Vĩnh biệt Giáo sư, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Bảng
GS.NSND Trần Bảng sinh năm 1926 quê ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), là con trai nhà văn Trần Tiêu, cháu gọi nhà văn Khái Hưng là bác ruột. Ông là người mê kịch nghệ phương tây, thông thạo tiếng Pháp, Hán Nôm và biết tiếng Anh, Nga, Đức. Trước khi tham gia vào Đoàn Văn công Trung ương (1951), bản thân ông chưa bao giờ nghĩ sẽ đam mê, đi theo con đường nghiên cứu, sáng tác nghệ thuật Chèo. Năm 1957, ông cùng với Bùi Đức Hạnh, Hoàng Kiều, Hà Văn Cầu, Hồ Ngọc Cẩn và các nghệ nhân: Trùm Thịnh, Cả Tam, Lý Mầm, Năm Ngũ thành lập Ban nghiên cứu chèo. Theo đó, ông đã có nhiều công trình nghiên cứu, lý luận quan trọng về loại hình nghệ thuật truyền thống Chèo: Khái luận về Chèo, Kỹ thuật biểu diễn Chèo, Chèo - Một hiện tượng Sân khấu dân tộc... Ông là người có công trong việc khai thác, bảo tồn và phục dựng các vở chèo cổ, lưu giữ các lớp trò của các nghệ nhân. Nhiều vở chèo cổ được ông cải biên, phục dựng tạo được tiếng vang như Quan Âm Thị Kính, Súy Vân (từ vở Kim Nham), Nàng Thiệt Thê (từ vở Chu Mãi Thần)... Ngoài ra, ông còn dàn dựng nhiều vở chèo hiện đại như Lọ nước thần, Tình rừng, Cờ giải phóng, Đường đi đôi ngả, Máu chúng ta đã chảy...
Ông đã đoạt Giải thưởng nghiên cứu của Hội Nghệ sĩ Việt Nam năm 1995, Giải thưởng văn học đề tài công nhân của Tổng Công đoàn Việt Nam 1974 (kịch bản chèo Tình rừng). Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa - Thông tin, Phó Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa I (1957). Năm 1993, ông được nhận học hàm GS và danh hiệu NSND. Năm 2001, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Ông là cha của diễn viên, đạo diễn Trần Lực và họa sĩ, kiến trúc sư Trần Thị Mây.
Xin thắp nén tâm nhang tiễn biệt GS.NSND Trần Bảng về nơi chín suối.
B.T