Vũ Hán và bài học “đánh đổi bằng máu và nước mắt”

Thứ bảy, 11/04/2020 13:19

Khi thế giới vật lộn với đại dịch đang ngày càng leo thang, Trung Quốc đã dỡ bỏ phong tỏa thành phố tâm dịch Vũ Hán vào ngày 8-4, cho phép 11 triệu cư dân đi lại tự do lần đầu tiên sau hơn 2 tháng, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến dịch chống đại dịch Covid-19.

Các xe nối đuôi nhau rời khỏi Vũ Hán sáng 8-4 sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.  Ảnh: Chinadaily

Trong khi hoạt động ngăn chặn bùng phát đại dịch của Vũ Hán đã được Trung Quốc và nhiều chuyên gia y tế quốc tế ca ngợi đã thành công, đã có nhiều ý kiến cho rằng, nước này không nên “sớm ca khúc khải hoàn”. Bởi còn đó là bài học quá đau đớn, được “đánh đổi bằng máu và nước mắt”.

Hồi chuông cảnh tỉnh

Cơ quan y tế Vũ Hán báo cáo ca đầu tiên nhiễm virus Corona mới vào tháng 12-2019 và là cái chết đầu tiên được biết đến liên quan đến virus vào đầu tháng 1.

Lúc đó, các quan chức thành phố khẳng định, tình hình đã được kiểm soát trong 2 tuần đầu tiên của tháng 1, làm giảm khả năng lây nhiễm từ người sang người khi họ tập trung nguồn lây nhiễm tại một thị trường hải sản và động vật hoang dã ở Vũ Hán. Nhưng các dấu hiệu đáng lo ngại đã xuất hiện. Reuters dẫn lời nhiều cư dân ở Vũ Hán cho biết, các bệnh viện bắt đầu quá tải vào ngày 12-1 và một số người đã bị từ chối cho nhập viện. Nhưng ít nhất cho đến ngày 16-1, chính phủ Vũ Hán nói rằng, không có ca nhiễm mới nào trong khoảng 2 tuần và thành phố vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Các hàng quán đông đúc. Người mua sắm đổ về các khu thương mại và du khách hướng đến các nhà ga và sân bay cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Các biện pháp tối thiểu đã được đưa ra như đo nhiệt độ người dân ở những nơi công cộng, hoặc khuyến khích họ đeo khẩu trang bảo vệ. Nhưng đó chỉ là những khuyến cáo sơ sài. “Chúng tôi, những người bình thường không biết rằng chúng tôi cần phải có biện pháp bảo vệ”, Wang Wenjun, có người chú đã chết vì Covid-19 vào ngày 31-1 nói với Reuters.

Chuyến đi của nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc

Nhưng điều đó đã thay đổi sau ngày 18-1, khi một nhóm các nhà khoa học được chính quyền trung ương ở Bắc Kinh điều đến Vũ Hán. Dẫn đầu nhóm là nhà dịch tễ học 83 tuổi Zhong Nanshan, từng nổi danh vì gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Trung Quốc về sự lây lan của dịch SARS vào năm 2003.

Trong 2 ngày, nhóm nghiên cứu tìm ra nguồn gốc và quy mô bùng phát dịch ở Vũ Hán, kiểm tra chợ hải sản và động vật hoang dã và các địa điểm khác. Một nguồn tin thân cận cho biết, khi đi khắp Vũ Hán, họ bỗng biến sắc khi quy mô của cuộc khủng hoảng trở nên rõ ràng. Một ngày trước khi các nhà khoa học đến, 4 ca nhiễm mới đã được xác nhận tại Vũ Hán, không có trường hợp nào có mối liên hệ rõ ràng với khu chợ hải sản.

