Vua Hàm Nghi - Vị vua yêu nước, người nghệ sĩ tài hoa

Thứ hai, 11/11/2024 09:20

Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 vua Hàm Nghi vừa có chuyến từ Pháp trở lại Quảng Trị trong một sự kiện đặc biệt diễn ra mới đây tại Khu Di tích quốc gia Thành Tân Sở (xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Đó là sự kiện ra mắt sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" và khai trương không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về vua Hàm Nghi, phong trào Cần Vương do huyện Cam Lộ phối hợp Sở Thông tin -Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị tổ chức. Tại chương trình ý nghĩa này, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ đã tiếp nhận một số hiện vật của vua Hàm Nghi do hậu duệ vua Hàm Nghi trao tặng gồm: một ống điếu hút thuốc bằng gỗ khảm xà cừ, bát và đũa ăn cơm, ống đựng tăm.

Không gian trưng bày hiện vật tư liệu về vua Hàm Nghi tại Đền thờ Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương thuộc Khu Di tích quốc gia Thành Tân Sở.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ tiếp nhận hiện vật của vua Hàm Nghi do Tiến sĩ Amandine Dabat (thứ 3 từ phải sang) cùng các hậu duệ vua Hàm Nghi trao tặng.

Đây là sự kiện quan trọng nhằm tri ân vị Vua yêu nước, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở; hướng đến kỷ niệm 140 năm ngày vua Hàm Nghi ban "Dụ Cần Vương" (13-7-1885 - 13-7-2025). Cuốn sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" được giới thiệu trong không khí xúc động đó.

Cuốn sách là công trình nỗ lực của Tiến sĩ Amandine Dabat, không chỉ là công trình khoa học mà còn là một hành trình đầy cảm xúc, cung cấp nhiều tư liệu mới, làm sáng tỏ cuộc đời và tâm hồn của vị vua yêu nước. Trong đó khắc họa về một nhà họa sĩ, nhà điêu khắc tài hoa, một khía cạnh ít biến đến về vua Hàm Nghi (1871-1944), vị hoàng đế thứ 8 của triều Nguyễn.

Bà Amandine Dabat là chắt gái của công chúa Như Lý, con của vua Hàm Nghi. Bà đã lựa chọn tìm hiểu về tổ tiên của mình để làm luận văn tiến sĩ. Cuốn sách dày hơn 500 trang, trong đó có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ… đã dựng lại một phần lịch sử và tâm hồn của đức vua Hàm Nghi. Dù phải chịu đựng cuộc sống lưu vong ở xứ người từ khi còn rất trẻ, ông đã biết cách vượt qua khó khăn và thăng hoa trong vai trò của một họa sĩ, một nhà điêu khắc và một người sáng tạo đích thực. Qua đó, chân dung vua Hàm Nghi đã được khắc họa rõ nét hơn, cũng như giúp nhìn nhận vị trí của ông trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.

Dưới ngòi bút của Tiến sĩ Amandine Dabat, đã hiện lên một hình ảnh vị vua yêu nước, người cha thương con và một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật. Khi cầm trên tay cuốn sách, chúng ta không chỉ đọc về cuộc đời vị hoàng đế lưu vong mà còn cảm nhận về sự hòa quyện tuyệt vời giữa sức mạnh văn hóa và tinh thần dân tộc. Lật giở từng trang giới thiệu về tác phẩm hội họa của Hàm Nghi, ông đã truyền tải sự cô đơn khi phải rời xa quê nhà. Các bức tranh ít khi xuất hiện con người, đơn thuần là các bức tranh về phong cảnh. Đặc biệt, khi xem tranh phong cảnh, khó phân biệt được đó là ở Pháp, Alger hay Việt Nam. Đó là cách mà hoàng đế muốn gửi gắm nỗi đau và niềm nhớ quê hương và đó cũng là cách ông chọn để vượt qua nghịch cảnh. Hàm Nghi sáng tác quanh năm, ông đặc biệt ưu ái mùa xuân và mùa đông, lúc tiết trời Alger ôn hòa nhất, nghĩa là cũng thuận lợi nhất để vẽ ngoài trời. Trong khoảng từ năm 1895 đến 1903, Hàm Nghi đã vẽ nhiều tác phẩm. Tác phẩm đầu tiên được lưu giữ của Hàm Nghi là một bức chân dung tự họa (vẽ năm 1896), còn bức tranh sơn dầu trên toan đầu tiên được lưu giữ đề năm 1899. Chỉ trong mấy năm, vua Hàm Nghi đã vẽ hơn 40 bức sơn dầu trên toan. Trong đó nhiều bức được ông nêu rõ chủ đề: bức chân dung (gương mặt kỵ binh quân đội Pháp ở Châu Phi, lính zouave), tĩnh vật và phong cảnh.

