Vụ triệt phá đường dây làm văn bằng đại học, chứng chỉ giả: Nhiều cán bộ Nhà nước mua chứng chỉ giả để “phù phép” hồ sơ

Thứ năm, 21/05/2020 10:00

Liên quan đến đường dây tổ chức sản xuất bằng đại học, cao đẳng và chứng chỉ giả vừa bị CA tỉnh TT-Huế bóc gỡ, ngày 20-5, Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế cho biết, cơ quan điều tra phát hiện, có tình trạng cán bộ đặt mua chứng chỉ giả để đối phó với đơn vị đang công tác.

Công an đọc lệnh bắt khẩn cấp 4 đối tượng trong đường dây sản xuất văn bằng giả.

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, qua công tác nghiệp vụ, Phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế nhận thấy một trang web thường xuyên quảng cáo dịch vụ làm bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn giả. Cụ thể, trang web này đăng số điện thoại 0908002896, địa chỉ thư điện tử: xuanthanh1141@gmail.com và tài khoản mạng xã hội zalo tên “Thiên” để khách hàng có nhu cầu liên hệ làm bằng, chứng chỉ giả. Để đấu tranh, triệt phá ổ nhóm tội phạm này, Phòng CSHS CA TT-Huế đã xác lập Chuyên án 420B. Tối 5-5, Phòng CSHS đã tổ chức đồng loạt bắt giữ 4 đối tượng: Tạ Chí Hoàng (1992), Ngụy Minh Tá (1995, đều trú TP Hồ Chí Minh); Nguyễn Hồng Quân (trú Q. Ba Đình, Hà Nội) và Trần Xuân Lai (1992, trú H. Phú Vang, TT-Huế). Cả 4 đối tượng này đều thuê nhà trọ tại số 6- Tùng Thiện Vương (TP Huế, TT-Huế) để ở và làm nơi sản xuất bằng giả. Khám xét phòng trọ của các đối tượng, CA thu giữ 1.500 phôi, bằng cấp, các loại giấy chứng nhận, chứng chỉ; 200 con dấu của các Trường Đại học, Cao đẳng, Sở Giáo dục Đào tạo; Ủy ban nhân dân các cấp. Ngoài ra, CA cũng đã phát hiện có 199 đơn đặt hàng các loại bằng cấp, chứng chỉ đã hoàn thành và giao cho khách hàng.

Theo cơ quan điều tra, qua đấu tranh, Tạ Chí Hoàng thừa nhận, đối tượng này đã chỉ đạo Ngụy Minh Tá và Nguyễn Hồng Quân trực tiếp thiết kế, soạn thảo và in trên phôi bằng giả để Tá ký giả các chữ ký; còn Hoàng sử dụng con dấu giả để đóng với sự giúp sức của Trần Xuân Lai. Chỉ trong 6 ngày (từ ngày 30-4 đến ngày 5-5), các đối tượng đã thực hiện hoàn thành 199 tài liệu của cơ quan, tổ chức tương đương với 199 bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ giả. Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính chỉ trong chưa đầy 1 tuần là trên 300 triệu đồng.

Qua mở rộng điều tra và thu thập các chứng cứ, cơ quan CA nhận định, ngoài 199 bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ giả mà các đối tượng thực hiện thành công thì trước đó một lượng lớn văn bằng, chứng chỉ giả cũng được chúng thực hiện trót lọt. Các bằng đại học, cao đẳng mà các đối tượng sản xuất làm giả rơi vào nhiều trường học khắp toàn quốc. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các trường đại học, cao đẳng của các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội...

Trong số hàng trăm văn bằng giả mà các đối tượng thực hiện thành công, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng được tiếp cận vào ngày 20-5, có nhiều bằng giả nếu nhìn vào rất khó phân biệt giả thật. Theo Đại úy Lưu Thanh Tùng - Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài (Phòng CSHS), nếu nhìn bằng mắt thường thì người xem khó phát hiện đây là bằng giả, bởi các đối tượng đã thực hiện rất tinh vi, tỉ mỉ từ số hiệu, số vào văn bằng cấp sổ, logo, chữ ký giả đều được các đối tượng thực hiện rất chuyên nghiệp.

Chỉ 6 ngày, nhóm đối tượng đã sản xuất hoàn thành 199 bằng đại học, cao đẳng, chứng chỉ giả.

Theo Đại úy Tùng, hầu hết các đối tượng đặt mua bằng, chứng chỉ giả là những người có nhu cầu đi xin việc làm, phía đơn vị tuyển dụng yêu cầu văn bằng, chứng chỉ nhưng không có nên các đối tượng đã đặt mua bằng giả. Đây là hành vi sai trái và rất đáng lên án. Nhưng một điều đáng báo động nữa là ngoài một số lượng lớn bằng đại học, cao đẳng được làm giả thì một số lượng lớn như bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc các chứng chỉ: ngoại ngữ, tin học ứng dụng, chứng chỉ quốc phòng... cũng được các đối tượng giao dịch thành công.

Lần theo dấu vết, cơ quan CA phát hiện, các “khách hàng” đặt làm giả các loại chứng chỉ này ở rất nhiều lứa tuổi, trong đó có nhiều người ở tuổi từ 30- 50. Bước đầu xác minh và qua lời khai của các đối tượng cho thấy, đã có tình trạng nhiều cán bộ đang công tác tại các cơ quan Nhà nước ở một số tỉnh, thành phố đặt “hàng” của đường dây sản xuất bằng, chứng chỉ giả này.

“Một số đối tượng biết là mình đang thiếu bằng hoặc chứng chỉ nhưng do lâu nay, một số cơ quan, ban ngành, đoàn thể không kiểm tra nên các đối tượng cũng xem như không có chuyện gì. Nay, khi cơ quan yêu cầu kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ hoặc cũng có tình trạng, lên chức nên phải có bổ sung gấp thì thay vì phải đi học, các đối tượng đã nhanh chóng lên mạng tìm các trang web để đặt mua bằng giả cho nhanh”, một cán bộ điều tra cho biết.

Cũng theo các cán bộ điều tra, có trường hợp cán bộ đặt mua chứng chỉ giả bị phát hiện đã ngụy biện rằng, trước đây, không hề nghĩ đến việc mua chứng chỉ giả để đối phó nhưng do các đối tượng làm văn bằng, chứng chỉ giả khẳng định rằng: Làm giả mà giống thật 100% nên họ đã nghe theo. Ngoài ra, với suy nghĩ, mỗi chứng chỉ giả chỉ có giá 1,5 triệu đồng và nếu đi học thì mất thời gian, một số người lo sợ thi không đậu nên đã bất chấp mua chứng chỉ giả.

“Tất cả các loại bằng cấp, chứng chỉ giả đều không có giá trị và sớm muộn gì cũng bị cơ quan, đơn vị, ngành chức năng phát hiện, xử lý. Vì vậy, những ai còn thiếu bằng cấp, chứng chỉ hãy chịu khó đi học để bổ sung, đừng vì muốn nhanh mà đặt hàng với các đối tượng để làm các loại văn bằng giả. Tất cả mọi người đều phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, Đại tá Phạm Văn Toàn- Trưởng phòng CSHS CA tỉnh khuyến cáo.

Hiện, Phòng CSHS đang tiếp tục phối hợp với các phòng nghiệp vụ của CA TT-Huế, phối hợp với nhiều trường đại học và một số đơn vị liên quan để tiếp tục thẩm định, làm rõ những văn bằng, chứng chỉ giả.

HẢI LAN