Vừa ra đời đã gặp khó
Dự án Hạ tầng Khu sản xuất và Kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam, (gọi tắt là Khu Hạ tầng) được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tại xã Bình Nam, huyện Thăng Bình với kinh phí hơn 39 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi hoàn thành, dự án đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và trụ sở dự án bỏ hoang nhiều năm qua.
Cận cảnh
Qua tìm hiểu được biết, năm 2009, Bộ Nông nghiệp và PTNT chuyển giao chủ đầu tư dự án cho UBND tỉnh Quảng Nam. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt lại Dự án đầu tư công trình Hạ tầng Khu sản xuất và kiểm định giống tập trung Quảng Nam, giao Sở NN&PTNT tỉnh làm chủ đầu tư. Mục tiêu dự án nhằm xây dựng khu sản xuất giống thủy sản tập trung, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, đạt tiêu chuẩn về môi trường và các tiêu chuẩn hiện hành do Nhà nước quy định. Quy mô xây dựng khoảng 200 trại sản xuất giống. Tổng công suất 2,5 - 3 tỷ con giống sạch bệnh, đạt chất lượng tốt/năm. Kết hợp với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh tạo thành điểm du lịch nghề nghiệp, tự nhiên, sinh thái liên hoàn.
Diện tích đất giải phóng mặt bằng 207.662,45 m2; tổng diện tích xây dựng 193.627,47 m2, trong đó diện tích đất xây dựng trại giống 143.972 m2; diện tích khuôn viên hàng rào 169.250,00 m2; công trình kiến trúc 234,16 m2; công trình giao thông 8.815,50 m2; hạ tầng kỹ thuật (hộp kỹ thuật, bể chứa và xử lý nước thải 1.232,20 m2; đất xây dựng trại giống 143.972,00 m2; đất xây dựng cây xanh, sân bãi 14,996,14 m2. Tổng mức đầu tư hơn 39 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước…
Tiếp nhận thông tin từ phản ánh của người dân, đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã đến Khu Hạ tầng để tìm hiểu. Qua quan sát cho thấy, trên danh nghĩa là Dự án Hạ tầng Khu sản xuất và Kiểm định giống thủy sản tập trung Quảng Nam, thế nhưng tại đây chỉ có ngôi nhà hai tầng đang trong giai đoạn xuống cấp. Được biết đây là khu nhà hành chính nằm trong khuôn viên sân vườn với diện tích 736,562 m². Mục đích của khu nhà hành chính để phục vụ bố trí bộ máy nhân sự quản lý, kiểm dịch con giống. Đến tháng 7-2015, các gói thầu đã thi công xong và được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam nghiệm thu hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên từ 2016 đến nay, do quy định không còn thực hiện kiểm dịch giống thủy sản nội tỉnh, do vậy không có cán bộ thường xuyên tại khu sản xuất giống nên khu nhà hành chính không được sử dụng, khai thác. Từ năm 2017 đến nay, Chi cục Thủy sản không được bố trí nguồn kinh phí thuê bảo vệ, duy tu, bảo trì nên qua các đợt mưa, la-phông thạch cao, cửa hư hỏng, nền bị bong tróc, hỏng; các thiết bị điện bị kẻ xấu tháo gỡ lấy đi; máy biến áp tại Trạm biến áp T1 đã bị hư hỏng từ năm 2021 nên đường dây hạ thế từ Trạm biến áp T1 đến các nhà đầu tư đến nay vẫn không hoạt động… Hiện tại một số công nhân của Công ty TNHH MTV thủy sản Long Thịnh Hưng tận dụng nơi này để làm việc, sinh hoạt.
Giải pháp xử lý
Được biết, từ khi đưa dự án đưa vào sử dụng đến nay, khu vực này thu hút 3 nhà đầu tư, gồm: Công ty TNHH MTV thủy sản Long Thịnh Hưng, Công ty cổ phần Giống thủy sản Kim Hoàng và Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ. Đến nay, các doanh nghiệp này đã triển khai dự án đầu tư vào Khu Hạ tầng, với diện tích 129.355/143.972 m2 đất quy hoạch cơ sở sản xuất giống.
