Việt Nam cam kết sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất
(Cadn.com.vn) - Đó là thông điệp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng như ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo Quốc tế “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 7-8 tại Đà Nẵng.
Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu đến đến từ trong nước và quốc tế. Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ; Thứ trưởng Thường trực Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì Hội thảo.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và các đồng chủ trì Hội thảo. |
“Cú hích” từ nguồn ODA
Từ năm 1993 đến nay, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đạt 89,5 tỷ USD, chiếm 10% tổng nguồn vốn của xã hội, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và giải ngân gần 54 tỷ USD. Nguồn vốn ODA vào Việt Nam chủ yếu cho vay ưu đãi chiếm khoảng 80%, ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%, và còn lại các khoản khác chiếm 8-10%.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, 20 năm qua, ODA là nguồn vốn lớn rất quan trọng cho Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Thông qua ODA, Việt Nam từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận năng lực hấp thụ ODA của các ngành, địa phương còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đã ký còn thấp, quy trình, thủ tục vẫn còn rất phức tạp, phiền hà; năng lực quản lý chương trình, dự án ở một số nơi, một số địa bàn vẫn chưa theo kịp yêu cầu quản lý ngày càng cao trong nước và quốc tế...
Nhìn nhận những tồn tại trong 20 năm qua, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA những năm qua bộc lộ một số hạn chế nhất định như: năng lực hấp thụ ODA của Việt Nam còn hạn chế thể hiện qua tỷ lệ giải ngân so với khoản cam kết; phân bổ ODA còn dàn trải, trùng lắp, công tác quản lý ODA còn bất cập, còn sai phạm,... Tuy nhiên, đã đến lúc Việt Nam phải chuẩn bị tinh thần có những điều chỉnh nhất định về chính sách phù hợp để bước vào thời kỳ tiếp cận, huy động các nguồn vốn vay đắt hơn, với các điều kiện khắt khe hơn.
Là đơn vị có nhiệm vụ phân bổ nguồn vốn ODA, Thứ trưởng Bộ KH & ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, 20 năm Việt Nam đã sử dụng nguồn ODA để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng tạo ra những “cú hích” có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư, tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, hỗ trợ các địa phương trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, xóa đói giảm nghèo...
Các nhà quản lý, chuyên gia khẳng định Việt Nam cần phải sử dụng vốn ODA hiệu quả hơn. |
Hết thời ban phát
Để huy động và sử dụng hiệu quả ODA trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiêm túc đánh giá, khắc phục hạn chế yếu kém cả về cơ chế chính sách, về các giải pháp trong quản lý ODA, tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm sao đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chống thất thoát về nguồn vốn, có cơ chế chính sách hợp lý.
* Trong khuôn khổ Hội thảo, NHTM Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký kết Hợp đồng vay vốn quốc tế trị giá 105 triệu USD kỳ hạn 5 năm do Ngân hàng Cathay United của Đài Loan (CUB) làm đầu mối thu xếp. Cùng với thỏa thuận trong lĩnh vực chuyển tiền giữa hai bên, đây là nội dung cụ thể hóa các cam kết trong Thỏa thuận hợp tác toàn diện mà BIDV và CUB đã tiến hành ký kết. Đây là một trong những khoản vay hợp vốn quốc tế có kỳ hạn dài nhất và giá trị lớn nhất mà các ngân hàng quốc tế dành cho một NHTM Việt Nam trong những năm qua. |
Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và cam kết nỗ lực hết sức mình để sử dụng nguồn vốn ODA một cách có hiệu quả nhất, đặc biệt là trong điều kiện nguồn vốn ODA không còn nhận được dồi dào như trước, phải tiếp cận huy động cả các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn... Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ ODA Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Duy Sơn, quyền Giám đốc danh mục quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận trong hơn 20 năm qua, WB đã cung cấp ODA cho Việt Nam 22,7 tỷ USD, thông qua 2 nguồn từ các nhà tài trợ song phương và đa phương, trong đó chủ yếu là khoản vốn vay ưu đãi. Theo ông Sơn các khoản vay ODA chi phí vay rẻ hơn chỉ từ 4- 5%/năm, thời gian vay dài hơn so với các khoản vay trong nước. Dự đoán nguồn ODA trong thời gian đến sẽ sụt giảm, ông Sơn kiến nghị, Việt Nam cần giảm mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà tài trợ và các cơ quan chính phủ...
Vấn đề này cũng được TS Vũ Thành Đô, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại – Bộ Tài chính đề cập, trong 20 năm qua rất nhiều công trình sử dụng nguồn ODA không hiệu quả, thậm chí là thất bại, nguyên nhân chủ yếu là tình trạng lãng phí nguồn vốn, dự án chậm trễ, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, thủ tục rườm rà; công tác chuẩn bị dự án rất sơ sài, công tác thẩm định kém, chủ yếu là dựa vào tư vấn nước ngoài; thủ tục về đấu thầu kéo dài, trình độ cán bộ, năng lực quản lý điều hành dự án kém...
Cũng theo TS Đô, thực tế các nguồn vốn ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật tư từ quốc gia tài trợ vốn ODA nên các dự án thiếu tính cạnh tranh. Vì vậy, chi phí đầu tư thực tế thường tăng hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu.
Bên cạnh đó, nguồn vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên các dự án sử dụng vốn ODA có nguy cơ quản lý kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập. Do đó, TS Đô đề nghị cần đổi mới phương thức sử dụng nguồn ODA có thể sử dụng vốn mồi của Chính phủ, kiên quyết phòng và chống lãng phí tại các dự án sử dụng ODA, phân định quyền hạn và trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý của các đơn vị tham gia; tăng cường công tác kiểm tra đánh giá đối với việc thực hiện các dự án ODA.
Cầu Nguyễn Tri Phương Đà Nẵng, một trong những dự án sử dụng nguồn ODA của WB. |
Theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam có quy hoạch dài hạn tiến tới có thị trường vốn dài hạn để phát triển mà không quá phụ thuộc vào nguồn ODA. Định hướng các khoản ODA mới chủ yếu tập trung vào các vấn đề biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, năng lượng tái sinh... để thu hút một cách có chủ đích và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần phải khắc phục cơ chế xin cho, có cơ quan giám sát độc lập của Quốc hội và của cộng đồng để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi... Đề cập đến vấn đề này, TS Trần Du Lịch cho rằng ODA hiện nay rất khắt khe, do đó Việt Nam cần tránh mang ODA đi ban phát và chia nhau như thời gian vừa qua.
Xuân Đương