Vụ lập "bến thủy" tự phát, xâm phạm hành lang an toàn cầu Mân Quang: Coi thường cơ quan chức năng hay được “bật đèn xanh”?
Dù bị lập biên bản xử lý, yêu cầu xóa bến thủy tự phát uy hiếp hành lang an toàn cầu Mân Quang (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhưng một đơn vị thực hiện trục vớt chiếc tàu đắm tại khu vực Bãi Cát Vàng đã tiếp tục tự ý cho sà lan cập bến neo đậu để bốc dỡ sắt thép, clinker (nguyên liệu sản xuất xi-măng). Hành vi tái diễn công khai nhưng chỉ đến khi phóng viên Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng thông tin thì cơ quan chức năng mới cho người xuống đẩy đuổi.
Sà lan chở sắt thép ra vào, neo đậu ngay sát chân cầu Mân Quang.
Chỉ một thời gian ngắn kể từ khi bị lập biên bản xử lý và yêu cầu di chuyển sà lan ra khỏi phạm vi hành lang an toàn của cầu Mân Quang, trong những ngày cận Tết, Cty TNHH Trục vớt và xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng đã ngang nhiên cho sà lan chở các loại vật liệu tập kết vào đúng vị trí này. Đến sáng 10-2, người dân sống trong khu vực gần cầu Mân Quang hết sức bất bình vì đơn vị này huy động người, phương tiện tập kết trên đường để thực hiện bốc dỡ sắt thép từ sà lan lên bờ.
"Sau nhiều lần phản ánh, tháng 9-2021 cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý và yêu cầu đơn vị trục vớt ra khỏi khu vực chân cầu Mân Quang. Bà con chưa kịp mừng thì lợi dụng gần Tết họ lại tái diễn một cách ngang nhiên, hoạt động rầm rộ. Giữa thanh thiên bạch nhật như thế này mà cơ quan chức năng không biết, không xử lý thì cũng lạ. Họ coi thường pháp luật quá", một người dân sống gần khu vực chân cầu Mân Quang cho biết.
Tại hiện trường, sà lan của đơn vị trục vớt ra vào, neo đậu, bốc dỡ phía hạ lưu sát chân cầu Mân Quang, bên cạnh là tàu thuyền của ngư dân, phía bờ là khu dân cư. Bên trên, xe cẩu tải loại lớn tập trung lên lề đường để chuẩn bị ăn hàng.
Khi nhận được phản ánh của phóng viên, Cty Quản lý cầu đường Đà Nẵng đã cử lực lượng chức năng xuống hiện trường kiểm tra, phối hợp Thanh tra Sở GTVT, Trạm biên phòng Cảng Tiên Sa lập biên bản xử lý và yêu cầu Cty TNHH Trục vớt và xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng lập tức di chuyển sà lan ra khỏi khu vực. Ông Trần Từ Hải - Phó tổng Giám đốc đơn vị này khẳng định việc doanh nghiệp trục vớt cho neo đậu sà lan để tập kết, vận chuyển tại chân cầu Mân Quang là không đảm bảo giới hạn hành lang an toàn đối với cầu cống.
Đơn vị trục vớt huy động xe cẩu tải đến chân cầu để chuẩn bị đưa hàng từ sà lan lên bờ chở đi.
Hỏi vì sao đã bị lập biên bản xử lý, yêu cầu chấm dứt hành vi lập bến thủy tự phát ngay vị trí xung yếu nhưng đơn vị trục vớt vẫn tiếp tục tái diễn mà cơ quan chức năng không biết, ông Trịnh Thế Cường- Giám đốc Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng cho hay, sau đợt xử lý vào tháng 9-2021 đơn vị đã bố trí, hướng dẫn Cty TNHH Trục vớt và xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng làm việc với Cảng Sơn Trà để làm thủ tục neo đậu, bốc dỡ đúng quy định. Tuy nhiên sau đó gặp thời tiết bất lợi, dịch bệnh nên chưa thực hiện được.
"Trước Tết người ta cũng cố làm để lấy tiền trả nợ ngày xưa thành phố phạt. Cả năm vừa rồi họ cũng có làm được gì đâu, vì sóng gió, dịch bệnh các thứ. Cuối năm vừa rồi thời tiết nó ổn định thì chúng tôi mới phối hợp với họ để đôn đốc thực hiện phương án. Để tôi hỏi lại các anh ấy xem", ông Cường nói.
Vào thời điểm tháng 9-2021, khi xử lý hành vi vi phạm này, ông Cường cho biết Cảng vụ hàng hải Đà Nẵng cấp phép cho phía Cty TNHH Trục vớt và xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng được phép trục vớt và chở vào cập cảng Sơn Trà nhưng không hiểu vì sao mà quá trình thực hiện thì Cty này lại cập vào phía chân cầu. Đến khi lực lượng chức năng xuống hiện trường lập biên bản xử lý thì giám đốc của Cty này không có mặt vì đang đi… tiêm vaccine.
Đơn vị trục vớt từng bị phạt nặng vì đổ trộm clinker xuống biển Năm 2020, trong quá trình trục vớt tàu Sao Thủy 09 vận chuyển clinker bị chìm tại vùng biển Bãi Cát Vàng, lẽ ra phải di chuyển clinker trong khoang hàng đi đổ thải theo quy định như phương án đề ra thì Cty TNHH Trục vớt và xây dựng công trình thủy Nguyễn Thanh Hùng yêu cầu nhân viên điều khiển phương tiện đổ toàn bộ số clinker trên (1.990kg) xuống biển nhằm xóa dấu tích. Hành vi này đã bị lực lượng Cảnh sát môi trường - Công an TP Đà Nẵng và các lực lượng chức năng bắt quả tang. Sau đó, Chủ tịch UBND TP đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi "Đổ xuống biển chất thải thông thường của các phương tiện vận tải mà không được xử lý theo quy định" đối với Cty này với số tiền 400 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung nộp vào ngân sách nhà nước số tiền hơn 750 triệu đồng. |
Công Khanh