Vĩnh biệt thiên tài vật lý Stephen Hawking
Nhà vật lý lý thuyết và vũ trụ học thiên tài người Anh Stephen Hawking, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời khoa học với tầm nhìn giúp định hình ngành vũ trụ học hiện đại và truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, đã qua đời ở tuổi 76 tại nhà riêng ở Cambridge.
Giáo sư Stephen Hawking trong cuộc họp báo về “Breakthrough Starshot”, một sáng kiến thăm dò vũ trụ hồi tháng 4-2016 tại New York. Ảnh: New York Daily News |
Chúng tôi vô cùng đau buồn vì người cha yêu quý đã ra đi hôm nay”, BBC ngày 14-3 dẫn lời các con của ông - Lucy, Robert và Tim tuyên bố. Lucy, Robert và Tim ca ngợi sự “can đảm và kiên trì” của cha, nói rằng “sự sáng tạo và hài hước” của ông đã truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới. “Ông từng nói, vũ trụ sẽ không còn là vũ trụ nếu nó không thể là nhà cho những người bạn yêu thương. Chúng tôi sẽ nhớ cha mãi mãi”, các con của nhà khoa học Hawking cho biết.
Ông Stephen Hawking sinh vào một ngày đặc biệt, 8-1-1942, đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày mất của nhà thiên văn học và nhà vật lý Galileo Galilei. Cha ông là Frank Hawking, nhà nghiên cứu sinh học về y học nhiệt đới, và mẹ ông là Isobel.
Ông kết hôn với Jane Wilde vào tháng 7-1965 và cặp đôi này có 3 người con, Robert, Lucy và Tim. Trong cuốn hồi ký của mình, Hawking kể về việc Wilde ngày càng trở nên trầm cảm vì tình trạng của chồng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Ông và Wilde ly hôn vào năm 1990 và năm 1995, ông kết hôn với Elaine Mason, một y tá chăm sóc cho ông.
Bệnh tật
Khi mới 17 tuổi, ông đã theo học chuyên ngành Vật lý ở Đại học Oxford. Ông tốt nghiệp ngành khoa học tự nhiên với tấm bằng hạng ưu, sau đó học tiến sĩ tại Cambridge. Năm 21 tuổi, khi đang là nghiên cứu sinh, ông bị chẩn đoán mắc bệnh Xơ cứng teo cơ (ALS), còn được gọi là Bệnh Lou Gehrig, một căn bệnh phá hủy hệ thống neuron thần kinh của cơ thể. Các bác sĩ chẩn đoán ông chỉ có thể sống thêm 2 năm nữa. Tuy nhiên, dạng bệnh giáo sư Hawking mắc phải tiến triển chậm hơn bình thường, nhờ đó ông đã sống tiếp hơn nửa thế kỷ.
“Khi biết mình đang mắc một căn bệnh không thể chữa khỏi và có thể chết trong vài năm tới, đó là một cú sốc lớn”, ông viết trong hồi ký của mình. Nhưng sau khi nhìn thấy một cậu bé chết vì ung thư bạch cầu ở bệnh viện cũng như một số người bị bệnh nặng hơn, ông cảm thấy lạc quan trở lại vì chí ít tình trạng bệnh không khiến ông cảm thấy đau đớn. Nhưng cuộc sống của ông bị chi phối, cả tích cực lẫn tiêu cực, bởi căn bệnh nan y này. “Tôi không giảng dạy các sinh viên đại học và cũng không phải tốn nhiều thời gian cho các ủy ban tẻ nhạt nên tôi đã có thể cống hiến hết mình để nghiên cứu”, ông viết trong hồi ký.
Căn bệnh ALS khiến ông ngày càng trở nên bất lực trong việc vận động. Nhà khoa học gần như bị liệt toàn thân và phải sử dụng xe lăn cả quãng đời sau này. Năm 1986, năm ông 44 tuổi, ông buộc phải bỏ giọng nói để giữ được mạng sống sau khi bị bệnh viêm phổi nặng. Từ đó, ông phải sử dụng hệ thống máy tính được đặt trên tay của xe lăn để giao tiếp với mọi người. “Tôi thường được hỏi rằng: Anh cảm thấy thế nào khi bị mắc bệnh ALS?”, ông từng viết. Câu trả lời là “Không nhiều”. “Tôi cố gắng điều hướng cuộc sống bình thường nhất có thể, không nghĩ nhiều về tình trạng của mình, hay tiếc nuối về những thứ ngăn cản tôi làm mọi việc”, ông cho biết.
Trong hồi ký, ông viết “Tôi đã có một cuộc sống đầy đủ và thỏa mãn... Thật là một khoảng thời gian tuyệt vời để sống và nghiên cứu vật lý lý thuyết. Tôi hạnh phúc nếu tôi đóng góp thêm một cái gì đó vào sự hiểu biết của chúng ta về vũ trụ”.
Giáo sư Stephen Hawking cùng vợ cũ Jane Hawking (trái) và con gái Lucy Hawking (phải). Ảnh: BBC |
Không thể ngăn cản tài năng lớn
Căn bệnh ALS làm giảm khả năng kiểm soát cơ thể của giáo sư Hawking, khiến ông chỉ có thể động đậy ngón tay và cử động mắt, nhưng không ảnh hưởng đến trí tuệ và khả năng tư duy của bản thân.
