Vườn quê mùa gieo hạt...

Thứ tư, 07/12/2022 15:55
Vườn nhà tôi ở quê mùa nắng gió nồm thổi khô rang, má phải liền tay ngày mấy bận tưới nước cho đám khoai, luống cà, đám rau. Mùa mưa bão, nước trắng đồng, đường đất thịt trơn như đổ mỡ, nước tràn vào đầy vườn mang theo hơi gió đông lạnh buốt, má lại phụ ba hì hụi đào đất làm mương rẻ nước cho cây cối khỏi ngập úng.
Vườn nhà.
Vườn nhà.

Gần một đời má gắn liền với với mảnh vườn nhỏ bé mà ba dày công vất vả dựng lên. Qua bao nhọc nhằn nắng mưa dâu bể, cây cối trong vườn bốn mùa vẫn xanh tươi dẫu cho tuổi má ngày một thêm già… Má tôi, tưởng như cả đời gắn bó đàn gà, dây bầu, quả bí, vườn rau ngoài vườn nhưng rồi sau nhiều lần nấn ná mãi cuối cùng cũng phải quyết định xa quê, xa vườn ra phố ở với các con, để các con tiện bề chăm sóc má lúc tuổi già.

Má bảo, vườn quê là kỷ niệm ba để lại nên dẫu đi đâu lòng má vẫn luôn hướng về. Thế nên, cứ độ cuối đông, khi tiết trời cong cong lạnh, lúc rảnh rỗi má lại lật tung kỷ niệm để mênh mang trong nỗi nhớ ba, nhớ vườn. Không thể tưởng tượng được năm nào má cũng nhắc: Nhớ mua ít giống để má trồng vài chậu rau, luống bông. Khi tôi mang mấy gói hạt giống về, má nói như thanh minh: "Ngày dài nằm chán, tận dụng cái sân thượng mà trồng ít màu xanh cho đỡ nhớ vườn nhà". Nghe má nói mà càng thấy thêm thương. Ở tuổi xế chiều rồi, bàn tay gân guốc, cứng queo của má vẫn còn muốn vun đắp sự sống. Sau vài tuần gieo hạt, bao nhiêu món rau quê xanh mướt, thơm lừng cứ thế bày biện như một mảnh vườn thu nhỏ trên sân thượng nhà tôi. Bao năm rồi, sống giữa phố, tôi đã quen thuộc với những công viên, vườn cảnh bài trí hoa tươi được bảo vệ bằng những khối bê tông, đá lát granit chắc chắn hiện đại. Nhưng mảnh vườn giữa lòng phố của má tựa như người cũ thân thương bên bến ga ký ức - món quả nhỏ bình dị má tặng tôi sau những ngày dài ngược xuôi phố xá.

Hồi ở quê, mùa chăm vườn gieo hạt của má hoàn toàn khác bất kỳ ai ở quê, bắt đầu khi bầu trời quê còn sập xuống sát mặt đất, mưa còn lê thê trắng cả xóm làng. Đây là thời điểm những cơn bão cuối cùng của năm tan đi, nhưng vườn quê lại bước vào những ngày đông khô cũ kỹ, gió vẫn còn se sắt mang theo hơi lạnh thổi qua đám cỏ, chùm rạ lơ thơ xanh còn sót lại. Má bảo, thời điểm này vườn cần sức người để chăm chút nhất. Trong khi đám trẻ lít nhít chúng tôi một buổi đi học, một buổi lẩn quẩn trong chái bếp hít hà hương ấm, làm biếng ra đồng cắt cỏ cho bò bởi cái lạnh như cắt da cắt thịt thì thời gian má ở ngoài vườn lại nhiều hơn. Lớn lên một tí, chị em tôi thương má, lại phụ cuốc đất, lại gieo hạt giữa ngày đông lạnh giá rồi cùng má cặm cụi làm giàn bầu, bầu bí. Những thân cành già nua trong vườn dường như cũng thương má, ban đêm dẫu có ngả nghiêng theo từng cơn gió thốc bên mái nhà nhưng ban ngày vẫn thấy đâm chồi nảy lộc. Đấy là cây xoài, cây mận lâu năm ba trồng ngay sát hông nhà. Thân chúng dẫu vài chỗ bị sâu, sùng đục khoét nhưng tán lá vẫn rộng xanh. Cả cây mít ngay sát lối cổng ra vào cũng đã bắt đầu những lộc non thay thế lá cằn cỗi. Những đọt chồi non ấy chỉ vài ngày sau thôi sẽ che giấu những khóm mít bé tí trên thân cũ…Và cứ như vậy, một thời quanh năm vườn nhà tôi luôn một màu sắc xanh.

Ngày xưa, mỗi cây lá trong vườn đều mang nét tảo tần chịu thương chịu khó của má ngày lam lũ mưa gió. Nay, màu xanh góc sân nhỏ nơi phố thị của má như nhắc nhở con cháu, dù thời gian có trôi đi vẫn không quên giữ nếp nhà khi xưa như giữ chính nếp sống siêng năng, cần cù và gần gũi với thiên nhiên. Thi thoảng, nhìn má lật những tờ lịch hoặc buông mấy câu nhớ muỗng khoai chà, hay đu đủ, mãng cầu vườn nhà thì dù bận bịu đến mấy tôi cũng sắp xếp công việc chở về thăm nhà, thăm vườn. Xóm nhỏ vẫn còn nguyên vẹn, không hàng quán mọc lên, không điện đường, con đường cái thưa thớt người qua lại. Và mảnh vườn xưa vẫn mênh mang đầy gió đông, yên tĩnh đến nỗi nghe rõ cả tiếng xào xạc của lá, tiếng chíu chít của bầy chim hoang rủ nhau đi tìm mồi...

Nhưng chính nơi này, tôi mới nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của má năm xưa và bây giờ.

Tạp bút Phan Thị Thanh Ly