Việt Nam tiên phong với  mô hình thí điểm tại lưu vực sông V u Gia - Thu Bồn

Thứ bảy, 19/04/2025 08:20

Ngày 18-4 tại TP Đà Nẵng diễn ra Lễ khởi động Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường tại các vùng biển Đông Á thông qua việc thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông tại các nước ASEAN”. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, và các đối tác quốc tế triển khai thực hiện.

Các đại biểu tham dự tại buổi khởi động dự án.
Phó Cục trưởng Cục Môi trường, bà Nguyễn Thị Thiên Phương phát biểu tại buổi khởi động.

Phát biểu tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) TP Đà Nẵng chia sẻ: “Hôm nay, chúng ta đánh dấu một cột mốc quan trọng không chỉ với TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, mà còn với nỗ lực chung của cả khu vực ASEAN trong việc bảo vệ tài nguyên nước, môi trường và phát triển bền vững vùng ven biển, Đà Nẵng rất vinh dự khi cùng với Quảng Nam được lựa chọn là địa phương thực hiện dự án thí điểm tại Việt Nam – cụ thể là lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, hệ thống sông liên tỉnh lớn có vai trò sống còn đối với sinh kế và an ninh nguồn nước của khu vực miền Trung.”

Thách thức hiện hữu và yêu cầu đổi mới tư duy quản lý

Trong khuôn khổ lễ khởi động, đại diện từ Bộ NN&MT, các cơ quan chuyên môn, tổ chức quốc tế và lãnh đạo địa phương đã cùng nhau nhìn lại những thách thức mà lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ đang đối mặt. Đây là khu vực đang chịu áp lực lớn từ phát triển đô thị, công nghiệp, tăng trưởng dân số, cũng như tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.Thực tế những năm gần đây cho thấy, việc khai thác tài nguyên nước không bền vững đã dẫn đến những biến đổi tiêu cực như thay đổi chế độ dòng chảy, xâm nhập mặn tại các khu vực cửa sông – điển hình là tại sông Cầu Đỏ, nguồn cung cấp nước chính cho người dân Đà Nẵng. Chất lượng nước trên lưu vực cũng có dấu hiệu suy giảm, cùng với tình trạng xói lở bờ sông, hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng.

Phó Cục trưởng Cục Môi trường, bà Nguyễn Thị Thiên Phương (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định: “Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về nước, một phần do sự gia tăng ô nhiễm ở các sông, hồ và sự khai thác quá mức ở thượng nguồn”. Theo bà, các yếu tố như nạn phá rừng, phát triển thủy điện không kiểm soát, ô nhiễm công nghiệp, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt chưa xử lý đã khiến chất lượng nước suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến các hiện tượng như thiếu oxy, phú dưỡng hóa, và ô nhiễm vùng biển ven bờ.

Trong bối cảnh đó, dự án khu vực do UNDP và GEF hỗ trợ thực hiện được xem là một giải pháp cấp thiết nhằm tái thiết lập tư duy quản lý tài nguyên nước theo hướng tổng hợp, liên ngành, liên vùng và có sự tham gia của cộng đồng. Dự án sẽ được triển khai thí điểm tại 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia và Philippines, với trọng tâm là cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu ô nhiễm từ đất liền ra biển và duy trì dòng chảy môi trường bền vững.Tại Việt Nam, dự án tập trung vào lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng ven biển Đà Nẵng - Quảng Nam, nhằm xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả dựa trên các giải pháp liên ngành như kiểm soát nguồn thải, nâng cao năng lực quản lý môi trường, cải thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, đồng thời áp dụng các công cụ giám sát hiện đại.

Các đại biểu tham dự tại buổi khởi động dự án.

Hợp tác khu vực và kỳ vọng vào mô hình bền vững

Bà Aimee T. Gonzales – Giám đốc điều hành Tổ chức PEMSEA, đơn vị điều phối khu vực của dự án – đánh giá cao vai trò và tiềm năng của mô hình thí điểm tại Việt Nam. Bà cho rằng, dự án này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy sự hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia ASEAN trong quản lý tài nguyên nước và bảo tồn vùng biển Đông Á – một khu vực có tầm quan trọng chiến lược về đa dạng sinh học và kinh tế.

“Việc áp dụng mô hình quản lý tổng hợp lưu vực sông không chỉ giúp cải thiện nguồn nước ở thượng nguồn mà còn góp phần kiểm soát tốt hơn các hoạt động gây ô nhiễm ở hạ lưu. Điều này sẽ mang lại lợi ích không chỉ về môi trường mà còn cho phát triển kinh tế - xã hội”- bà Aimee nhấn mạnh; tin tưởngViệt Nam với vai trò là một trong những quốc gia có cam kết mạnh mẽ và năng lực triển khai hiệu quả, sẽ thành công trong việc thực hiện mô hình và chia sẻ kinh nghiệm cho các nước khác trong khu vực.

Phó Giám đốc Sở NN&MT TP Đà Nẵng Đặng Quang Vinh cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Nam, Cục Môi trường và các bên liên quan để đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ, đúng mục tiêu, đồng thời mang lại hiệu quả bền vững sau khi kết thúc giai đoạn hỗ trợ.

Lễ khởi động dự án không chỉ là bước khởi đầu cho những hoạt động cụ thể trong thời gian tới, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên nước và môi trường biển – tài sản vô giá không chỉ của một quốc gia mà của cả khu vực. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng các mô hình thành công có thể nhân rộng ra các lưu vực sông khác trong nước và toàn khối ASEAN, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho cả khu vực Đông Á.

Lê Anh Tuấn