Vùng sạt lở Phước Thành còn lắm nỗi lo
100 hộ dân đang… ở nhờ
Khu định cư mới (KĐCM) tại thôn 2 xã Phước Thành, H. Phước Sơn được xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vào năm 2019, bố trí cho 115 hộ dân vào ở. Sau đợt lũ kinh hoàng tháng 10-2020, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở ở vùng cao Phước Thành được chính quyền địa phương bố trí mặt bằng và hỗ trợ di dời đến ở tại KĐCM.
Gia đình chị Hồ Thị Tưng và anh Nguyễn Văn Ngân là một trong những gia đình đầu tiên được bố trí vào KĐCM này. Mỗi hộ gia đình vào KĐCM được bố trí diện tích đất 140m2 để dựng nhà. Cùng với kinh phí hỗ trợ 65 triệu đồng từ Dự án và hỗ trợ của các nhà hảo tâm, gia đình chị Tưng- anh Ngân dựng căn nhà mới khang trang; mua sắm phương tiện nghe nhìn và các vật dụng cần thiết. “Xã bố trí mặt bằng và hỗ trợ gia đình tôi cùng các hộ gia đình có nhà cửa bị trôi do lũ di dời về sống nơi ở mới tại KĐC này. Điện, nước sinh hoạt đảm bảo, đường giao thông thuận tiện lại gần trung tâm xã và trường học nên rất thuận lợi cho người dân” - chị Hồ Thị Tưng nói.
Dấu vết của cơn lũ dữ cuối năm 2020 là đất đá sạt lở còn nham nhở, những hố sâu bên đường vào KĐCM. Làng cũ đã bị lũ sang bằng, nơi ở mới vẫn còn ngổn ngang nhiều nỗi lo. Bố trí vào ở chưa lâu thì mùa mưa 2021 KĐCM bị sạt lở ta luy âm vào sát vách nhà dân. Sườn đồi san ủi, kè chắn phía ta luy dương cũng sạt lở nặng. Chủ đầu tư và địa phương đã khắc phục sạt lở để tiếp tục bố trí đủ 115 hộ dân vào đây ở. Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết: “Ngoài các hộ dân đã bố trí vào KĐCM, xã đã kiến nghị huyện và tỉnh tiếp tục quan tâm để bố trí gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng mưa lũ, đang ở nhờ trong các gia đình. Địa phương rất khó khăn về mặt bằng. Muốn có mặt bằng thì phải cần nguồn kinh phí lớn hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để bố trí tái định cư cho những hộ chưa có nhà”.
Nhọc nhằn con chữ
Con đường đến trường của HS con em đồng bào Bhnoong ở vùng cao Phước Thành còn lắm nhọc nhằn, nguy cơ sạt lở, lũ quét vẫn rình rập. Sau cơn lũ dữ tháng 10-2020, đường giao thông bị sạt lở nặng, hiện đang khắc phục. Tuyến đường từ xã Phước Chánh qua xã Phước Kim đến xã Phước Thành nhiều nơi còn ngổn ngang đất đá, sình lầy. Đường từ trung tâm xã về các thôn bản cũng bị chia cắt nhiều nơi, nước chảy xiết khi có mưa lớn. Những ngày có mưa, nếu không có phụ huynh và thầy cô giáo đưa đón thì HS sẽ nghỉ học.
Thầy giáo Trà Văn Nhiều - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS Phước Thành cho biết, đợt lũ cuối tháng 10-2020 gây sạt lở, cuốn trôi nhà nội trú của giáo viên và khu bán trú của HS nhà trường. Sau lũ, nhà trường được các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng khu nhà mới ngay sát bên hông trường. Nhiều HS ở xa trường, có nơi hơn 40 km, trong khi đó trường lại không có điểm trường lẻ nên nhà trường phải linh hoạt tổ chức bán trú cho các em. Do không phải là trường phổ thông dân tộc bán trú nên việc tổ chức cho HS bán trú tại trường rất chật vật. Chế độ bán trú của các em được thực hiện theo Nghị định 116 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ HS ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. “Việc tổ chức bán trú hiện nay chủ yếu do cán bộ và giáo viên trường linh động tổ chức, tự nguyện chăm nuôi HS của các thầy cô giáo. Giáo viên phải làm việc gấp đôi, ngoài dạy học còn kiêm nhiệm vụ cô nuôi, chăm sóc HS, trực quản lý, đảm bảo an ninh an toàn bán trú. Các thầy cô giáo kiêm nhiệm bán trú không có chế độ gì ngoài số tiền bồi dưỡng 20.000 đồng/ngày đêm từ quỹ hoạt động nhà trường” - thầy Trà Văn Nhiều trăn trở chia sẻ.
Được biết, trước thực trạng trên, H. Phước Sơn đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các đơn vị trường học đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của HS và thầy cô giáo tại các xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành, Phước Lộc trong mỗi mùa mưa bão, không để trường hợp đáng tiếc xảy ra. Cụ thể, phải có phương án phối hợp đưa đón HS khi có mưa lớn của thầy cô giáo với phụ huynh. Riêng tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao thì các trường chủ động di dời, sơ tán HS đến nơi an toàn trước khi mưa bão đổ bộ.
Thạch Hà