Vùng Cùa - tự hào quê hương đồng khởi

Thứ tư, 03/07/2024 10:10

Cùa, là tên gọi chung của 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ, Quảng Trị), thiên nhiên ưu đãi đất đai phì nhiêu, khí hậu đặc trưng mát lành khác nắng gió khắc nghiệt. Nơi đây, có “kinh đô kháng chiến” với thành Tân Sở, là địa chỉ ghi dấu những sự kiện quan trọng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp của dân tộc ta.

Chợ Cùa, điểm giao thương của nhiều vùng ngoài thung lũng khi nơi đây có nhiều đặc sản nổi tiếng.
Vùng Cùa đang náo nức với kỷ niệm 60 năm ngày đồng khởi.

Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cùa 1 lần nữa được chọn khởi điểm của cuộc “Đồng khởi” nông thôn, đồng bằng tỉnh Quảng Trị. Kỷ niệm 60 năm ngày đồng khởi Cùa 5-7 (1964-2024), người dân xứ thung lũng này nói riêng, cả Quảng Trị đang ôn lại truyền thống hào hùng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và tri ân chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho hòa bình đất nước.

Tất thắng ở Cùa, phá thế kìm kẹp

Ở tỉnh Quảng Trị, sau năm 1960, Mỹ - Diệm coi việc lập ấp chiến lược là “quốc sách” và là “xương sống” của chiến lược “ Chiến tranh đặc biệt”, là nơi tập trung lực lượng chính trị, quân sự mạnh của địch nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự chi viện của miền Bắc XHCN vào miền Nam. Nhận thấy được vị trí chiến lược về quân sự của vùng Cùa, đế quốc Mỹ và tay sai đã xây dựng đồn bốt, lập ấp chiến lược, tạo thành lá chắn phía tây của trục đường số 9 huyết mạch. Chúng ra sức dồn dân lập ấp, xây dựng khu tập trung nhằm kiểm soát, khống chế nghiêm ngặt quần chúng, nhằm thủ tiêu tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.

Chợ Cùa, điểm giao thương của nhiều vùng ngoài thung lũng khi nơi đây có nhiều đặc sản nổi tiếng.

Trong bối cảnh này, ngày 21-4-1964, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị mở rộng tại Ro Ró (huyện Hướng Hóa) và quyết định phát động phong trào đồng khởi nông thôn, đồng bằng, bắt đầu từ tháng 7-1964 đến 1-1965 với quyết tâm “… mở rộng cao trào khởi nghĩa phá ấp chiến lược, phá thế kìm kẹp của địch, giành lại toàn bộ nông thôn, mở rộng căn cứ địa ở miền núi…”. Và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã chọn vùng Cùa là nơi khởi điểm của cuộc “Đồng khởi”, vì cơ sở của ta ở đây còn mạnh, sẽ có khả năng thu hút địch, tạo điều kiện cho vùng giáp ranh và khắp các vùng đồng bằng, nông thôn vùng lên. Ngày 4-7-1964, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành “Mật lệnh” phát động quần chúng phá chế kìm kẹp của địch, giành lại nông thôn, đồng bằng bắt đầu vào ngày 5-7-1964. Đêm ngày 4 rạng sáng 5-7, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Bổ, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, đội công tác xã được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương đã huy động quần chúng các thôn Mai Lộc, Mai Đàn (xã Cam Chính) tự trang bị các loại vũ khí thô sơ, tự tạo, đi lùng bắt bọn tề, vệ ác ôn, phá kìm giành quyền làm chủ. Bị đánh bất ngờ, địch tháo chạy tán loạn, một số bị bắt sống. Phong trào đồng khởi lan nhanh ra khắp vùng Cùa và thu được thắng lợi.

Ngày 9-7-1964, địch phản kích rất mạnh. Dù lực lượng vũ trang, chính trị ta ít, trang bị súng đạn chưa đủ, song với tinh thần chiến đấu ngoan cường và được sự hỗ trợ giúp đỡ đắc lực của quần chúng nhân dân nên sau 1 ngày chiến đấu, quân và dân vùng Cùa đã đánh bật được quân địch với khoảng 500 tên, có cả máy bay và cơ giới yểm trợ ra khỏi thôn Thượng Nghĩa (xã Cam Nghĩa), bảo vệ được quyền làm chủ nhân dân. Chính quyền cách mạng tự quản của thôn và xã được thành lập. Sau đợt đồng khởi mở đầu tại Cùa, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Cam Lộ, các đội công tác ở các xã Cam Thanh, Cam Giang, Cam Thủy… đã luồn sâu vào các thôn, ấp ở vùng đồng bằng phát động quần chúng để diệt ác ôn, phá ách kìm kẹp của địch. Kết quả phong trào đồng khởi trong toàn tỉnh từ 5-7-1964 đến tháng 11-1964, ta đã phá thế kìm kẹp của địch ở 236 ấp chiến lược. Vùng giải phóng được mở rộng từ miền núi Hướng Hóa đến vùng đồng bằng Triệu – Hải, Gio – Cam, chiếm khoảng 4/5 đất đai toàn tỉnh với gần 13 vạn dân. Phong trào đồng khởi đã giáng 1 đòn nặng nề vào chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, là mũi đột phá, mở đầu cho cao trào cách mạng mới, chuyển từ thế phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giành thắng lợi. Tạo thế và lực để sau đó ta tiếp tục đập tan “Chiến tranh cục bộ” , “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị trong tháng 4 và tháng 5-1972, cùng với quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối.

Tự hào quê hương cách mạng

Nhớ lại không khí sôi sục của 60 năm trước, cao niên, lão thành cách mạng tại xã Cam Nghĩa, Cam Chính vẫn còn rõ ký ức những ngày đồng khởi. Những vắt cơm gói trọn nghĩa tình, quyết tâm chiến thắng của bà con vùng Cùa được nhà nhà chuẩn bị, vượt nguy hiểm để tiếp tế cho bộ đội… Và truyền thống cách mạng anh dũng, kiên cường đó như mạch ngầm chảy mãi, đưa vùng Cùa từng ngày vươn lên mạnh mẽ trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương.

Lên Cùa hôm nay là đắm trong sự xanh tươi, đẹp đẽ của vùng bạt ngàn cao su, là nức tiếng đặc sản hồ tiêu, chè, gà Cùa, đặc biệt cao dược liệu đã vươn ra thị trường nhiều nơi. Bí thư Huyện ủy Cam Lộ Đỗ Văn Bình chia sẻ đầy phấn khởi khi vùng Cùa đã trở mình phát triển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đặc biệt đã tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi giá trị kinh tế cao…Thu nhập bình quân đầu người ở 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa ước đạt 61 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,25%. Cả hai xã đều đã được UBND tỉnh công nhận đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2022 và đang phấn đấu đạt kiểu mẫu năm 2025. Những thành tựu này đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH huyện Cam Lộ. Qua đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 12%, đời sống nhân dân được cải thiệt, an sinh xã hội đảm bảo, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh luôn được giữ vững.

Được biết, nhân dịp kỷ niệm, vào tối 3-7, chương trình chính luận nghệ thuật “Vùng Cùa – Tự hào quê hương đồng khởi” do huyện Cam Lộ phối hợp với các đơn vị tổ chức diễn ra ngay tại Khu Di tích quốc gia thành Tân Sở. Chương trình hòa sóng nhiều đài PTTH trong cả nước.

Bảo Hà