"Việt Nam sẽ thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục"

Thứ năm, 10/12/2020 10:37

Đó là tuyên bố của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo", diễn ra tại Hà Nội ngày 9-12. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì hội thảo.

Hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo", diễn ra tại Hà Nội ngày 9-12.

Giáo dục là chìa khóa của chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Với quy mô hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành GD-ĐT xác định chuyển đổi số có vai trò quan trọng để triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ: Mục tiêu của ngành giáo dục là phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GD-ĐT Đây là nhiệm vụ được coi là đột phá trong những năm tới, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế. Để đạt mục tiêu đề ra, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trước hết phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất. Ngành GD-ĐT cũng ý thức việc phải xây dựng một đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số.. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hy vọng Việt Nam sẽ có những thế hệ tốt về kỹ năng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, ngoại ngữ để tạo ra nguồn nhân lực cao, có khả năng hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt với những yêu cầu của thời đại mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết đồng hành cùng Bộ GD-ĐT trong hành trình đầy thách thức và vinh quang bởi vì chuyển đổi số đầu tiên là hướng tới giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội phát triển. Những việc về công nghệ số, xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số ngành GD-ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giao cho Bộ TT-TT chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam triển khai để có giải pháp mới, đột phá.

Với mục tiêu số hóa thông tin 

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT xây dựng, đưa vào sử dụng chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin quản lý tất cả các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục. 

Đến nay, ngành đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý: 53.000 trường học mầm non, phổ thông, gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...); hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương, ..); số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy-học ngoại ngữ. Bộ cũng đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa xây dựng và phát triển kho học hiệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) gồm: Bài giảng E-learning (gần 5.000 bài giảng), bài giảng dạy trên truyền hình (hơn 2,000 video bài giảng), 200 thí nghiệm ảo, 35,000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng Bộ trưởng Bộ TT-TT ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong GD-ĐT; ký kết hợp tác giữa Bộ GD-ĐT với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa.

V.H