Ông là một nhà nghiên cứu vũ trụ học, nhà thiên văn học, nhà toán học và là tác giả của rất nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn “Lược sử thời gian: Từ vụ nổ Big Bang đến hố đen”, xuất bản năm 1988. Cuốn sách bán được hơn 10 triệu bản và là nguồn cảm hứng cho bộ phim tài liệu của Errol Morris.
Giáo sư Hawking là người đặt nền móng cho ngành vũ trụ học, cha đẻ của lý thuyết hố đen phát ra bức xạ (tức bức xạ Hawking) nổi tiếng. Cùng với nhà vật lý Roger Penrose, ông Hawking đã hợp nhất thuyết tương đối của Einstein với lý thuyết lượng tử để kết luận rằng không gian và thời gian bắt đầu với vụ nổ Big Bang và kết thúc trong các hố đen. Giáo sư Hawking cũng phát hiện ra rằng, các hố đen không hoàn toàn đen nhưng phát ra bức xạ và cuối cùng sẽ bay hơi và biến mất.
Theo kết quả của nghiên cứu đó, ông đề xuất một mô hình vũ trụ dựa trên hai khái niệm về thời gian: “thời gian thực”, tức thời gian con người trải nghiệm, và “thời gian tưởng tượng”. “Thời gian tưởng tượng có vẻ như là khoa học viễn tưởng... nhưng đó là một khái niệm khoa học thật sự”, ông viết trong một bài giảng. “Thời gian thực có thể được hiểu là một đường ngang. Ở bên trái, người ta có quá khứ, và bên phải, là tương lai, nhưng có một khoảng thời gian khác theo hướng thẳng đứng, được gọi là thời gian tưởng tượng, bởi vì đây không phải là thời gian mà chúng ta thường gặp, nhưng về mặt cảm giác, nó cũng giống như những gì chúng ta gọi là thời gian thực”, ông viết. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN vào tháng 10-2008, ông nói rằng nếu con người có thể tồn tại trong 200 năm tới và học cách sống trong vũ trụ, thì tương lai của chúng ta sẽ tươi sáng.
Tượng đài lớn
Tại Đại học Cambridge, ông Hawking giữ vị trí Giáo sư Toán học Lucasian – một vị trí uy tín do Isaac Newton, được xem là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử hiện đại, lập ra từ năm 1669 đến 1702. Tuy nhiên, ông đã từng nói nếu được lựa chọn giữa Newton và Marilyn Monroe, ông sẽ chọn gặp ngôi sao điện ảnh.
Giáo sư Stephen Hawking cũng là nhân vật văn hóa trong đời sống, với vai diễn khách mời chính trong bộ phim “Star Trek: Thế hệ tiếp theo” và “The Simpsons”. Năm 2014, bộ phim về cuộc đời của giáo sư Hawking mang tên “Thuyết vạn vật” (The Theory of Everything) nhận được nhiều đề cử Oscar và diễn viên Eddie Redmayne thủ vai giáo sư Hawking đoạt giải Oscar dành cho nam chính xuất sắc nhất.
Ông nhận được ít nhất 12 bằng danh dự và được trao giải thưởng CBE năm 1982. CBE, huân chương xuất sắc nhất của Đế chế Anh, được coi là một vinh dự lớn cho một công dân Anh và về thứ bậc chỉ dưới Hiệp sĩ. Mặc dù là một công dân Anh, ông đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao tặng Huy chương Tự do Tổng thống, vinh dự dân sự cao nhất của Mỹ.
AN BÌNH
Nhiều nỗi tiếc thương Ngay khi hay tin ông qua đời, nhiều người đã bày tỏ tiếc thương trên mạng xã hội: “Một tượng đài của lĩnh vực khoa học, không biết đến bao giờ mới có người có thể gánh vác được công việc của ông. Hai cuốn sách của ông quá xuất sắc và phi thường”; “Một người có nghị lực phi thường. Ông là tấm gương cho muôn đời con cháu chúng ta”... Các nhà khoa học ca ngợi giáo sư Hawking vì công việc và ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực này. “Sự ra đi của ông ấy đã để lại một khoảng trống về mặt trí tuệ”, Neil deGrasse Tyson, Giám đốc của cung thiên văn Hayden thuộc Trung tâm Trái đất và Không gian Rose, cho biết. “Từ sau Albert Einstein, chưa có nhà khoa học nào thu hút nhiều sự quan tâm của công chúng và được hàng chục triệu người trên thế giới yêu mến như thế”, Michio Kaku, giáo sư vật lý lý thuyết ở Đại học New York, chia sẻ về giáo sư Hawking trong một bài phỏng vấn. “Chúng ta đã đánh mất một trí tuệ khôn khéo và tinh thần tuyệt vời. Hãy nghỉ ngơi trong sự bình an, Stephen Hawking”, Tim Berners-Lee, nhà phát minh của World Wide Web chia sẻ. |