Vốn đầu tư vẫn chảy mạnh vào các dự án tư nhân ở Đà Nẵng

Thứ tư, 06/04/2022 18:36
Trong khi vốn đầu tư các công trình hạ tầng từ ngân sách thời gian qua chững lại thì dòng vốn đổ vào triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh của tư nhân vẫn duy trì tăng đều đặn, điều này góp phần phục hồi kinh tế Đà Nẵng nhanh hơn.
Nhiều dự án hạ tầng đô thị cũng được tập trung vốn triển khai.
Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao của Danapha tổng vốn 1.500 tỷ đồng đang đẩy mạnh tiến độ triển khai tại Khu CNC.

Tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng trong quý I vừa qua chưa đạt 0,9%, thuộc loại thấp nhất cả nước. Điều này vừa cho thấy kinh tế TP phụ thuộc nhiều vào khối ngành dịch vụ (du lịch, vận tải, thương mại, truyền thông…) chiếm 67% trong cơ cấu, tuy nhiên lĩnh vực này bị tổn thương nặng do đại dịch, chưa hoàn toàn phục hồi. Mặt khác, trong thời gian qua, nhiều dự án lớn về hạ tầng công nghiệp, giao thông, các dự án sản xuất… đang trong quá trình triển khai, chưa tạo động lực tăng trưởng, mở rộng quy mô kinh tế. Hiện các dự án này vẫn đang được rót vốn đều đặn để triển khai hoặc hoàn thiện thủ tục để khởi công. Ghi nhận tại Khu Công nghệ cao, dự án Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng khởi công từ tháng 9-2021 hiện đạt hơn 57% khối lượng, tương đương 175 tỷ đồng. Đại diện Chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng cam kết sẽ triển khai đầu tư xây dựng Trung tâm theo đúng kế hoạch đề ra, phấn đấu sẽ hoàn thành công trình và đi vào hoạt động nghiên cứu. Công ty TNHH Fujkin Đà Nẵng sẽ xúc tiến thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao về Đà Nẵng, góp phần nâng cao các hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn. Với dự án này, TP mong muốn sẽ thu hút các chuyên gia hàng đầu đến nghiên cứu, góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cao cho Đà Nẵng, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại Khu công nghệ cao.

Tương tự, dự án Nhà máy sản xuất dược phẩm và Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao do Công ty Cổ phần Dược Danapha làm chủ đầu tư, triển khai trên khu đất có diện tích 3 ha cũng đang đẩy nhanh tiến độ. Dự án có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, hiện đã thực hiện được 92 tỷ đồng, tương đương 6,2%. Với những nỗ lực của lãnh đạo Đà Nẵng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, dự án này được đánh giá là một minh chứng khẳng định các hoạt động đầu tư, sản xuất của các nhà đầu tư trên địa bàn TP đang từng bước quay trở lại guồng phát triển như trước đây.

Khu vực FDI có vốn đầu tư triển khai tăng gần 60%.

Trong lĩnh vực dịch vụ, dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort với tổng mức đầu tư 3.900 tỷ đồng trên diện tích 13 ha khởi công từ năm 2019 hiện đã thực hiện đạt 1.647 tỷ đồng, đạt hơn 42%. Quy mô dự án gồm khối khách sạn cao 24 tầng, và các hạng mục khu vui chơi có mái, khu công viên nước ngoài trời, khu nhà hàng tiệc cưới, khu dịch vụ bể bơi… Khu khách sạn của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức trong năm 2022.

Có thể thấy, khu vực đầu tư ngoài nhà nước hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đầu tư tại Đà Nẵng. Việc các dự án tư nhân vẫn được rót vốn và tăng tốc thi công bất chấp những khó khăn của đại dịch vừa giúp kinh tế TP phục hồi nhanh hơn, đồng thời tạo động lực mở rộng quy mô kinh tế. Bên cạnh nỗ lực đầu tư sửa chữa, mua sắm tài sản khôi phục hoạt động kinh doanh, nhiều dự án lớn cũng đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào khai thác, nổi bật như dự án Tổ hợp khách sạn Condo 1 và Condo 2, dự án Tổ hợp căn hộ thương mại dịch vụ và khách sạn MARRIOTT, khu phức hợp Đà Nẵng Times Square, dự án khách sạn Regisbay, các dự án khu đô thị...

Nhiều dự án hạ tầng đô thị cũng được tập trung vốn triển khai.

Ngoài vốn đầu tư chảy mạnh vào các dự án tư nhân thì các công trình đầu tư công có vai trò động lực cũng được tập trung vốn mạnh để đẩy nhanh tiến độ. Theo thống kê, trong quý I vừa qua, tuy vốn đầu tư công giảm gần 25%, song chủ yếu do Đà Nẵng siết lại việc cấp vốn. Cụ thể, những dự án cấp bách, các công trình trọng điểm dang dở, dự án đủ thủ tục mới được cấp vốn. Đây là giải pháp để tránh phân bổ vốn dàn trải, đồng thời dồn lực cho các dự án trọng điểm tăng tốc. Chẳng hạn dự án khu Công viên phần mềm số 2 rất cấp bách, là công trình động lực phục vụ tăng trưởng kinh tế, vì thế được TP tập trung vốn đẩy nhanh tiến độ. Dự án này có tổng mức đầu tư 986 tỷ đồng gồm 2 khối nhà 8 tầng, 1 khối 20 tầng. Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch tuy nhiên công trình này đã vượt tiến độ, đã hoàn thành xây lắp khối ICT 1, dự kiến hoàn thành khối ICT 2 vào tháng 8 tới. Hiện dự án đã dạt 546 tỷ đồng, bằng hơn 53% tổng mức đầu tư. Tương tự, dự án Cải thiện hạ tầng giao thông Đà Nẵng với nhiều hạng mục, riêng hạng mục quan trọng là cầu vượt cuối tuyến thuộc công trình Đường vành đai phía tây 2 đang được tập trung tất cả nguồn lực để hoàn thành đúng tiến độ cam kết. Đây là hạng mục có tổng chiều dài 14,3 km, đoạn từ đường số 8 khu công nghiệp Hòa Khánh đến nút giao với đường tránh nam hầm Hải Vân. Hiện công trình đã thực hiện 191 tỷ đồng, đạt hơn 50% tổng mức đầu tư.

Với nhiều dự án đầu tư công động lực cũng như các dự án công nghiệp, dịch vụ lớn đang tăng tốc tiến độ, kỳ vọng kinh tế Đà Nẵng sẽ sớm mở rộng quy mô, tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

HẢI QUỲNH

Trong quý I -2022 tổng vốn đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng đạt hơn 7,7 ngàn tỷ đồng, trong đó khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thể hiện rõ dấu hiệu của sự phục hồi trước tác động tiêu cực của đại dịch, với mức tăng 59,3% so với cùng kỳ và tăng 10,5% so với quý IV-2021.