Vụ Watergate - Âm mưu đảo chính Tổng thống Nixon của CIA?

Thứ năm, 21/04/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Vụ bê bối Watergate (1972-1974) đã khiến Tổng thống Richard Nixon phải ngậm ngùi từ chức. Dư luận Mỹ cho rằng, Tổng thống phải trả giá vì những hành động sai trái của mình. Nhưng, cũng có nguồn tin cho rằng, ông chủ Nhà Trắng lúc đó đã bị Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) “chơi khăm”.

“Trò bẩn” của Nixon

Vụ Watergate “ra đời” vào đêm 17-6-1972 tại văn phòng của đảng Dân chủ ở Khách sạn Watergate khi 5 “tên trộm” đột nhập văn phòng này bị bắt giữ. Điều lạ là mục đích của 5 tên trộm này chẳng phải tiền bạc hay của cải vật chất gì quý giá. Họ muốn cài thiết bị nghe trộm và ăn cắp thông tin tinh vi. 

5 “tên trộm” đột nhập đêm đó là các nhân vật thân cận của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông gồm: James McCord – Trưởng bộ phận an ninh Nhà Trắng, Frank Sturgis, Barker, Eugenio Martinez và Virgilio Gonzales. Người ta cũng tìm thấy trong sổ địa chỉ của 2 trong số 5 tên trộm có ghi dòng chữ “E. Howard Hunt”. Đây chính là đầu mối quan trọng dẫn dắt các điều tra viên lần ra những kẻ giấu mặt giật dây. Howard Hunt, từng là nhân viên tình báo, ông ta làm cố vấn cho Tổng thống Nixon suốt từ năm 1969-1972. Hunt cũng chính là người vạch kế hoạch và chỉ huy 5 “tên trộm” trên. Từ ông này, đường dây đứng sau việc này, bao gồm những nhân vật cao cấp nhất trong Nhà Trắng từ cựu Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell, Chánh văn phòng Nhà Trắng Halderman, Phụ tá đặc biệt của Tổng thống John Ehrlichman, Trợ lý Tổng thống John Dean, Thư ký Ủy ban Tái cử của Tổng thống Gordon Liddy và cả Tổng thống đương nhiệm Nixon đều bị phanh phui.

Cục ĐIềU tra liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc và lần ra manh mối của chiến dịch do thám trên thực hiện theo lệnh của Tổng thống Nixon. Tuy nhiên, các kết quả điều tra của FBI đã bị ỉm đi dưới những âm mưu che đậy của Nhà Trắng cho tới khi hai nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post công bố về “những trò bẩn thỉu” của Nixon lên mặt báo dưới tiêu đề “All the President’s Men”. Vụ bê bối Watergate bùng nổ trong bối cảnh Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam và chính quyền Nixon bị cáo buộc lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là đảng Dân chủ. Nixon bị lên án. Quốc hội Mỹ lập ủy ban điều tra. Trước nguy cơ bị quốc hội phế truất, ngày  9-8-1974, Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức.

Tổng thống Nixon tuyên bố từ chức tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty Images 

Watergate hay CIA-gate

Khi bị tra hỏi, “tên trộm” James McCord còn khai rằng: anh ta làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Trong vụ bê bối này, rõ ràng “kiến trúc sư” Hunt đã có quá nhiều sai lầm. Tổng thống Nixon, trong cuốn “Hồi ức” thậm chí cho rằng, Hunt có thể là một điệp viên hai mang.

3 ngày sau khi bị phát hiện, Tổng thống Nixon cho gọi Chánh văn phòng Nhà Trắng Haldeman yêu cầu ông ta “đến nói với Ehrlichman về nhóm người Cuba có liên quan đến sự kiện Vịnh CON Lợn, Ehrlichman sẽ biết tôi muốn nói gì”. 6 ngày sau, Nixon nói chuyện với Haldeman. Khi cuộn băng ghi âm lại cuộc nói chuyện này được đưa ra 2 năm sau đó, nó đã trở thành bằng chứng quan trọng buộc tội Tổng thống Nixon có liên quan đến vụ Watergate. Mặc dù cho đến nay, các cuộn băng này đều không cho thấy việc Nixon biết trước về vụ đột nhập, song chúng cho thấy ông có biết về những hoạt động phạm pháp khác của những người dưới quyền. Nixon có lẽ vẫn giữ được ghế tổng thống, nếu các cuốn băng bị phá hủy.

