Vụ tai nạn làm 42 người thương vong tại công trường Formosa Hà Tĩnh: 4 nguyên nhân chính gây sập giàn giáo

Thứ bảy, 01/08/2015 09:57

(Cadn.com.vn) - Khoảng 20 giờ ngày 25-3-2015, trong lúc đổ bê-tông đúc giếng chìm cho Dự án cầu cảng Sơn Dương tại công trường Formosa, một giàn giáo ở độ cao khoảng 18m bất ngờ đổ sập xuống, khiến 13 người chết, 29 người bị thương. Vụ việc gây chấn động dư luận với nhiều câu hỏi lớn liên quan đến an toàn lao động.

Căn cứ kết quả xác minh, các hồ sơ, tài liệu thu thập, kết quả trưng cầu giám định sự cố do Viện Khoa học công nghệ xây dựng- Bộ Xây dựng và Công ty cổ phần kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng thực hiện, Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Hà Tĩnh vừa có báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Xây dựng và các ban, ngành liên quan về kết quả điều tra vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa vào tối 25-3-2015. Theo đó, 4 nguyên nhân gây ra sự cố sập giàn giáo được nêu ra là: nguyên nhân khởi nguồn sự cố, nguyên nhân thuộc về kết cấu, nguyên nhân vận hành, nguyên nhân thuộc về thiết bị.

Về nguyên nhân khởi nguồn sự cố là do tuột phanh, tuột kích. Khi một cụm kích trượt xuống và vượt 30-35mm thì lực nén tác dụng lên cột ray lân cận sẽ tăng dần và lớn hơn sức chịu tải cho phép của cụm kích là 425kN (sức chịu tải của kích) dẫn tới cụm kích này bị tuột phanh, tuột kích và trượt dần xuống. Sau đó là sự bắt đầu mất ổn định của thanh cột ray, gây rung lắc cho giàn giáo.

Hiện trường vụ sập giàn giáo khiến 13 người chết, 29 người bị thương.

Nguyên nhân thuộc về kết cấu là: kết cấu của giàn giáo được thiết kế với độ an toàn thấp, đòi hỏi phải phải vận hành chính xác nếu không nguy cơ mất ổn định thanh cột ray rất cao. Căn cứ tài liệu tính toán thiết kế được cung cấp thì trong tính toán, thiết kế chưa xét đến sự mất ổn định ngoài mặt phẳng khung của hệ thanh cột ray nâng hạ kịch. Vì thế, mặc dù hệ cột ray hoàn toàn đảm bảo khả năng chịu lực trong mặt phẳng khung nhưng lại mất an toàn ngoài mặt phẳng khung cột. Hơn nữa, với tác động của khí hậu khắc nghiệt ở miền Trung, độ an toàn này thực tế còn thấp hơn do sự ăn mòn kết cấu thép, cho nên khi gặp trục trặc hay các vấn đề vận hành vượt quá giới hạn cho phép thì hệ giàn giáo bị sụp đổ.

Đối với việc vận hành, đoàn chỉ ra vấn đề tại thời điểm trước khi giàn giáo sập, sai lệch cao độ các kích (do tuột phanh, tuột kích) lớn hơn giới hạn cho phép theo quy định của nhà sản xuất là 3 mm. Giàn giáo không có hệ thống cảnh báo sớm về nguy hiểm khi vận hành và chưa có quy trình xử lý sự cố. Sai lệch cao độ kích được phát hiện không kịp thời do không sử dụng hệ thống cảnh báo tự động khi sai lệch cao độ đến giới hạn...

Nguyên nhân cuối cùng được đưa ra là do bề mặt của một số má phanh bị rỉ sét vì không được bảo dưỡng. Qua thử nghiệm cho thấy, một số má phanh bị tụt khi gia tải tới 420 kN, một số cụm không đủ khả năng chịu tải theo thiết kế, độ tin cậy không cao. Nhà sản xuất chưa xem xét đến yếu tố thời tiết khắc nghiệt của miền Trung để đưa ra quy trình bảo dưỡng nghiêm ngặt phù hợp.

X.S