung bình.
Sự không tương thích giữa kỹ năng được đào tạo với yêu cầu tuyển dụng ảnh hưởng đến gần một nửa số lao động thanh thiếu niên, với 43,5% đang làm công việc không phù hợp với trình độ của họ (số liệu năm 2014). Trên thực tế, 92% thanh niên có trình độ đại học mong muốn có được việc làm tay nghề cao, nhưng chỉ 70% thực sự có việc, trong khi đó 7,6% thanh niên mong muốn có được việc làm có tay nghề trung bình, nhưng trên thực tế là 30% đảm nhận công việc kiểu này.
Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển OECD chỉ ra vấn đề kỹ năng không tương thích có liên quan đến chất lượng giáo dục cũng như khoảng cách thông tin đến thị trường lao động. Các chương trình học hiện có xu hướng thiên về giáo dục chính quy và đại học hơn là giáo dục phi chính quy và đào tạo nghề. Điều này tạo ra sự không phù hợp giữa kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động.
Bà Naoko Ueda khuyến nghị cần cải cách chính sách phúc lợi cho thanh niên trên nhiều mặt, nỗ lực mở rộng cơ hội đào tạo cho tất cả thanh thiếu niên và thu hẹp khoảng cách giữa kỹ năng nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời cần đầu tư nhiều hơn vào dạy nghề để giải quyết vấn đề không phù hợp kỹ năng, đặc biệt ở vùng nông thôn; tăng cường sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động chính trị và công dân thông qua nâng cao năng lực, hiểu biết về thể chế và các cơ chế mới hỗ trợ sự tham gia của thanh thiếu niên.
THANH VÂN