Xa là nhớ, gặp nhau là cười...

Thứ tư, 09/02/2022 14:52

1. Có lẽ, bất kỳ ai cũng có ca khúc nào đó mà mình yêu thích. Đôi lúc buồn vui, tự sâu thẳm tâm hồn lại bật lên tiếng hát. Hát cho chính mình. Có thể hát toáng lên. Có thể hát thì thầm. Hát chỉ để mà hát. Đơn giản vậy thôi. Có những giai điệu, ca từ chỉ cần nghe thoáng qua đã nhớ, đã có hát theo được ngay.

Tôi nghĩ đến điều này, thuở bé nhóc nhà mình sắp lên 3, lúc dạy cho con hát, tôi đã cảm nhận điều gì? Ơ kìa, chữ nghĩa gì, giai điệu gì lạ lùng thế nhỉ? Rằng, chỉ nghe qua một lần, bé nhóc đã nhớ và đã hát lại “ngon lành cành đào”. Ối dào, đáng yêu làm sao: “Ba thương con vì con giống mẹ/ Mẹ thương con vì con giống ba/ Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ, gần nhau là cười”. Tại sao ca khúc “Cả nhà thương nhau” của nhạc sĩ Phan Văn Minh, bé nhóc lại nhớ nhanh đến thế? Lý giải như thế nào nếu không là như thế này: Ca khúc này đã khơi lại tình cảm dạt dào vốn có, đã có trong tiềm thức của đứa bé - như nguồn nước đã có, chỉ cần khơi đúng mạch là nước ào ạt tuôn ra. Rất đỗi tự nhiên. Không gì cố gắng. Nhờ thế, đứa bé lại nhớ như in trong óc. Sự kỳ diệu của âm nhạc còn là điều đó nữa, phải không bạn mình ơi?

Hạnh phúc thay, sung sướng thay, nếu các thành viên trong ngôi nhà nào cũng có tình cảm gắn bó ruột thịt ấy. Chính điều này làm nên ý nghĩa của từ “gia đình”, bạn nghĩ thế và tôi cũng nghĩ thế. Đã về với gia đình là về với nơi trú ẩn an toàn nhất, về với sự đùm bọc cùng san sẻ yêu thương. Bất kỳ ai, hễ đã ra khỏi nhà, nghĩ đến lúc quay trở về, như một lẽ tự nhiên, họ luôn đều dành nhiều tình cảm. Dù có được ngủ, nghỉ ở khách sạn 5 sao, thư giãn trong các khu resort đắt tiền, phong cảnh hữu tình, được kẻ hầu người hạ, “phục vụ đến tận răng” nhưng rồi cũng đến lúc, thâm tâm họ tự dưng trào lên cảm giác nhớ nhà. Dù nhà mình không to, không đẹp, không đầy đủ tiện nghi nhưng với họ vẫn là nơi trú ngụ an toàn và thân thiết nhất.

Tại sao thế?

Bởi căn nhà ấy, không là một vật chất cụ thể mà còn là một phần của đời sống nội tâm nữa. Giá trị thiêng liêng ấy khó có thể cân, đong, đo, đếm rạch ròi. Đôi khi chỉ cái bàn học, cái tủ, cây xoan trồng ngoài sân… chẳng gì ghê gớm lắm, nhưng ở đó lại khắc dấu một kỷ niệm thân thương nào đó. Khó có thể quên. Vậy nên, dù có bước ra ngoài đường với công việc mưu sinh, lắm lúc hỉ, nộ, ái, ố đến nhức cả đầu, nhưng đã về đến nhà, tự nhiên họ lại cảm thấy thăng bằng như vừa trút gánh nặng. 

Kìa, dưới bếp vợ đang nấu món ăn buổi chiều, dù đạm bạc nhưng khoái khẩu, ngon miệng; nọ, các cô, cậu nhóc vừa đi học về đã đang nghịch đùa, khóc toáng lên nhưng âm thanh ấy lại nghe thương ơi là thương. Không chỉ những ai sống cùng nhà mới có cảm giác ấy, mà này, ngay cả lúc bạn đến chơi nhà ta/ ta đến chơi nhà bạn, nếu thật sự tình bạn thì ai cũng có cảm giác ấy. Tôi nhớ đến một bài thơ của nhà thơ lão thành Tanikawa Shuntaro, trong đó, có đoạn:

Tôi sẽ nói nhiều lần: “Chào cả nhà!”

