Vũ Ngọc Giao: Đắng đót trước những phận đời

Thứ bảy, 17/08/2024 09:10

Giọng điệu buồn thương day dứt, lối vào truyện khá lạ: Nhẩn nha tả cảnh, dẫn dụ người đọc đi theo tác giả vào một góc rừng sâu nào đó rồi câu chuyện mới bắt đầu. Ngôn ngữ truyện giàu chất thơ và thật lôi cuốn nhờ sử dụng thủ pháp đồng hiện… Đó chính là phong cách văn xuôi riêng biệt của Vũ Ngọc Giao, một cây bút đầy nội lực, hiện sống và làm việc tại TP Đà Nẵng.

Nhà văn Vũ Ngọc Giao
Những tác phẩm của nhà văn Vũ Ngọc Giao.

Đọc tác phẩm của chị ngay từ quyển đầu tay “Búp bê Matryoshka” (Tản văn - Truyện ngắn), và sau đó là “Dòng chảy” (Hồi ký, chấp bút), tôi đã thích thú với lối viết trữ tình, đắng đót trước những phận đời của Vũ Ngọc Giao. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, tác phẩm của chị liên tiếp được các NXB ấn hành, gồm 3 tập truyện ngắn: “Người đàn bà và chiếc dương cầm”, “Vườn Sơn tra dưới trăng”, “Một vì sao không bao giờ khóc” cùng 2 tiểu thuyết: “Miền trăng tối” và “Bến Mù U”. Điều này cho thấy Vũ Ngọc Giao là ngòi bút đầy nội lực, sáng tác của chị đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.

Tiếp xúc với Vũ Ngọc Giao ngoài đời, người ta dễ nhận ra đó là một người đàn bà kín đáo và tránh xa ồn ào. Với phong thái trẻ trung nhưng bạn đọc vẫn nhìn thấy ở chị niềm khao khát đi và lòng yêu văn chương đến mãnh liệt. Đi và viết, hai trải nghiệm thú vị và hài hòa trong từng trang sách của chị. Mỗi miền đất chị đi qua đều có thể là dấu ấn cho sáng tạo nghệ thuật cất cánh.

Nhà văn Vũ Ngọc Giao

Thời gian trước đây, khi còn là biên tập viên của Tạp chí Non Nước, Vũ Ngọc Giao vẫn dành thời gian cho công việc viết lách. Về sau, chị lui về và dành hầu hết thời gian cho công việc sáng tác của mình. Các tác phẩm của chị lần lượt ra đời. Đáng kể nhất là hai tiểu thuyết trong thời gian gần đây. Mỗi tác phẩm của Vũ Ngọc Giao là một đứa con tinh thần chị đã thai nghén từ rất lâu và kết đúc từ những trải nghiệm, những chuyến đi cùng quá trình đọc và học hỏi không ngừng. Đọc từng trang sách của chị từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, bạn đọc nhận ra sự kỹ lưỡng chăm chút từ lời đối thoại, độc thoại nội tâm, đến cách miêu tả bối cảnh trước khi cho nhân vật xuất hiện. Với cách hành văn nhẹ nhàng, giọng điệu sâu lắng và ngôn ngữ đậm chất Quảng, Vũ Ngọc Giao đã từng bước chinh phục bạn đọc.

Do dung lượng có hạn, ở bài viết này, người viết xin tập trung đề cập mảng truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao. Ở mảng này, Vũ Ngọc Giao viết chắc tay, giọng văn đằm thắm da diết; mỗi câu chuyện có dung lượng vừa phải, từ 10 đến 14 trang sách. Chỉ chừng đó, chị đã chuyển tải được những thông điệp sâu lắng đến bạn đọc. Không ít truyện để lại trong lòng độc giả một nỗi trở trăn, một tiếng thở dài và cả những giọt nước mắt… Người đọc đã gấp sách lại nhưng những câu chuyện chị kể vẫn cứ ngân rung không dứt như những bản tình ca ngọt ngào nhưng cũng đầy khắc khoải.

Đọc và rung cảm cùng 36 truyện ngắn trong 2 tập sách “Người đàn bà và chiếc dương cầm” (2023), “Vườn Sơn tra dưới trăng” (2024), bạn đọc nhận ra sáng tác của Vũ Ngọc Giao thường đề cập đến 2 đề tài chính: những câu chuyện tình yêu và những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh.

Những câu chuyện tình yêu trong truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng nhưng đọng lại những dư vị đắng cay. Ta đã từng gặp nỗi ám ảnh về chuyện tình trái ngang ở người đàn bà miền núi qua truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân…; nỗi trở trăn vì tình ở người phụ nữ thị thành trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Di Li, Phạm Thị Ngọc Liên, Quế Hương… Riêng truyện ngắn về tình yêu, Vũ Ngọc Giao luôn để lại những lát cắt hiện thực đời sống ở nông thôn xứ Quảng bên những triền đồi, dòng sông, hay cánh rừng êm ả. Rất ít khi bạn đọc nhìn thấy nhân vật của chị giữa xô bồ, đua chen của đời sống thị thành. Không gian ấy thấm đẫm chất thơ, tắm trong ánh sáng huyền hoặc của ánh trăng hoặc ngân rung trong thanh âm trong vắt của tiếng suối chảy, tiếng sáo trúc.

Brooke Randolph từng nhận định: “Trẻ em không có gia đình là những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Trong tác phẩm của Vũ Ngọc Giao, đặc biệt trong tập truyện ngắn mới nhất “Một vì sao không bao giờ khóc”, không hiếm những hình ảnh trẻ em nghèo khổ, côi cút, dị tật cả về thể xác lẫn tâm hồn xuất hiện. Bạn đọc thổn thức cùng Lủng, Lá, Cỏ, Dứt, Mẩy, Đẩu… Dù số phận không mỉm cười nhưng tâm hồn của những đứa trẻ bất hạnh ấy vẫn sáng trong, luôn khao khát một cuộc sống như những đứa trẻ bình thường. Nếu không có một trái tim nhân ái và đầy trắc ẩn, không có một tâm hồn dạt dào yêu thương với tha nhân, với cuộc đời, Vũ Ngọc Giao làm sao có thể viết nên những câu chuyện giàu chất nhân văn đến vậy!

Ở mảng tiểu thuyết, 2 tác phẩm “Miền trăng tối” và “Bến Mù U” với dung lượng vừa phải, Vũ Ngọc Giao đã dẫn dắt độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác…

Từng trang viết của Vũ Ngọc Giao gần gũi với bạn đọc bởi chất đời, tình yêu con người và niềm đam mê văn chương đến mãnh liệt. Những bối cảnh, chi tiết luôn được chị chọn lọc từ cuộc sống đời thường. Tài hoa của ngòi bút Vũ Ngọc Giao là ở nghệ thuật tạo tình huống và sự sắp xếp tình tiết hợp lý và chặt chẽ. “Nếu tình huống truyện tạo ra bước ngoặt của tác phẩm thì chi tiết nghệ thuật lại là cái bánh lái bẻ nên đường cua tuyệt diệu ấy” (Lê-ô-nốp - Lê-ô-nit). Kết cấu mở ở truyện của Vũ Ngọc Giao luôn gieo vào lòng người đọc niềm tin và tình yêu thương của những phận người nhỏ bé giữa cuộc sống còn đầy rẫy những thách thức và nghịch cảnh.

Nguyễn Thủy