Vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran: Tehran toan tính những gì?

Thứ năm, 03/12/2020 15:52

Vài ngày sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh, Quốc hội Iran hôm 1-12 phê duyệt kế hoạch hành động chiến lược nhằm tiếp tục các chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Iran sẽ không ngay lập tức trả đũa vụ việc do lo ngại hành động vội vã có thể sẽ kích động phản ứng quân sự quyết liệt từ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump.

Tang lễ của nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh hôm 30-11.  Ảnh: AP

Không vội trả đũa

Sau vụ xả súng được lên kế hoạch tỉ mỉ hôm 27-11 nhằm ông Fakhrizadeh- người được coi là “kiến trúc sư” của chương trình hạt nhân Iran và là nhân vật quân sự cấp cao thứ hai của Iran bị ám sát trong năm nay- Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố sẽ “trả đũa” và “trừng phạt thủ phạm cùng những kẻ đã chỉ đạo”. Ông đổ lỗi cho Israel về vụ ám sát
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao và phân tích nói rằng họ không nghĩ Iran sẽ nhanh chóng hành động đáp trả. Iran sẽ chờ thời cơ trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh vì lo ngại hành động vội vã có thể sẽ kích động phản ứng quân sự quyết liệt từ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Donald Trump.

Các nhà lãnh đạo Iran chắc chắn sẽ cân nhắc hành động trả đũa bởi nó có làm phức tạp kế hoạch tái khởi động quan hệ ngoại giao với Iran của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden hay không. Ông Biden đã hứa sẽ khôi phục thỏa thuận quốc tế năm 2015- Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA)- do cựu Tổng thống Barack Obama đàm phán, chứng kiến Iran cắt giảm chương trình hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Ông Antony Blinken, người được đề cử làm Ngoại trưởng của chính quyền Biden, cho biết tại một hội nghị hồi tháng 8 vừa qua rằng ông hy vọng thỏa thuận hạt nhân có thể được đàm phán lại để trở thành một hiệp định “mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn”.

Ông Jonathan Schanzer thuộc Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, nói: “Sẽ là một tính toán sai lầm lớn đối với chính quyền Biden nếu Iran thực hiện một cuộc tấn công nào đó hoặc tham gia vào các hoạt động bạo lực rõ ràng là do chế độ gây ra”.

Tiếp tục chương trình hạt nhân

Theo nhận định của các chuyên gia, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh sẽ không làm chệch hướng chương trình hạt nhân của nước này, vốn đang tiến triển đều đặn bất chấp chính sách “gây áp lực tối đa” của Tổng thống Donald Trump. 

Bà Kelsey Davenport, giám đốc phụ trách chính sách không phổ biến vũ khí của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, cho biết, vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân và quan chức quốc phòng cấp cao Mohsen Fakhrizadeh vào tuần trước đã làm lộ ra các lỗ hổng an ninh cho Iran, nhưng công việc hạt nhân của nước này vẫn sẽ được triển khai. Mặc dù vụ ám sát chỉ là một đòn biểu tượng và một đòn tâm lý, nhưng “về cơ bản nó không làm thay đổi thực tế rằng Iran có khả năng vũ khí hạt nhân. Nếu Iran chọn theo đuổi vũ khí hạt nhân, họ có các phương tiện kỹ thuật để làm điều đó”, bà Davenport nói.

Bà Davenport cho hay, công việc hạt nhân của Iran - đã được tiến hành trong nhiều thập kỷ - không phụ thuộc vào một nhà khoa học. “Việc loại bỏ bất kỳ cá nhân nào sẽ không phải là đòn chí mạng đối với khả năng theo đuổi vũ khí hạt nhân của Iran nếu nước này quyết định làm như vậy”, bà Davenport nhận định.
Jeffrey Lewis, chuyên gia kiểm soát vũ khí và giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cũng có cùng nhận định. “Iran sẽ có thể nối lại chương trình vũ khí hạt nhân nếu đó là điều mà lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei lựa chọn. Điều khác biệt duy nhất là Khamenei bây giờ có động lực lớn hơn nhiều để làm điều đó”, ông Lewis cho hay.

Kế hoạch hành động chiến lược

Trong phiên họp ngày 1-12, các nhà lập pháp tại Quốc hội Iran hoàn toàn tán thành phác thảo kế hoạch hành động chiến lược, nhằm mục đích chống lại các lệnh trừng phạt áp đặt lên nhà nước Iran và bảo vệ lợi ích của quốc gia này.

251 trong số 260 nhà lập pháp có mặt đã bỏ phiếu “đồng ý” với dự thảo luật, theo đó, nếu được thông qua, sẽ yêu cầu chính quyền Iran đình chỉ thêm nhiều cam kết trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Dự thảo cũng yêu cầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) hàng năm sản xuất ít nhất 120 kg uranium được làm giàu 20% và lưu trữ trong nước trong vòng 2 tháng sau khi luật được thông qua.

Phát biểu trong phiên họp, ông Abolfazl Amooei, người phát ngôn của Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran, cho biết, kế hoạch này sẽ là chìa khóa mở các giới hạn áp đặt lên chương trình hạt nhân của Iran và theo đuổi mục tiêu của những người tử vì đạo như nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh.

“Chương trình hạt nhân của quốc gia phải tiến hành theo nhu cầu của đất nước chúng ta. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi kỳ vọng rằng chương trình hạt nhân sẽ được củng cố, phát triển, và xu hướng này sẽ tăng tốc”, ông Amooei nói thêm. Ông Amooei cho biết, kế hoạch này cũng nhằm biến hành động áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại người dân Iran trở thành một biện pháp “tốn kém” đối với các nước phương Tây.

AN BÌNH