Điều đó đặt ra nghi ngờ đối với những khẳng định trước đây của chính quyền địa phương rằng, không có bằng chứng đáng kể nào về việc lây truyền từ người sang người, động thái mà sẽ yêu cầu họ áp dụng các biện pháp ngăn chặn quyết liệt đối với thành phố. Đây là chuyến đi lần thứ 3 của các nhà khoa học kể từ cuối tháng 12 khi giới chức ở Bắc Kinh bắt đầu lo ngại về loại virus này và lo các quan chức địa phương đã che giấu những thách thức mà họ phải đối mặt.

Trong chuyến đi này, nhóm nghiên cứu đã biết thêm nhiều điều mà trước đây không được tiết lộ. Hàng chục nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, những nỗ lực theo dõi ca nhiễm liên hệ chặt chẽ với các trường hợp được xác nhận khác đã giảm dần và các bệnh viện đã dần bế tắc. Vào ngày 19-1, các nhà khoa học đã quay trở lại Bắc Kinh, báo cáo kết quả cho Ủy ban Y tế Quốc gia. Các chuyên gia khuyến nghị Vũ Hán nên tiến hành các biện pháp kiểm dịch và mở rộng sức chứa của bệnh viện. Chính ông Zhong đã đề xuất các biện pháp phong tỏa.

Phong tỏa

Một trong những nguồn tin cho biết đề xuất ban đầu đã bị các quan chức Vũ Hán từ chối vì họ sợ ảnh hưởng kinh tế, nhưng sau đó chính quyền trung ương đã vào cuộc. Vào tối 20-1, chính quyền trung ương thành lập một đội đặc biệt đến Vũ Hán để dẫn đầu cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Việc khóa chặt Vũ Hán đã được lên kế hoạch.

Những ảnh hưởng từ Bắc Kinh đã sớm được cảm nhận ở Vũ Hán. Vào ngày 22-1, các quan chức cấp cao ở Vũ Hán nhận được chỉ thị yêu cầu họ không được rời khỏi thành phố, hoặc báo cáo nơi ở của họ nếu đi. Lệnh này không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng vào khoảng 20 giờ hôm đó, một số quan chức nhận được thông báo qua điện thoại rằng thành phố sẽ ngừng hoạt động vào sáng hôm sau (ngày 23-1). Việc phong tỏa được thông báo công khai lúc 2 giờ ngày 23-1, khiến hàng ngàn cư dân Vũ Hán tranh giành nhau để tìm lối đi. Nhưng việc ra vào thành phố đã nhanh chóng bị đóng cửa, với giao thông công cộng ngừng hoạt động và việc sử dụng ô-tô tư nhân bị cấm. Cư dân bị hạn chế ra khỏi nhà. Sau khi nắm quyền kiểm soát cuộc khủng hoảng, chính quyền Bắc Kinh cũng đã loại bỏ một số quan chức chủ chốt của thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

Tuy nhiên, mọi việc lúc đó vẫn quá muộn khi hàng triệu người dân Vũ Hán đã rời đi khắp nơi. “Các quan chức Vũ Hán đã phản ứng quá muộn. Nếu họ yêu cầu mọi người đeo mặt nạ, kiểm tra nhiệt độ, có lẽ sẽ có rất ít người chết”, ông Zhong nói và cho biết thêm: “Đó là một bài học đau đớn với máu và nước mắt”. Việc truy tìm các bệnh nhân sau đó cho thấy, những người được xác nhận đã mắc bệnh từ Vũ Hán đã đến ít nhất 25 tỉnh, thành phố và khu vực hành chính trên khắp Trung Quốc trước khi thành phố này bị phong tỏa.

Cuộc sống bình thường theo kiểu mới

Hơn 2 tháng sau lệnh phong tỏa, Trung Quốc đã cho phép cư dân rời khỏi Vũ Hán, cũng như cho phép các chuyến bay nội địa và các chuyến tàu liên thành phố từ ngày 8-4. Vũ Hán cũng chỉ báo cáo 1 ca nhiễm mới trong tuần qua, và khoảng 93% ca nhiễm đã phục hồi.

