Vinh danh những tác giả đạt giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố lần thứ 4

Thứ bảy, 06/08/2022 16:32
Sáng 6-8, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố lần thứ 4 (giai đoạn 2015-2020). Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng được thành lập từ năm 2002, được trao 5 năm một lần, đến nay đã bước sang lần thứ 4. Việc xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần này được thực hiện theo quy chế ban hành kèm Quyết định số 3546/QĐ-UBND ngày 15 tháng 11 năm 2021 của UBND TP Đà Nẵng.
Vinh danh những nghệ sĩ đạt giải

Ông Hồ Kỳ Minh- Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trao tặng giải thưởng
các tác giả đạt giải A Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4.

Tổng số các tác phẩm/công trình/tiết mục/vai diễn (gọi tắt là tác phẩm) đăng ký dự giải lần này: Âm nhạc 51 tác phẩm, Mỹ thuật 16 tác phẩm, Nhiếp ảnh nghệ thuật 35 tác phẩm, Văn học 15 tác phẩm, Điện ảnh 10 tác phẩm, Sân khấu 13 vai diễn và một vở diễn, Nghệ thuật Múa 14 tác phẩm, Kiến trúc 2 tác phẩm, Văn nghệ dân gian 6 tác phẩm. Theo Quy chế Xét tặng, mỗi hội chuyên ngành được gửi lên Hội đồng Xét tặng cấp Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố tối đa 9 tác phẩm và 1 tác phẩm dành cho thiếu nhi. Kết quả có 5 hội chuyên ngành gửi đủ số lượng tối đa (Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh nghệ thuật, Văn học, Sân khấu); có 4 hội chuyên ngành gửi dưới số lượng tối đa (Điện ảnh 5 tác phẩm, Kiến trúc 2 tác phẩm, Nghệ thuật Múa 6 tác phẩm, Văn nghệ dân gian 6 tác phẩm) và có 4 chuyên ngành có tác phẩm dành cho thiếu nhi (Âm nhạc, Văn học, Nghệ thuật múa, Văn nghệ dân gian). Tuy không có trách nhiệm xếp giải, nhưng kết quả thẩm định của Hội đồng Xét tặng cấp Hội chuyên ngành rất quan trọng, là căn cứ hợp lệ để Hội đồng Xét tặng các cấp trên thực thi nhiệm vụ theo Quy chế Xét tặng hiện hành. Sau khi từng giám khảo chấm chọn độc lập, mỗi Tiểu ban chuyên ngành đã họp để thống nhất xếp giải đối với 8 Giải A (của các chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nghệ thuật Múa, Văn học, Sân khấu, Điện ảnh và Văn nghệ Thiếu nhi); 16 Giải B (trong đó có 3 Giải B là giải cao nhất của hai chuyên ngành Văn nghệ Dân gian và Kiến trúc do hai chuyên ngành này không có tác phẩm được xếp Giải A); 19 Giải C và 16 Giải Khuyến khích. Không xếp giải đối với 7 tác phẩm (3 của chuyên ngành Mỹ thuật; 2 của chuyên ngành Văn nghệ dân gian, 1 của chuyên ngành Văn học và 1 của chuyên ngành Điện ảnh). Như vậy, giải thưởng Văn học–Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4 (2015-2022) đã được trao cho 59 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình và vai diễn.


Ban Tổ chức truy tặng Giải thưởng Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ 4
cho thân nhân các gia đình các tác giả Bùi Tự Lực, Trương Đình Quang - Kim Viên và Trương Duy Huyến.

Trong đó, 8 giải A thuộc về các tác phẩm xuất sắc gồm: Người mẹ của nhóm tác giả Đoàn Hồng Lê - Nguyễn Trần Huy - Đặng Tiến Nhựt (Chuyên ngành điện ảnh); Vai diễn Thi Sách trong vở tuồng Trưng Vương; Vai diễn Trần Phong trong vở tuồng Như những tượng đài; Vai diễn Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu; Vai diễn Lê Đại Cang trong vở tuồng Hoạn lộ của diễn viên Phan Văn Quang (Chuyên ngành sân khấu); Xuôi và ngược của Phan Hồng Hà (Chuyên ngành múa); Hội An xưa của Nguyễn Tường Vinh (Chuyên ngành mỹ thuật); Công trình nghiên cứu: Tai nghe trống chiến trống chầu của nhóm tác giả Trương Đình Quang và Kim Viên (Chuyên ngành âm nhạc); Chó hoang của Bùi Tự Lực (Chuyên ngành văn học thiếu nhi); Trong những lời yêu thương của Đinh Thị Như Thúy (Chuyên ngành văn học) và Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới, phòng chống Covid-19 (ảnh bộ) của tác giả Huỳnh Văn Truyền (Chuyên ngành nhiếp ảnh).

Phát biểu tổng kết giải thưởng, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng khẳng định: Các tác phẩm, vai diễn được trao giải lần này thể hiện được năng lực sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ, góp phần đáng kể vào sự phát triển văn học, nghệ thuật thành phố nói riêng và vào việc gây dựng thương hiệu văn hóa Đà Nẵng nói chung. Một số tác phẩm được trao giải từng được đánh giá cao ở các diễn đàn quốc tế như phim tài liệu của Đoàn Hồng Lê và các cộng sự, hay như công trình kiến trúc của Hồ Khuê và các cộng sự; nhiều tác giả được giải còn thấm đẫm tính thời sự như bộ ảnh của Huỳnh Văn Truyền, hay như phim tài liệu của Phạm Hồng Liên và các cộng sự... "Tóm lại, có thể nói việc xét tặng Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật thành phố lần thứ 4 đã đạt được kết quả như mong đợi. Đó là xét trên đại thể, bởi cũng như mọi giải thưởng Văn học - Nghệ thuật xưa nay, kết quả xếp giải khó lòng đạt sự đồng thuận tuyệt đối. Tôi xin cảm ơn các vị giám khảo trong và ngoài thành phố đã nỗ lực hướng đến sự công tâm và khách quan, căn cứ chủ yếu vào chất lượng nghệ thuật của từng tác phẩm, tiết mục để xếp giải; xin cảm ơn các văn nghệ sĩ trong và ngoài thành phố đã tích cực hưởng ứng gửi tác phẩm dự giải, góp phần vào thành công chung của Giải; đặc biệt xin cảm ơn các văn nghệ sĩ đoạt giải, bằng thành quả lao động nghệ thuật chất lượng cao của mình, đã tạo thêm một dấu mốc trong tiến trình phát triển của Văn học và Nghệ thuật thành phố chúng ta 5 năm qua."- ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.

Vinh danh những nghệ sĩ đạt giải

Lê Anh Tuấn