Vừa về nhà lại tiếp tục sơ tán!
Ông Bùi Trung Khánh, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cho biết: Sáng 17-10, các lực lượng chức năng phường đã phối hợp với công an phường, Công an quận cùng lực lượng cảnh sát cơ động sơ tán hơn 1.000 người ở khu vực “rốn lụt” tuyến Mẹ Suốt. Chủ yếu người dân được sơ tán tại chỗ (nhà thấp sang nhà cao), ngoài gần 30 người sơ tán tập trung tại trụ sở của phường.
Theo ông Khánh, các tổ 31,32,68, 29, 30,70, 50, 35 có mực nước ngập 30-50cm; riêng các tổ 27, 36, 37, 42, 47 ngập sâu khoảng 1 mét. Hiện tại lãnh đạo quận cùng với phường cũng xuống địa bàn thăm hỏi người dân, hỗ trợ nhu yếu phẩm trong lúc chờ theo dõi thời tiết những ngày tiếp theo.
Nhiều người dân sống ở khu vực Mẹ Suốt cho biết, khoảng 4 giờ sáng 17-10, mưa trút nước trắng trời. Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau đó thì tràn vào nhà, có nơi ngập sâu 50cm đến 1m. Anh Lê Hoàng Quân, trú tại kiệt 127 Mẹ Suốt cho hay, vừa sơ tán về, dọn dẹp xong nhà cửa trận lụt vừa qua hôm 16-10 thì ngày 17 lụt tiếp tục ập tới, trở tay không kịp. Lần này, gia đình anh cố gắng bám trụ lại căn gác xếp, bởi thức ăn đã chủ động được. “Mong rằng trận lụt qua mau để bà con còn đi làm kiếm ăn, khổ quá rồi” – anh Quân thều thào. Còn gia đình chị Lê Thị Huyền, do nước ngập quá sâu nên đành phải sơ tán đi nương tựa nhà hàng xóm gần đó theo động viên của lãnh đạo phường, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra nếu thời tiết còn phức tạp.
Theo ông Khánh, trận lụt trước, phường sơ tán tới trên dưới 4.000 dân. Nhưng đợt mưa này, chủ yếu sắp xếp cho người dân sơ tán tại chỗ. Với tinh thần tương thân tương ái, những nhà cao ráo hỗ trợ người gặp hoạn nạn khi nước ngập sâu rất đáng trân quý.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư quận ủy Liên Chiểu cho hay, trận lụt này ngoài tâm điểm Mẹ Suốt ở Hòa Khánh Nam, các địa phương khác không ngập sâu nhiều, xong tại những kiệt hẽm như đường Hoàng Văn Thái; tổ 130 phường Hòa Minh; K317 đường Âu Cơ (Hòa Khánh Bắc)... cũng bị ngập cục bộ khoảng trên dưới 50cm, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân di chuyển đến những nơi cao hơn lân cận nhằm tránh những sự cố đáng tiếc. Quận cũng kêu gọi các phường tập trung xuống dân, hỗ trợ bà con nhất là các hộ thiếu thốn nhu yếu phẩm.
Câu chuyện “rốn lụt” của các địa phương tại Liên Chiểu đã tồn tại dai dẳng nhiều năm. Cứ mùa mưa là bà con gánh chịu khốn khổ trăm bề. Bí thư quận ủy Nguyễn Hà Bắc cho biết, trong chiều 17-10, quận đã tổ chức đoàn kiểm tra đi thị sát tình hình, tìm những nguyên nhân gây lụt để từ đó có phương án giúp nhân dân. Một trong những nguyên nhân chính gây lụt là dòng kênh chảy qua các địa bàn. Kênh dài, dòng chảy cũng quá dài, tới 10km. Cụ thể, dòng kênh chạy theo đường Phạm Thị Lam Anh, qua Hoàng Văn Thái xuống Đà Sơn, đi qua Cầu Bà Xí rồi nhập vào Cầu Đa Cô (Tôn Đức Thắng – khu vực nhà máy Coca Cola rồi mới ra Hồ Điều Tiết sau Bệnh viện Ung bướu. Trong khi đó, kênh đoạn tới đường Thanh Nghị sát Hồ Điều Tiết thì kênh to và cầu dạng cống hộp, cản nước, khẩu độ nhỏ nên cản dòng.
