Vụ Ngân hàng MB Đà Nẵng đòi nợ Cty TNHH Vận tải và Du lịch Hoàng Dũng: Vì sao vẫn giẫm chân tại chỗ?
NỢ SINH NỢ...
(Cadn.com.vn) - Trước đây, Cty TNHH Vận tải và Du lịch Hoàng Dũng (Cty HD) thế chấp 2 sổ đỏ nhà ở và 3 cà-vẹt ô-tô cho Ngân hàng TMCP Quân đội- Chi nhánh Đà Nẵng (MB) để vay 2.900.596.977 đồng.
Ngày 17-6-2010 MB và Cty HD đã có buổi làm việc thống nhất việc cơ cấu nợ; cụ thể: hai bên đã thỏa thuận và Cty cam kết sẽ bán 2 lô đất tại đường Tôn Đức Thắng (Đà Nẵng) để xử lý giảm dư nợ cho MB. Tuy nhiên sau đó, MB từ chối không thực hiện như biên bản thỏa thuận và đã khởi kiện doanh nghiệp ra tòa.
Ngày 21-11-2011, TAND TP Đà Nẵng có Quyết định số 72/2001 QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, xác nhận tổng cộng món nợ của Cty HD tính đến ngày 11-11-2011 là 4.492.224.200 đồng, trong đó tiền gốc 2.900.596.977 đồng; tiền lãi 316.358.813 đồng và tiền phạt chậm trả là 1.275.268.410 đồng.
Trong thời gian từ ngày 15-12-2011 đến 31-12-2011 nếu Cty không trả nợ như cam kết sẽ phát mãi tài sản là nhà ở số 738-Trần Cao Vân (Đà Nẵng) thuộc sở hữu của ông Lân, Giám đốc Cty HD và 1 ô-tô Honda Civic thuộc sở hữu của Cty HD để MB thu hồi nợ.
Ngày 12-12-2011 Cục THADS TP Đà Nẵng (THA) có Quyết định thi hành án chủ động số 64/QĐ-CTHA. Ngày 14-2-2011 thi hành án theo đơn yêu cầu số 96/QĐ-CTHA, quyết định kê biên tài sản theo đúng quyết định của Tòa án là tài sản ngôi nhà số 738-Trần Cao Vân và ô-tô BKS 43S-4211. Tuy nhiên đối với bản án này, đến nay CTHA vẫn chưa thể thi hành.
VÌ SAO CHƯA THỂ THI HÀNH BẢN ÁN?
Bản án và khoản nợ đã được xác định từ năm 2011, nhưng khi tiến hành kê biên tài sản (nhà số 738-Trần Cao Vân), chấp hành viên phát hiện ngôi nhà này là tài sản liên thông nên cho đến nay bản án vẫn còn “bỏ ngỏ”. Vướng mắc là do năm 2005, ngôi nhà số 738-Trần Cao Vân đã tách thành 2 sổ đỏ, diện tích kê biên chỉ có 102m2 nhưng ngày 16-1-2008, MB lại thẩm định tài sản thế chấp ngôi nhà này với diện tích lên đến 209m2, với trị giá 3,4 tỷ đồng.
Trao đổi với P.V Báo Công an Đà Nẵng, ông Hồ Tấn Thanh- Chấp hành viên Cục THA TPĐN cho biết: Khi tiến hành kê biên, phát hiện tình trạng ngôi nhà nói trên liên thông, thực tế diện tích kê biên nhỏ hơn diện tích thẩm định nên không thể thi hành.
Ngày 29-5-2012, Cục THA đã có thông báo và MB cũng đã có công văn gửi cơ quan THA yêu cầu tạm thời không kê biên, phát mãi tài sản để MB và Cty HD tìm hướng xử lý. Vụ việc kéo dài cho đến nay cũng gây nhiều khó khăn cho cơ quan THA.
![]() |
Công văn 278 của CQĐTHS QK 5 về việc xác định Cty HD không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. |
CTY HD LỪA ĐẢO?
Về việc tách thửa đối với căn nhà nói trên, luật sư Trần Văn Hùng- Trưởng Văn phòng luật sư Trần Hùng (TP Đà Nẵng) cho rằng: luật pháp không cấm cha ông Lân tách ra nhiều lần để cho ông Lân, do đó vấn đề tặng cho tài sản này hoàn toàn hợp pháp. Mặt khác, sự giao dịch này là có thật, ngay tình (hai bên rõ ràng đồng thuận) và hợp pháp (ngân hàng đã xem xét các điều kiện cần và đủ hồ sơ theo yêu cầu của ngân hàng về mặt pháp lý để cho vay) nên không thể quy kết cho bên vay lừa đảo được...