Dù được nhiều ưu đã khi đầu tư vào đây, thế nhưng những công ty này hoạt động không hiệu quả. Cụ thể, theo Quyết định số 143/QĐ-CT ngày 4-1-2019 của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, Công ty Cổ phần giống thủy sản Kim Hoàng được miễn tiền thuê đất, số tiền được miễn gần 4 tỷ đồng. Công ty đã nộp số tiền ký quỹ hơn 2,2 tỷ đồng theo cam kết. Tuy nhiên, công ty này chưa thực hiện nộp tiền thuê hạ tầng. Trong 9 tháng đầu năm 2024, công ty này doanh thu khoảng 7 tỷ, lỗ gần 8 tỷ đồng do không bù đắp đảm bảo khoản chi phí khấu hao tài sản, chi phí vận hành, lãi vay ngân hàng,...
Đối với Công ty TNHH Đầu tư thủy sản công nghệ cao Nam Mỹ Quảng Nam, công ty này chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên dự án chưa được vận hành, hoàn thiện thủ tục môi trường để được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nghiệm thu hoàn thành xây dựng công trình đi vào hoạt động chính thức. Đến nay công ty chưa thực hiện nộp tiền thuê hạ tầng.
Riêng Công ty TNHH MTV thủy sản Long Thịnh Hưng, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định giao các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định, do dự án chậm tiến độ, công ty không đủ khả năng tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thành dự án như đã cam kết. Đến ngày 1-4-2024, thời hạn được gia hạn sử dụng đất 24 tháng của dự án đã hết. Hiện nay, Sở TN&MT đang nghiên cứu, xem xét, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Lý giải về việc các công ty chưa nộp tiền thuê hạ tầng, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, qua rà soát thì chưa có quy định làm cơ sở xây dựng phương án giá để có nguồn thu từ tiền thuê hạ tầng nhằm phục vụ cho việc tu bổ, sửa chữa lại các hạng mục hạ tầng và các nguồn thu tiện ích khác theo nhu cầu của nhà đầu tư, nên Chi cục Thủy sản (đơn vị được giao quản lý) chưa lập đề án khai thác tài sản trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai vận hành, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Nam, theo Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30-6-2016 của Bộ NN&PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản không còn quy định về kiểm dịch nội tỉnh, số lượng giống kiểm dịch ngoại tỉnh ít, nên từ khi tiếp nhận quản lý đến nay, cơ quan quản lý không sử dụng khu nhà hành chính để bố trí bộ máy nhân sự túc trực kiểm tra con giống trước khi xuất bán. Do không sử dụng và không có nguồn thu từ khai thác khu hạ tầng nên Chi cục Thủy sản chưa thể đề xuất được nguồn kinh phí để thực hiện công tác duy trì, bảo vệ, bảo dưỡng thường xuyên theo quy định…
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, theo quy định chức năng, Chi cục Thủy sản chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về giống thủy sản nên không có nhu cầu tiếp tục sử dụng tài sản khu hạ tầng; việc tiếp tục giao Chi cục Thủy sản quản lý, vận hành, khai thác Khu Hạ tầng hiện nay không hiệu quả.
"Để việc quản lý và sử dụng tài sản được đảm bảo, đúng mục đích và không gây ra lãng phí, Sở đề xuất phương án giao Khu Hạ tầng cho huyện Thăng Bình bố trí lại cho xã Bình Nam, hoặc các đơn vị trên địa bàn huyện đang cần trụ sở làm việc... Đối với các công trình điện gồm 2 trạm biến áp 560 KVA, đường dây trung thế bàn giao cho Điện lực Thăng Bình quản lý, sử dụng; đồng thời không tiếp tục duy trì hoạt động khu xử lý nước thải chung, các doanh nghiệp tự xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất đạt chuẩn theo quy định trước khi xả thải ra môi trường"- lãnh đạo Sở NN&PTNT đề xuất.
TRẦN TÂN