Các quốc gia khác xem xét kiểm dịch theo kiểu Vũ Hán, nhưng họ vẫn chưa tin vào những con số của Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước đã nói rằng, con số thống kê của Trung Quốc chỉ là “sự tô hồng”. Trung Quốc cũng chỉ mới bắt đầu báo cáo dữ liệu về các trường hợp không có triệu chứng - những người mang mầm bệnh có thể truyền bệnh mà không có các triệu chứng - trong tuần qua. Điều đó xảy ra sau làn sóng phản ứng dữ dội của người dân trên phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc về việc thống kê của chính quyền, vốn làm tăng mối lo ngại rằng những trường hợp như vậy có thể dẫn đến một làn sóng bùng nổ dịch bệnh thứ hai. Xue Lan, giáo sư tại Đại học Tsinghua, thành viên của ban chỉ đạo chống dịch của chính phủ Trung Quốc, cho biết các biện pháp phòng ngừa được áp dụng cho việc phong tỏa- như cách xa xã hội - có thể sẽ trở thành một phần của cuộc sống trong tương lai ở Trung Quốc. “Từ giờ cuộc sống xã hội của chúng ta sẽ bước vào một cuộc sống bình thường theo kiểu mới”, Xue nói.

KHẢ ANH

Gần 100.000 người tử vong trên toàn cầu

Theo trang thống kê worldometers.info, cho đến ngày 10-4 (giờ Việt Nam), trên thế giới hiện có 1.607.595 ca mắc Covid-19, trong khi số ca tử vong đã lên tới 95.785 trường hợp.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh trên toàn cầu là 357.164 người. Trên thế giới vẫn còn tới 49.137 bệnh nhân Covid-19 đang trong tình trạng nguy kịch. Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm với 468.895 ca và 16.697 ca tử vong. Xếp thứ hai là Tây Ban Nha với 153.222 ca mắc và 15.447 ca tử vong. Italia tiếp tục xếp vị trí thứ 3 với 143.626 ca mắc và 18.279 ca tử vong. Đứng thứ tư là Đức với 118.235 ca mắc và 2.607 ca tử vong.

T.NGUYÊN

-------

Saudi Arabia: Vua và Thái tử tự cách ly

The Times ngày 10-4 dẫn nguồn tin thân cận với gia đình Hoàng gia Saudi Arabia cho biết, ít nhất 150 thành viên hoàng gia đã bị mắc Covid-19 trong khi cả Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman phải tự cách ly để tránh nhiễm bệnh.

Theo đó, Vua Salman đang tự cách ly trong một cung điện trên một hòn đảo gần Jeddah, trong khi đó, Thái tử Mohammed đã chuyển đến địa điểm bên bờ Biển Đỏ. Bệnh viện chuyên khoa King Faisal tại Riyadh, nơi đang điều trị cho các thành viên hoàng gia cho biết đang chuẩn bị thêm 500 giường bệnh để đề phòng số người nhiễm bệnh sẽ tăng lên. Hoàng gia Saudi Arabia có khoảng 15.000 thành viên, so với 33 triệu dân của nước này. Tính đến ngày 10-4, Saudi Arabia có 3.287 ca mắc Covid-19, 44 ca tử vong.

T.LINH

-------

Mỹ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng thuốc hydroxychloroquine điều trị Covid-19

Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ ngày 10-4 cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng đối với hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét, trong điều trị các bệnh nhân là người trưởng thành mắc Covid-19 tại các bệnh viện của Mỹ nhằm đánh giá sự an toàn và hiệu quả của loại thuốc này.

Theo thông cáo của NIH, những bệnh nhân đầu tiên đã đăng ký tham gia cuộc thử nghiệm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, bang Tennessee. Cuộc thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên sẽ được thực hiện với hơn 500 bệnh nhân đang nằm viện hoặc được điều trị tại khoa cấp cứu và có khả năng sẽ nhập viện. Theo đó, tất cả những người tham gia nghiên cứu sẽ tiếp tục được chăm sóc theo chỉ định đối với tình hình sức khỏe của họ.

T.VĂN