Theo ông Bắc, toàn bộ các cầu kênh đều thế. Do thông thủy thấp, nên bùn rác đọng lại các trụ cống hộp. Sau trận mưa sáng 16-10, các ngành chức năng quận đã cùng Bộ đội giúp vớt rác đọng trên tuyến kênh. Đây chính là hiếm khuyết lớn cản dòng nước. Ngày 17-10, các lực lượng chức năng đã liên tục phải cào bèo, rác tại các gầm cầu cho nước lưu thông. Đồng thời, cào dọn cây cối 2 bên kênh để giải quyết tình thế trước mắt. Cùng với đó, phối hợp Công ty thoát nước xử lý các bất cập những đoạn kênh chưa hợp lý (nút cổ chai), nạo vét lòng kênh.
“Về lâu dài, để cứu những vùng “rốn lụt” tại Liên Chiểu, quận sẽ đề xuất cấp trên thay lại các cống hộp (cầu) bằng dầm cầu để thông thoáng, không cản trở nước và rác. Đồng thời nâng cầu lên một độ vòm cao hợp lý, bởi khuyết điểm cầu hộp hiện tại đã thấy rõ. Cùng với đó, đề xuất mở thẳng hệ thống cống hộp dưới lòng đường (đoạn Phùng Hưng nối kênh ra thẳng biển Nguyễn Tất Thành), vì hiện nay đường kênh dẫn nước quá dài, đi vòng qua kênh Phú Lộc mới ra biển, tới hơn 10km. Khi mưa lớn không đảm bảo tải dòng. Chính vì nước thượng nguồn từ núi Thanh Vinh, Phước Lý xuống, nên khu vực như Mẹ Suốt thành cái phễu, trút nước xuống gây lụt. Đối với hướng nước từ Núi Thanh Vinh (phía tây đường Âu Cơ) thì phải có hệ thống cống cực lớn, song song với đường số 4 KCN ra Kênh thoát nước và vệt cây xanh cách ly đi qua Ecocham và Golden Hill và một đường dọc Vành đai Tây 2 đi thẳng ra sông Cu Đê. Có như vậy mới giải quyết được câu chuyện rốn lụt tại các khu dân cư tại Liên Chiểu, ổn định cuộc sống bà con” – Bí thư quận ủy Nguyễn Hà Bắc nói.
Công Hạnh
Hơn 800 suất ăn hỗ trợ nhân dân vùng ngập lụt Trong các ngày từ 14 đến 17-10, Đồn Biên phòng Phú Lộc (BĐBP thành phố Đà Nẵng) phối hợp với Hội Liên Hiệp phụ nữ phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) tổ chức nấu và trao hỗ trợ hơn 800 suất ăn cho người dân vùng tâm lụt Khe Cạn. Trong đó, UBND phường Thanh Khê Tây và các hội đoàn thể đã hỗ trợ người dân 10 thùng mì tôm, 170 suất cháo, 100 suất bánh ngọt, 300 suất cơm, bánh canh; Đồn Biên phòng Phú Lộc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Thanh Khê Tây trao 250 suất ăn gồm cháo, cơm, lương khô, nước uống đóng chai. Thiếu tá Lê Minh Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phú Lộc cho biết, theo dự báo, những ngày tới Đà Nẵng vẫn có mưa to, khả năng nhiều nơi sẽ bị ngập cục bộ. Đồn Biên phòng Phú Lộc tiếp tục trực 100% quân số, sẵn sàng nhận lệnh của cấp trên đồng thời chủ động phối hợp với địa phương triển khai các phương án phòng, chống lụt bão và hỗ trợ người dân về mọi mặt. Công Hạnh |