Vụ vỡ đập Z20 ở Hương Khê (Hà Tĩnh): Nguy cơ vỡ đập đã được dự báo trước?!

Thứ bảy, 13/06/2009 00:00

Lũ quét giữa... mùa khô

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi có mặt tại đập thủy lợi Z20 nằm trên địa bàn xã Hương Trạch thuộc H. Hương Khê (Hà Tĩnh) sau 3 ngày kể từ ngày xảy ra vụ vỡ đập, phá trắng hoàn toàn diện tích tưới tiêu và làm trôi một chiếc cầu đường sắt,  gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng...

Khoảng 3 giờ 30 ngày 6-5, hàng trăm hộ dân bản Lòi Sim và các xóm Bắc Lĩnh, Kim Sơn, Phú Lễ, xã Hương Trạch (Hương Khê) đang ngon giấc bỗng giật mình hoảng loạn bởi một tiếng nổ long trời lở đất, tiếp đó là tiếng nước chảy ào ào. Liên tưởng đến trận lũ quét kinh hoàng xảy ra vào tháng 8-2007, mọi người vội dắt díu nhau chạy lên mặt đường Hồ Chí Minh để thoát khỏi dòng nước hung dữ. Mặc dù đang giữa mùa đại hạn nhưng áp lực của nguồn nước trong lòng hồ vẫn tạo ra một sức công phá khủng khiếp, cuốn trôi hàng trăm nghìn mét khối đất đá, ào ào tống xuống cửa đập, san lấp toàn bộ hệ thống kênh mương đầu mối, phá hỏng hoàn toàn một chiếc cầu đường sắt Bắc -Nam và chiếc cầu đường bộ bắc qua tuyến đường 15A nằm ở hướng Đông cách cửa đập gần 1km. Sự cố bất thường này làm một chiếc tàu hàng 19 toa kéo trọng lượng 801,5 tấn do anh Nguyễn Phi Hùng điều khiển chạy từ ga Sóng Thần ra ga Hà Nội bị tai nạn kẹt lại ngay giữa cầu gây ách tắc giao thông đường sắt trong 40 giờ...

Tai họa đã được dự báo trước?!

Công trình hồ chứa nước đập Z20 được khởi công từ tháng 10-2006 đến tháng 7-2008 hoàn thành, có tổng mức đầu tư 2,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình 134, do UBND H. Hương Khê làm chủ đầu tư. Công trình do Cty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh làm tư vấn thiết kế và Cty cổ phần Xây dựng Thái Bình Dương (Hà Tĩnh) chịu trách nhiệm thi công, có nhiệm vụ đảm bảo nước tưới ổn định cho hơn 30ha đất canh tác và cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ dân thuộc 3 xóm 2, 3 và 4 của xã Hương Trạch. Quy mô công trình gồm: Hồ chứa nước có dung tích 101.200m3 nước; đập chính dài 162m, cao trình 32,3m, chiều rộng đỉnh đập 5m, mái thượng lưu được bảo vệ bằng tấm bê-tông cốt thép, mái hạ lưu trồng cỏ bảo vệ; đập phụ có các thông số tương tự đập chính, có độ dài 65m; tràn xả lũ (dạng tràn tự do) bố trí vai phải đập phụ, có chiều rộng 11,2m; cống lấy nước dưới đập dài 45m, bố trí vai trái đập chính, thuộc dạng cống tròn bằng bê-tông đúc sẵn, đường kính 0,6m, có cửa van điều tiết thượng lưu; kênh chính dài 382,1m kết cấu bằng bê-tông...

Hiện trường vụ vỡ đập Z20. 

Ngay sau khi xảy ra sự cố vỡ đập, phía nhà thầu đã làm tờ trình xin khắc phục nhưng không được chấp nhận. Cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã bắt tay tiến hành điều tra nguyên nhân vỡ đập. Tuy nhiên, dư luận ở Hà Tĩnh cho rằng: Đập Z20 bị bị vỡ ngay trong thời gian bảo hành là do sự bất cẩn  từ khâu thiết kế. Chính đơn vị khảo sát thiết kế của  Cty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh đã kết luận trong hồ sơ là phần thân đập nằm trong tầng địa chất “đất phiến sét xen lẫn bột kết màu xám ghi, xám xanh, vàng nâu, phong hóa mạnh, nứt nẻ vỡ vụn”. Thế nhưng không hiểu do “sơ suất” hay “cố tình” mà chính công ty này đã bỏ qua nội dung “cốt tử của hạng mục bền vững công trình” khi thuyết trình dự án. Trong quá trình thi công, đơn vị Tư vấn giám sát là Cty cổ phần Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh lại không thực hiện đúng chức trách của mình nên hậu quả vỡ đập là... đương nhiên!

Ông Trần Thanh Duyên, người được giao quản lý công trình cho biết: Tháng 8-2008 ông phát hiện thấy tấm nắp bê-tông trên miệng đầu mối kênh dẫn bị bật ra đã báo cho bên thi công biết. Sau đó nhà thầu đã kịp thời cho công nhân đến xử lý. Từ đó tới nay công trình vẫn đi vào hoạt động bình thường nhưng hơn ai hết ông hiểu rất rõ là xử lý nơi này sẽ bị hỏng chỗ khác vì núi Lòi Thờ, nơi kết nối với thân đập là ngọn núi có vỉa than bùn, vào mùa mưa đất rất mềm, còn mùa nắng thì khô cứng nhưng dễ vỡ vụn. Như dự đoán, khi mực nước trong lòng hồ mới chỉ nằm dưới ngưỡng tràn với sức chứa chưa đầy 100 ngàn m3 nhưng sức ép của nó đủ để làm sạt lở cả ngọn núi Lòi Thờ, làm cho đoạn thân đập tiếp giáp với ngọn núi bị sạt lở theo làm trôi toàn bộ phần cửa cống chính. Thông tin này cũng được ông Nguyễn Thế Phương, xóm trưởng xóm Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch thừa nhận: “Ngay sau mùa mưa lũ năm 2008, chúng tôi thấy phần phía sau cống dẫn nước của đập có hiện tượng nước chảy ra nhiều. Xóm đã có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng. Sau đó đơn vị thi công có về kiểm tra và khắc phục nhưng nước vẫn tiếp tục chảy”.

Những thiệt hại không chỉ tính bằng tiền

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trần Xuân T. (ở xóm Kim Sơn, xã Hương Trạch) lo lắng: “Từ ngày có đập Z20, tất cả người dân địa phương đều sử dụng nguồn nước ở đây tưới cho đồng ruộng và sinh hoạt. Bây giờ không biết mần chi để có cái ăn đây?”. Còn ông Nguyễn Văn H. (ở xóm Bắc Lĩnh) thì tỏ ra bế tắc: “Không làm nông nghiệp được thì chúng tôi lại phải vào rừng săn bắn và khai thác lâm sản để kiếm sống nếu không muốn phải bỏ làng đi nơi khác”... Người dân địa phương đang phải gánh chịu những khó khăn từ “trên trời rơi xuống” sau sự cố vỡ đập-một công trình từng nhen lên ước mơ được no ấm của hơn 400 hộ dân của 4 thôn bản vùng hưởng lợi dự án nhờ bỏ nghề tiều phu sang thâm canh lúa nước trên diện tích tưới tiêu hơn 70ha đã tan thành mây khói!

Hà Nguyên Minh