Và bạn tập trả lời: “Đã về đấy ư!” - lặp đi, lặp lại

Bạn cứ về đây bao nhiêu lần cũng được

Ở đây chúng mình cùng uống nước

Ở đây chúng mình ngồi mà chẳng cần nói chi

Cùng nhau hứng những làn gió mát thổi về…

Qua bản dịch, nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang còn cho biết: “Bài thơ này rất được người Nhật yêu thích, sau đó được đưa vào sách giáo khoa cấp 2 ở Nhật Bản. Nguyên văn là những câu đối thoại thường dùng trong tiếng Nhật: Người trở về nhà nói: “Tadaima” (Chào cả nhà); và người ở nhà đáp lại: “Okaerikudasai” (Đã về đấy à/ Vào nhà đi)”. Ở đây vừa có ý dạy những câu chào hỏi tiếng Nhật, vừa có ý người bạn nước ngoài được coi như người nhà”. Với người bạn nước ngoài, người mới lần đầu gặp gỡ khi đến chơi nhà đã được đối xử bằng tâm thế tốt đẹp ấy, chứ huống gì các thành viên trong một nhà?

2. Từ dăm ba năm trở lại đây, tôi đã ít đi ra khỏi nhà. Chỉ quanh quẩn trong nhà, đơn giản chỉ là phụ vợ chăm con còn bé xíu. Và, tôi nhận ra rằng, dưới mái nhà của mình, có biết bao hình ảnh, âm thanh… tạo nên cảm hứng cho thơ. Ủa, sao trước đây, mình lại không thấy? Không thấy, chỉ vì mải mê đeo đuổi gì đó trên đường xa vạn dặm, có thể hân hoan rực rỡ, có thể thất vọng não nùng nhưng rồi bây giờ, tĩnh tâm ngồi trong nhà, quan sát từ con mình, vợ mình, tôi đã cảm nhận ra bao điều mới mẻ. 

Mới mẻ như có những lúc phóng xe xuống phố tạt vào quán cóc đàn đúm cùng bạn bè, bù khú “chém gió”, lè nhè bia bọt, cực kỳ hưng phấn, vậy mà tự nhiên lại nghe trong tiềm thức vọng lên tiếng nói bi bô: “Ba ơi ba”. Tiếng nói ấy, từ đâu vọng đến? Nghe rõ mồn một. Trìu mến. Thân thương. Tiếng gọi thầm ấy đã khiến khoái cảm đầy men như cánh diều đang vút bay trên trời xanh bỗng quay ngay về mặt đất. Hết tung tăng bay bổng. Quay về đời thật. Về với con. Về với gia đình. Tự giác. Tự nguyện. Há chẳng phải là điều kỳ diệu đó sao?

Ai đã từng trải qua tình huống này: Có lúc bạn bè ghé nhà chơi. Bia bọt chút đỉnh. Ít ly y lít. Say mềm. Nửa khuya nằm vật vạ, lơ tơ mơ, say ngất ngưởng, ngáy khò khò, bỗng dưng vợ lay người bảo bé nhóc vừa bị ói sữa, ngay lập tức mình tỉnh như sáo: “Bao nhiêu bia rượu đều tan hết/ Còn lại trong ba một tiếng Mì/ Em mình ói tỉ tì ti/ Ba lo sốt vó, mẹ thì càng lo/ Mẹ ẵm bồng, mẹ cho măm sữa/ Vai mẹ đây, em dựa thiệt ngoan/ Ba mẹ mới hân hoan nhẹ nhõm/ Chẳng phải còn thấp thỏm không yên/ Em mình ôm lấy mẹ hiền/ Ấm hơi thở mẹ, em liền ngủ ngon”. Ấy chính là cảm hứng bất tuyệt của thơ, thậm chí còn là lần đầu cảm thấy những điều lạ lùng trong đời: “Lạ từ tiếng khóc u oa/ Đêm khuya khoắt ba giật mình tỉnh giấc/ Nước đái dầm dịu dàng thân mật/ Từ khô cằn, lộc mới lại thơm lên…”.

Rõ ràng, một khi đã lập gia đình, suy nghĩ của con người ta khác trước nhiều lắm. Trước kia, đọc truyện ngắn Thạch Lam, tôi không thích lắm. Hầu như chẳng có tình tiết xung đột gì ghê gớm, gay cấn, hồi hộp. Phải là Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nam Cao… thì mới đã, mới sướng. Bởi vì rằng, tình huống ấy dữ dội khiến đôi lúc phải phì cười cay đắng, phải ngậm ngùi dào dạt. Thế rồi, vừa đọc lại Thạch Lam, bỗng dưng xao xuyến không nguôi. Tại sao trước đó, lại không cảm nhận? Câu chuyện này thật, rất thật, tôi mới vừa trải qua nên thấm thía quá đi mất: “Vì con, tất bật bộn bề/ Chăm sóc chu đáo tỉ tê tâm tình/ Yêu thương trong mỗi gia đình/ Mọi người chung bóng chung hình của nhau”.

