Vụ “thụt két” tại Đại học Bách Khoa Đà Nẵng: Số tiền bị nữ thủ quỹ “hô biến” lên tới 136 tỷ đồng

Thứ bảy, 04/03/2023 07:12
Như Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng đã thông tin trong số báo trước, về việc Lâm Thị Hồng Tâm - Thủ quỹ trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, bị một phụ nữ giấu mặt giới thiệu và kết nối “làm ăn” với một người tên Hùng để rồi dính “quả lừa”, buộc phải “thụt két” của trường. Tuy nhiên, qua điều tra,  cơ quan Công an TP Đà Nẵng xác định, tất cả “màn kịch” hợp tác làm ăn nói trên đều do Phạm Thị Huỳnh Như (1987, trú P. Hòa Xuân, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) dựng lên để lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng từ Lâm Thị Hồng Tâm. Ngày 3-3, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Đà Nẵng cho biết, đã khởi tố bị can, bắt tạm  giam Phạm Thị Huỳnh Như (1987, trú P. Hòa Xuân) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đến thăm, tặng hoa và gửi thư cảm ơn tập thể Phòng Cảnh sát kinh tế.
Đối tượng Phạm Thị Huỳnh Như tại CQĐT.

“Nữ quái” giở chiêu “thao túng tâm lý”

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, trước đây Phạm Thị Huỳnh Như làm dịch vụ môi giới bất động sản và nhân viên Spa. Đầu năm 2021, trong một lần gặp mặt, Như biết Lâm Thị Hồng Tâm là thủ quỹ của Đại học Bách khoa và nắm giữ số tiền lớn nên Như mới nảy sinh ý định lừa đảo. Để thực hiện ý đồ này, Như mua sim rác, lập tài khoản Zalo lấy tên và hình đại diện là L.T.Hùng (người quen của Như) và một số tài khoản Zalo khác. Tiếp đó, Như mạo danh Hùng thăm hỏi, rủ rê Tâm góp vốn làm ăn. Như cố ý chỉ nhắn tin trao đổi công việc qua Zalo chứ không gọi điện, không gặp nhau trực tiếp. Tuy vậy, với “mồi nhử” là lợi nhuận 100 triệu đồng từ việc góp vốn mua bán lô gỗ đầu tiên, Như đã khiến Tâm “sập bẫy”.

Sau đó, đối tượng tiếp tục sử dụng “chiêu thức” khá phổ biến của các đối tượng lừa đảo qua mạng, bịa ra chuyện Hùng thắng bạc tương đương 90 tỷ đồng ở Malaysia để dẫn dắt, dụ dỗ nhằm bòn sạch tiền của Lâm Thị Hồng Tâm. Kết quả điều tra cho thấy, Tâm đã chuyển tổng cộng hơn 65 tỷ đồng trong số tiền bòn rút từ tài khoản của Đại học Bách khoa Đà Nẵng chuyển đến 2 tài khoản mang tên N.K.D tại Agribank và Techcombank và một số tài khoản khác. Số tiền này tiếp tục chuyển qua nhiều tài khoản trung gian và cuối cùng được chuyển về tài khoản của Phạm Thị Huỳnh Như. Số tiền chiếm đoạt được từ Lâm Thị Hồng Tâm, Như đã sử dụng để mua nhiều lô đất, mua ô tô sang để đi lại và tiêu xài cá nhân.

Cũng qua điều tra, Cơ quan Công an xác định người đàn ông tên L.T.Hùng, người quen của Như. Ông Hùng có làm ăn tại Lào nhưng không nhắn tin Zalo rủ Tâm hùn hạp tiền để buôn gỗ. Còn N.K.D là cháu của Như, được Như mượn nhờ tài khoản với lý do để thực hiện giao dịch làm ăn với các đối tác. Cả hai đều không biết và không tham gia thực hiện hành vi lừa đảo với Như.

Nhiều bất động sản liên quan đến vụ án đã bị kê biên, phong tỏa.
CQĐT cũng kê biên 2 chiếc ô-tô hiệu Mercedes và Peugeot của Phạm Thị Huỳnh Như.

Nữ thủ quỹ “thụt két” lên đến 136 tỷ đồng

Thiếu tá Nguyễn Kim Trung, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng, ngoài số tiền bòn rút từ tài khoản của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (thuộc Đại học Đà Nẵng) với chiêu thức đưa séc ngân hàng để cựu hiệu trưởng Đoàn Quang Vinh ký khống, Lâm Thị Hồng Tâm còn trực tiếp thu tiền học phí của sinh viên nhưng không nộp vào quỹ tiền mặt của trường, hoặc đề nghị sinh viên chuyển tiền học phí vào tài khoản ngân hàng của Tâm để chiếm dụng… Thống kê mới nhất cho thấy, số tiền bị tham ô, thất thoát, chiếm đoạt tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng được phát hiện đến nay đã lên đến trên 136 tỷ đồng, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn ông Đoàn Quang Vinh làm Hiệu trưởng.

Việc bị tham ô số tiền lớn trong một thời gian dài khiến ngân quỹ của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trống rỗng. Nhiều cán bộ, giảng viên bị nợ lương. Nhiều sinh viên ra trường gần 1 năm vẫn chưa nhận được học bổng. Ngay sau khi Công an Đà Nẵng vào cuộc điều tra, Đại học Đà Nẵng đã hỗ trợ trường Đại học Bách khoa giải quyết trả lương dứt điểm cho cán bộ, viên chức bị nợ lương; giải quyết xong toàn bộ học bổng cho sinh viên cùng các chế độ liên quan khác cho cán bộ viên chức và sinh viên kịp thời. Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục đấu tranh, làm rõ trách nhiệm của nhiều cá nhân liên quan đến vụ việc.

Đại tá Nguyễn Văn Tăng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Đà Nẵng cho biết, song song với quá trình điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can liên quan vụ tham ô nói trên, lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế tập trung xác minh, thu hồi tài sản, ngăn chặn đối tượng tẩu tán. Đến nay, Cơ quan chức năng đã phong tỏa giao dịch, kê biên số tài sản trị giá trên 25 tỷ đồng từ Phạm Thị Huỳnh Như và nhiều bất động sản, vàng, sổ tiết kiệm, tiền trong tài khoản ngân hàng trị giá hàng chục tỷ đồng từ các bị can khác. Tổng số tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ lên đến khoảng 100 tỷ đồng.

Công Hạnh

Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đến thăm, tặng hoa và gửi thư cảm ơn tập thể Phòng Cảnh sát kinh tế.

Ngày 3-3, Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đến thăm, tặng hoa và gửi thư cảm ơn tập thể Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng về việc đã nhanh chóng khám phá vụ án tham ô tài sản xảy ra tại trường và khẩn trương thu hồi tài sản bị thiệt hại. Trong thư cảm ơn của Ban Giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng có đoạn: “Thời gian qua, một số cá nhân phụ trách lĩnh vực tài chính của Nhà trường đã có hành vi vi phạm về tài chính nghiêm trọng, gây tổn hại và để lại những hậu quả xấu, làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của Nhà trường… Trong thời gian rất ngắn, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của đồng chí Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng và Phòng Cảnh sát kinh tế đã nhanh chóng xác minh, điều tra và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân liên quan, góp phần hạn chế hậu quả và tổn thất gây ra cho Nhà trường... Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến đồng chí Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng, đặc biệt là lãnh đạo, CBCS Phòng Cảnh sát Kinh tế”.

P.V