Quay lại món nợ và bản án không thể thi hành, trong lúc cơ quan THA tạm thời không kê biên, phát mãi để MB và Cty HD xoay xở thì ngày 5-12-2013, MB có thông báo chuyển nợ của Cty HD cho Công ty xử lý nợ và khai thác tài sản (MB AMC).
Đến ngày 25-3-2014 Cty HD nhận được Quyết định số 17/QĐ/MBĐN về việc thu giữ tài sản đảm bảo do ông Đinh Anh Tuấn- Giám đốc MB Chi nhánh Nam Đà Nẵng ký. Thu giữ 3 xe ô-tô của Cty HD ( trong đó có tài sản đã có quyết định của Tòa án) thế chấp cho ngân hàng và giao cho MB AMC thực hiện thu giữ và quản lý tài sản này .
Ngày 20-8-2014, tại Công văn số 526/CV-MB AMC- CNĐN do ông Nguyễn Thái Dương- Quyền Giám đốc Chi nhánh ký, có nêu “...liên quan đến khoản nợ với MB, Cty HD có dấu hiệu vi phạm đối với tài sản đang thế chấp tại MB, trong đó đơn cử như việc sử dụng tài sản tại lô 6- phân khu 29 khu Hòa Phát là tài sản thế chấp hình thành trong tương lai... để thế chấp cho ngân hàng khác... MB AMC đã có CV đề nghị Cục ĐTHS BQP điều tra làm rõ sự việc...”.
Còn trong Công văn số 97/MB-MBĐN ngày 4-9-2014 do ông Đinh Anh Tuấn- Giám đốc Chi nhánh MB Đà Nẵng ký lại cho rằng lý do để đưa Cty HD qua Cục ĐTHS BQP là liên quan đến diện tích ngôi nhà 738-Trần Cao Vân. Theo công văn “...Việc nhận thế chấp tài sản MB đã tiến hành làm các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật- Công chứng chứng thực, đăng ký Phòng TN&MT Q. Thanh Khê...”(?).
Tại hồ sơ tài liệu thể hiện, Cty HD đã nhận trách nhiệm về việc đưa tài sản (lô 6- phân khu 29) đang thế chấp tại MB để thế chấp tại ngân hàng khác. Cty cũng đã khắc phục bằng cách đồng ý để MB bán tài sản này đảm bảo món vay. Tại các biên bản làm việc của Cục ĐTHS BQP không thể hiện nội dung tài sản mà chỉ nói đến khoản nợ 4,7 tỷ đồng.
Cũng tại CQĐTHS QK5, ông Lân xin được trả nợ MB theo phương án ngày 30-6-2014, Cty trả 2,5 tỷ đồng tiền mặt cho ngân hàng để rút tài sản bán xử lý nợ; 2,2 tỷ đồng còn lại xin trả bằng tín chấp trong thời hạn 5 năm. Và thực tế, ngày 25-4-2014, Cty đã tự nguyện đem tiền đến xin được trả nợ gốc để rút tài sản bán nhưng không bên nào chấp nhận.
Đại tá Phạm Từ Phước- Thủ trưởng CQĐTHS QK5 cho biết: “Về vấn đề phía MB yêu cầu làm rõ dấu hiệu hình sự, sau khi xác minh vụ việc, ngày 7-5-2014, CQĐTHS QK5 đã có Công văn số 287/CV-ĐTHS nêu rõ Cty HD không có dấu hiệu hình sự nên vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan”. Trong lúc mọi vấn đề chưa được giải quyết thấu đáo thì ngày 14-5-2014 MB lại có công văn yêu cầu cơ quan THA tiếp tục thi hành quyết định ngày 11-11-2011 của Tòa án.
Một vấn đề khác đặt ra ở đây đó là cũng từ món nợ này, sau khi có thông báo của CTHA, MB đã làm việc với Cty HD và yêu cầu Cty HD bổ sung tài sản, đủ đảm bảo món vay nói trên. Ngày 30-10-2012, Cty HD đã bổ sung thêm 8 tài sản (6 sổ đất và 2 sổ đỏ nhà) tại TP Hồ Chí Minh theo như yêu cầu của MB và MB cũng đã tiến hành thẩm định tài sản theo đúng quy trình vay để cơ cấu nợ. Tuy nhiên, sự việc kéo dài 1 năm, (30-11-2013) MB trả lời không cơ cấu được và tuyên bố hết trách nhiệm với Cty.
Phương Trang