Với tài thiên bẩm, Hàm Nghi còn là một nhà điêu khắc, mang đậm tính cá nhân. Hàm Nghi bắt đầu nghiên cứu môn nghệ thuật này, sớm nhất cũng từ năm 1895. Ông thực hiện nhiều loại hình điêu khắc (như phù điêu huy chương, tượng bán thân, tượng nhỏ), lúc nào cũng với sự nhạy cảm cao độ, thứ cho phép ông nắm bắt được khoảnh khắc và cảm xúc. Người mẫu của Hàm Nghi gồm bản thân ông, các con ông, họ hàng, cha vợ, bạn bè và gia nhân người Việt. Có 14 tác phẩm điêu khắc do Hàm Nghi thực hiện trong giai đoạn 1915 -1930 còn được lưu giữ. Tác phẩm lâu đời nhất mà chúng ta có được là khuôn đúc bàn tay phải của Hàm Nghi bằng thạch cao, thực hiện tháng 7-1915. Tiếp đến là 2 bức mề day đất nung, thể hiện góc nghiêng của con gái thứ 2 và con trai ông, được thực hiện lần lượt vào tháng 8-1915 và năm 1916. Có 6 tượng bán thân nam nữ cùng 5 tượng nữ được thực hiện trong giai đoạn 1920-1930 vẫn được lưu giữ.

Không gian trưng bày hiện vật tư liệu về vua Hàm Nghi tại Đền thờ Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương thuộc Khu Di tích quốc gia Thành Tân Sở.

Với đam mê và tình yêu nghệ thuật sâu sắc, Hàm Nghi có 3 cuộc triển lãm được biết đến vào các năm 1904,1909 và 1926. Trong đó, năm 1926, Hàm Nghi bày 58 tác phẩm trong cuộc triển lãm trưng bày toàn bộ sự nghiệp của ông, diễn ra tại phòng tranh Mantelet - Colette Weil (Paris) từ ngày 15 đến 27-11. Qua thư từ Hàm Nghi trao đổi với các con, biết được ông bắt đầu chuẩn bị cho cuộc triển lãm từ tháng 7. Tuy nhiên, ông định trưng bày tác phẩm điêu khắc nhưng lại thành ra trưng bày tranh. Tác phẩm trưng bày gồm 38 bức sơn dầu, 12 màu phấn và 8 tượng điêu khắc. Các tác phẩm được trưng bày ra đời trong khoảng thời gian 1904 - 1926, nhiều trong đó vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Hàm Nghi không chỉ dừng lại ở việc thực hành mỹ thuật. Ngoài hội họa, điêu khắc, ông còn làm mộc và đan lát. May mắn còn nhiều sản phẩm được lưu giữ. Đó là 3 cái giường, 1 cái tủ gỗ, ghế bành, bàn tròn… Các món đồ được Hàm Nghi làm tại nhà, được lắp ráp với độ chính xác cực cao, đặc trưng xen kẽ các yếu tố mang phong cách pháp, Moorish và Hán - Việt.

Với cuốn sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger", Tiến sĩ Amandine Dabat đã mang đến cho các sử gia mỹ thuật một cơ hội hiếm hoi để khám phá một cuộc đời đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam hiện đại; cung cấp một góc nhìn khác cho lịch sử mỹ thuật mà sách báo chính thống về lịch sử mỹ thuật hay các bảo tàng của Việt Nam từng đề cập. Và với những tư liệu đầy đặn do cuốn sách này cung cấp, rõ ràng lịch sử mỹ thuật Việt Nam cần được viết bổ sung thêm, viết mới thêm về họa sĩ, nhà điêu khắc tài hoa Hàm Nghi.

Bảo Hà