Vươn lên từ mô hình nuôi ếch Thái Lan
Với diện tích vườn, ao sẵn có, xét thấy thực tiễn của gia đình phù hợp với mô hình nuôi ếch nên chị Nguyệt bàn bạc với chồng bắt tay vào xây dựng chuồng trại, mua con giống ếch Thái Lan về thả nuôi. Để có thêm kỹ thuật, kiến thức và kinh nghiệm chăn nuôi ếch, vợ chồng chị Nguyệt đi tham quan một số mô hình. Bên cạnh đó, tìm hiểu thêm các tài liệu hướng dẫn về việc nuôi ếch Thái Lan.
Chị Nguyệt kể: Năm 2020, với số vốn ít ỏi, gia đình vay thêm bạn bè, người thân tiến hành mua 2 ngàn con giống, bắt đầu nuôi ếch thương phẩm. Tuy nhiên, ban đầu còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, quá trình xử lý nguồn nước trong ao đất không đảm bảo, chưa đúng nên ếch bị chết nhiều, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng khi thu hoạch. Vụ đầu tiên thất bại hoàn toàn. Không nản chí, vợ chồng chị dành nhiều thời gian tìm tới người có kinh nghiệm nuôi ếch để học hỏi thêm, tìm mua thêm các tài liệu hướng dẫn thiết thực để áp dụng vào thực tiễn. Sau đó bắt tay xây dựng lại chuồng trại. Trên diện tích 1.500m2 được chia đôi thành hai phần, một phần xây bể xi măng, phần còn lại đào ao và lót bằng bạt nuôi 400 con ếch sinh sản để có nguồn giống quay vòng. Ao nuôi đạt chuẩn, am hiểu kỹ thuật nên mô hình nuôi ếch Thái Lan của gia đình chị Nguyệt đã phát huy hiệu quả kinh tế, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, với thu nhập từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá của chị Nguyệt, nuôi ếch Thái Lan trong bể, bạt đạt hiệu quả cao hơn so với nuôi trong ao đất bởi người nuôi dễ dàng theo dõi ếch hằng ngày, nhờ vậy sẽ sớm phát hiện dịch bệnh và các tình trạng bất thường của ếch. Bên cạnh đó, nuôi trong bể bạt sẽ dễ thay nước thường xuyên nên nguồn nước luôn được đảm bảo, không gây mùi hôi khó chịu cho môi trường, hạn chế được dịch bệnh cho ếch.
Từ 400 con ếch sinh sản ban đầu, trong năm 2021 chị Nguyệt đã có 8 vạn con ếch giống. Nguồn giống dồi dào, chị để nuôi 4 vạn con; số còn lại chị bán cho những người có nhu cầu. Để nâng cao thu nhập, gia đình chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để có sản phẩm ếch sạch cung cấp cho thị trường. Với giá bình quân dao động từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/con (ếch giống) và từ 55.000 đồng đến 65.000 đồng/kg (ếch thương phẩm), ếch giống và ếch thương phẩm của vợ chồng chị được người chăn nuôi và thương lái đến tận nơi thu mua. Chị Nguyệt cho biết, năm 2023 gia đình đã xuất bán được 4 vạn con ếch giống và gần 10 tấn ếch thịt thương phẩm, thu lãi số tiền gần 300 triệu đồng.
Theo chia sẻ của vợ chồng chị Nguyệt, nuôi ếch Thái Lan ít tốn thức ăn, việc chăm sóc ếch cũng khá đơn giản, nuôi thả đồng lứa và chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, chướng hơi. Thức ăn của ếch có thể dùng bột cám, bột ngô, bột viên tổng hợp... Để phòng bệnh cho ếch, người nuôi phải xử lý nước mỗi ngày, tuyệt đối không để nước quá bẩn sẽ khiến cho ếch dễ bị dịch bệnh. Đồng thời, bể nuôi ếch phải được che chắn bằng tấm lưới mỏng để hạn chế ánh nắng trực tiếp làm tăng nhiệt độ và tránh kẻ thù gây hại như: rắn, mèo, chuột... Nhiệt độ thích hợp để nuôi ếch từ 25 độ C đến 30 độ C. Việc đảm bảo nguồn nước sạch, thức ăn sẽ làm cho ếch tăng trưởng nhanh hơn, khỏe hơn. Bên cạnh đó, khi nuôi, cần chọn những ếch cùng ngày tuổi, cùng kích thước, khỏe mạnh và thả với mật độ hợp lý để đảm bảo năng suất.
Ông Nguyễn Văn Sỹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lâm Hương cho biết: “Sau hơn 4 năm nuôi ếch, gia đình chị Trần Thị Nguyệt từ một hộ khó khăn của thôn đã vươn lên khá giả với mức thu nhập trung bình gần 30 triệu đồng mỗi tháng. Hiện gia đình chị không chỉ cung cấp nguồn thịt ếch thương phẩm mà còn cung cấp nguồn con giống ra thị trường”. Cũng theo ông Sỹ, từ thành công của mô hình nuôi ếch Thái Lan của gia đình chị Nguyệt đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương. Đây là một mô hình chăn nuôi dễ thực hiện, chi phí người dân bỏ ra không quá lớn. Với mô hình này, người dân sẽ có thêm cơ hội để làm giàu. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để khuyến khích và nhân rộng mô hình nuôi ếch Thái Lan cho người dân trên địa bàn.
X.SƠN