Việt Nam là đối tác mạnh mẽ tại Liên hợp quốc

Thứ hai, 20/09/2021 10:51

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý tuyên thệ trước Hiến chương Liên hợp quốc tại Lễ thượng cờ của 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, bao gồm Estonia, Niger, Saint Vincent & Grenadines, Tunisia và Việt Nam.

Từ ngày 21 đến 24-9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76. Chuyến công tác diễn ra đúng vào thời điểm Việt Nam kỷ niệm 44 năm gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh (20-9-1977 – 20-9-2021).

Sau 31 năm sau chờ đợi, qua bao thăng trầm của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, ngày 20-9-1977, đúng 9 giờ, tại tòa sảnh chính của Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Lễ thượng cờ Việt Nam được diễn ra theo nghi lễ gia nhập thành viên của Liên hợp quốc. Đây là một mốc son lịch sử đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. 

44 năm trôi qua, lịch sử mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc đã có một hành trình với đầy ắp, sâu đậm những dấu ấn của Liên hợp quốc đối với tiến trình phục hồi sau chiến tranh, rồi đi đến đổi mới, hội nhập sâu rộng, toàn diện với đời sống quốc tế của Việt Nam. Xác định Liên hợp quốc là diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới, đồng thời luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc, Việt Nam ngày càng tích cực, chủ động gia nhập và có những đóng góp thực chất, hiệu quả đối với các thể chế của tổ chức này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Việt Nam đã luôn là đối tác mạnh mẽ của Liên hợp quốc kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, và vai trò đầu tàu của các bạn trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ là nền tảng vững chắc giúp triển khai Chương trình Phát triển bền vững 2030. Với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng trong việc ủng hộ hòa bình bền vững.

Ngày 19-6-2021, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu : “Việt Nam có những đóng góp tích cực và có trách nhiệm tại Liên hợp quốc và trong các vấn đề toàn cầu, nhất là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Việt Nam là một nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực”.

Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, đảm nhiệm vị trí này trong gần 5 năm qua là công việc vinh dự nhất và mang lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Ông Kamal Malhotra bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành và cơ quan Việt Nam dành cho cá nhân ông và các tổ chức Liên hợp quốc trong thời gian ông công tác tại Việt Nam, giúp ông hoàn thành nhiệm vụ được giao.

 Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc nhấn mạnh các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam hỗ trợ Việt Nam thực hiện các ưu tiên phát triển trong nước cũng như nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, bên cạnh các hoạt động hợp tác, hỗ trợ về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), thời gian qua, các tổ chức Liên hợp quốc đã có nhiều sáng kiến, nỗ lực hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021).

Đánh giá “Việt Nam là một đất nước hòa bình, hiếu khách và dễ chịu, đồng thời cũng là một đất nước sáng tạo, năng động, tràn đầy năng lượng, nhiệt huyết, một đất nước đầy triển vọng, một đất nước hòa nhập”, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam Michael Croft chia sẻ và nhấn mạnh: Từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đảm nhận những vai trò quan trọng trong các hội đồng thuộc UNESCO. Việt Nam là nước thành viên hoạt động rất tích cực trong công tác lãnh đạo thuộc nhiều ủy ban khác nhau. Việt Nam cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc triển khai các nghị quyết và công ước mới thuộc lĩnh vực văn hóa.

Bày tỏ niềm tự hào khi cùng đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong hơn 40 năm qua để đạt được những thành tựu ngoạn mục trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ của Việt Nam đã giảm 72% trong những năm qua và là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới đạt được kết quả này.

Tin tưởng quan hệ đối tác giữa UNFPA và Việt Nam trong hơn 4 thập kỷ qua sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bà Naomi Kitahara nhấn mạnh: "UNFPA luôn khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở thành nơi an toàn cho mọi phụ nữ mang thai, bên cạnh việc giúp phát huy tiềm năng của mỗi người trẻ để đảm bảo rằng sẽ không ai bị bỏ lại phía sau”.

Với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát huy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc. Những đóng góp của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao. 44 năm qua, Việt Nam đã "trưởng thành” từ thành viên tham dự để trở thành đối tác mạnh mẽ, tin cậy của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.

QUỲNH NHƯ – TTXVN