Bộ trưởng Tài chính John B.Connally từng đề xuất đốt chúng. Nhưng luật sư Leonard Garment khuyên Nixon rằng các cuốn băng không thể bị phá hủy theo đúng luật. Ngoài ra, Nixon cũng luôn nghĩ rằng, ông sẽ không bao giờ phải nộp các cuốn băng. Trong cuốn “Hồi ức”, Nixon viết rằng việc phá hủy các cuốn băng sẽ tạo ra ấn tượng phạm tội và chúng là “sự đảm bảo tốt nhất của tôi” chống lại một cố vấn bất trung là John Dean, người đã tiết lộ về Watergate với các nhà điều tra. Trong cuộn băng, Nixon hỏi Haldeman với vẻ bối rối. “Ai đã ra lệnh, ai đã ngu ngốc như vậy”. Sau đó, Nixon hướng dẫn người trợ lý nói với Richard Helms - Giám đốc CIA lúc bấy giờ - “Tổng thống tin rằng, việc này (đột nhập văn phòng đảng Dân chủ) sẽ mở ra bí ẩn toàn bộ sự kiện Vịnh Con Lợn một lần nữa. Và vì tính chất của vụ việc, chúng ta không nên đi sâu hơn vào vấn đề này nữa”.

Sau đó, Đại diện Cty Mullen ở Washington, Robert Bennett, đã gặp nhân viên CIA Martin Lukoskie. Lukoskie có trong tay cuộn băng ghi âm nhạy cảm mà trong đó nói rằng, chính Bennett đã chỉ đạo các phóng viên tại Washington Post và Star điều tra những thông tin cho rằng, vụ Watergate là một cuộc đảo chính của CIA chống lại Tổng thống Nixon. Bennett sau đó thừa nhận đã cung cấp những thông tin cho phóng viên Bob Woodward của Washington Post. Tháng 1-1973, 7 người bị thẩm vấn đầu tiên bao gồm: Howard Hunt, Gordon Liddy và 5 kẻ đột nhập. Người chủ trì xét xử là Thẩm phán John J. Sirica, Chánh án Tòa án quận Columbia. Nhưng bỏ qua mọi dư luận, Nixon và những người phụ tá của ông ta một mực phủ nhận mọi sự liên quan của chính phủ với những kẻ bị bắt tại khách sạn Watergate, rằng không có một ai trong chính phủ liên quan đến vụ bê bối.

Từ lá thư của bị cáo James W. McCord, một trong 5 kẻ đột nhập, mọi tội ác của chính quyền Nixon dần lộ diện. Bức thư McCord nêu rõ việc Nhà Trắng đã nhắc nhở họ bằng mọi cách giấu giếm, che đậy sự liên quan của chính phủ tới vụ việc. McCord cũng cho hay, cả 7 bị cáo phải chịu một sức ép rất nặng nề từ phía Nhà Trắng, phải nhận lỗi về mình và không được nói gì. Theo McCord, những người làm chứng tại phiên tòa đã nói dối trong suốt quá trình xét xử. Và việc đột nhập này để tìm hiểu vụ ám sát cố Tổng thống JFK cũng chỉ là nói dối. Ngày 30-4-1973, Nixon thừa nhận trách nhiệm song không từ chức. Nhưng thật không may cho Nixon, cuộc điều tra được chuyển sang Thượng Nghị viện. Archibald Cox - công tố viên đặc biệt trong vụ Watergate - sau đó bị sa thải. Luật sư có tiếng ở Houston Leon Jaworski được chỉ định thay thế.

Hậu Watergate

Để tránh bị luận tội, đúng 11 giờ 35 ngày 9-8-1974, Tổng thống Nixon ngậm ngùi tuyên bố từ chức, chấm dứt sự nghiệp chính trị đầy biến cố của mình. Người kế nhiệm Gerald Ford đã bổ nhiệm David Belin làm giám đốc điều hành Ủy ban Rockefeller - chuyên điều tra, rà soát các hoạt động bất hợp pháp của CIA trong nước. Hơn 10 năm sau, một số nguồn tin điều tra cho rằng, những người tham gia vụ Watergate cũng có liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy. Những năm sau, “những viên ngọc” của CIA Rosselli, Artime, Giancana, Jimmy Hoffa, George de Mohrenschidt qua đời, đem tất cả những bí mật vụ ám sát cố Tổng thống Kennedy xuống mồ. “Tên trộm” chủ chốt McCord cũng được ra tù, chuyển đến sống ở Colorado và từ chối bất kỳ một yêu cầu phỏng vấn nào. Còn “kiến trúc sư” của Watergate Howard Hunt qua đời vào tháng 1-2007 ở tuổi 88.

Trúc Linh