Vừng ơi, mở cửa ra…

Thứ ba, 27/08/2024 11:00

Trong nhộn nhịp của giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới và các giải giao hữu các cấp độ, tin tiền đạo người Brazil Rafaelson Bezerra Fernandes đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng trên hành trình nhập quốc tịch Việt Nam ánh lên như tia chớp, thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Câu hỏi cũng lập tức đặt ra, liệu Nguyễn Xuân Son - tên Việt của Rafaelson - có cơ hội được gọi vào đội tuyển quốc gia Việt Nam hay không?

Rafaelson - Nguyễn Xuân Son - khao khát khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Rafaelson - Nguyễn Xuân Son - khao khát khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam.

Câu chuyện cầu thủ nhập tịch chẳng mới với bóng đá thế giới. Tại Việt Nam, sân cỏ đã in dấu chân cầu thủ mang tên họ kép Việt- Âu, Việt- Mỹ đã hơn 1 thập kỷ trước. Có thể kể đến như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La (Mykola Oleksandrovych), Đinh Hoàng Max (Maxwell Eyerakpo), Hoàng Vũ Samson, Huỳnh Kelsly, Đỗ Merlo, Kizito Trần Trung Hiếu…

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max cũng từng được HLV Henrique Calisto gọi tập trung đội tuyển quốc gia. Nhưng, rồi quyết đoán và cá tính như HLV Calisto cũng chỉ cho những cái tên nhập tịch này đá giao hữu. Chỉ có thế.

Lật lại vấn đề, không cần giới thạo tin, người hâm mộ bóng đá bình thường cũng biết ấy chủ yếu là do “quan điểm” đội tuyển Việt Nam phải do cầu thủ Việt Nam tham gia. Sau này, VFF có “mở cửa” hơn, nhưng cũng chỉ là cầu thủ có gốc gác Việt, ít nhất là mang 50% dòng máu Việt trong huyết quản. Cụ thể là trường hợp Đặng Văn Lâm hay Filipp Nguyễn.

Vì thế, câu chuyện Rafaelson hay Nguyễn Xuân Son xuất hiện, chủ đề cầu thủ nhập tịch một lần nữa lại nóng lên thành diễn đàn. Ấy là, cơ hội có đến với Son không, hay đội tuyển vẫn khép như các trường hợp trước đây?

Câu chuyện nóng lên vì đâu?. Có thể, đấy là từ những thành công của bóng đá nam Indonesia gần đây từ việc “Hà Lan hóa” hay bóng đá nữ Philippines “Phi kiều hóa”. Tất nhiên, có nhiều lời bàn ra tán vào về con đường mà bóng đá Indonesia và Philippines đã đi. Nhưng, có một thực tế không thể phủ nhận rằng xu hướng “quốc tế hóa” đội tuyển khiến nền bóng đá của 2 quốc gia này trở thành thế lực mới ở Đông Nam Á. Dĩ nhiên, có thành công cũng có thất bại. Không phải đội tuyển nào áp dụng chính sách nhập tịch rầm rộ cũng thành công, trong đó có Singapore và đội tuyển nam Philippines.

Vì vậy, một cái tên “Nguyễn Xuân Son” xuất hiện trong danh sách đội tuyển quốc gia Việt Nam chưa dám chắc đã mang đến sự đột phá. Bởi một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Nhưng, cũng không thể nói nó không mang lại sự khởi sắc nào đó, ít nhất cũng tạo ra tiền đề. Rafaelson, với 2 mùa giải liên tục giành danh hiệu “Vua phá lưới”, trong đó đặc biệt lập kỷ lục về số bàn thắng ở V.League, chắc chắn không thể là lựa chọn tồi ở hàng công một đội tuyển.

Có thêm một cầu thủ giỏi như Rafaelson, đội tuyển sẽ có thêm sức công phá và cơ hội thành công cũng đến nhiều hơn và đấy là điều hâm mộ khắc cốt ghi tâm nhất. Và hơn thế nữa, thành công của đội tuyển sẽ góp phần thúc đẩy đời sống bóng đá Việt thêm phong phú và hấp dẫn hơn.

Tạo cơ hội cho cầu thủ nhập tịch ở đội tuyển quốc gia không hẳn là “giành đất” hay làm thui chột cầu thủ Việt trong màu áo tuyển. Nên nhìn ở mặt tích cực với hướng tăng tính cạnh tranh, tương trợ lẫn nhau hơn là lo sợ cầu thủ nội bị “chiếm” suất đá chính.

Trong đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam, Rafaelson nêu rõ mục đích là “mong muốn được cống hiến cho đội tuyển quốc gia Việt Nam”. Chắc chắn đó cũng là tâm huyết của Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Hoàng Vũ Samson, Huỳnh Kesly, Đỗ Merlo, Trần Trung Hiếu hay của Hendrio, người đang muốn tiếp bước đồng đội Rafaelson xin nhập quốc tịch Việt Nam.

Nhìn Huỳnh Kesley và Đỗ Merlo xỏ giày ra sân chơi hạng Nhì ở tuổi ngoài 40 và góp công lớn đưa CLB Trẻ TPHCM giành quyền chơi hạng Nhất, người hâm mộ cho rằng, những niềm đam mê, khao khát cống hiến tương tự xứng đáng được trao cơ hội trong khi đạt đỉnh cao phong độ.

Vừng ơi, hãy mở cửa..

S.T