Rằng, vợ chồng Tân vừa có đứa con đầu lòng. “Tân cúi xuống giường vợ chàng đương ngồi, và hai tay giữ chân đứa bé đặt nằm trước mặt. Hai bàn tay nhỏ nhắn của đứa bé đang cọ quậy, giơ lên giơ xuống, hai con mắt bé lờ đờ, như hơi ngạc nhiên nhìn. Vợ chàng sung sướng hỏi: “Có phải nó nhớn hơn hôm nọ nhiều không?”. Nàng giơ ngón tay cho đứa bé nắm rồi tiếp: “Này, cậu xem nó nắm chặt chưa này!”. Ơ hay, Thạch Lam viết cho chính tôi đấy chăng? Một cảm giác, một nhận xét mà tôi đã trải qua. Rõ ràng, lúc ở Từ Dũ, có lúc đang khóc, bé nhóc đỏ hỏn đầu lòng cũng nắm chặt tay tôi, chẳng khác gì. Ở Thạch Lam là sự tinh tế. Nếu không, sức mấy ông có thể viết những trang bàng bạc cảm xúc, tình cảm dịu vợi qua Hà Nội 36 phố phường. 

Thêm chi tiết này nữa, “Buổi sáng nay, vừa bước chân vào trong nhà, Tân đã hỏi vợ: “Em đâu?”. “Nó ngủ, cái gì thế?”. “Tôi có cái này hay lắm”. Tân giơ lên cho vợ xem một đôi bít tất len trắng xinh đẹp. Chàng bước lại bên cạnh cái nôi rủ màn trắng sạch sẽ. Vợ chàng vội nói: “Ấy, khẽ chứ cậu, để nó ngủ. Tôi vừa mới đặt xong”. Tân rón rén, khe khẽ giở tấm màn tuyn, nhìn thấy đứa trẻ nằm gọn trong vải trắng. Chàng cúi mình xuống, yên lặng đợi trên cặp môi nhỏ bé một nụ cười. Và Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. 

Ai đã làm chồng, làm cha lại không trải qua giây phút ấy?

Đang ngon trớn đọc ngân nga tiếng trầm giọng bổng như một cách ru con, bỗng đâu giật mình cái thót. Vợ bảo: “Bây giờ là lúc anh nên tìm đọc các sách nuôi dạy con là hợp tình, hợp lý nhất”. Rồi lại nói luôn một hơi: “Đã biết cách ẵm con chưa? Chưa. Biết thay tã chưa? Chưa. Biết pha sữa chưa? Chưa. Thế thì còn “nai” lắm. Cố gắng lên anh”. Ừ, thì cố. Mà đôi khi tri thức ở trên đời nào có phải thu nhận từ sách. Với một đứa trẻ, lọt lòng mẹ, ngay lúc ở bệnh viện đưa về nhà thì sao? Vợ của nhà biên kịch Đoàn Tuấn dặn dò qua điện thoại: “Ngày ấy, anh phải bôi son vào trán bé, phải đem theo con dao nhỏ, đôi đũa, củ tỏi nữa”. Ấy là một cách “làm phép” dân gian, tuy nhiên cũng có người bảo lấy lọ nồi bôi vào trán. Đại khái thế, nào ai biết đúng sai nhưng rồi cũng phải làm theo. 

Lại nữa, sách vở nào dạy nếu bà mẹ vừa sinh con đầu lòng chưa có sữa cho con bú thì phải làm “mẹo” gì? Câu hỏi này, hay lắm. Cô nàng đã làm theo và hiệu nghiệm ngay tức thì. Thì nay, ghi lại cho những ai cần tham khảo. Rằng, mua lấy men làm rượu nếp, giã nát hòa tan với rượu trắng xoa hai bên “Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm”. Đơn giản mà hiệu quả. Mẹo này, sách vở nào ghi? Sực nhớ đến câu văn của Thạch Lam viết về tâm trạng của một người đàn ông lần đầu, lần thứ nhất trong đời được làm cha, bao giờ cũng là lúc: “thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Tôi cũng thế thôi.

Hôm nọ, lần đầu tiên có trong nhà là chiếc nôi xinh xắn, quà của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đem đến tặng cho bé. Thích quá. Thay mặt bé mà viết rằng: “Mai này, khi khôn lớn/ Bé nói với mẹ ba:/ “Từ chiếc nôi ngày ấy/ Nay vạn dặm đường xa/ Thế nào con cũng đến/ Con dẫn mẹ cùng ba/ Tung tăng đi mua sắm/ Tìm thiệt nhiều món quà/ Tặng lại cho bác Ánh”. Câu thơ đang ngon trớn nhả ngọc phun châu, dạt dào thi hứng bỗng đâu nghe réo rắt âm vang như tiếng đàn sắt, đàn cầm hòa nhau: “Anh ơi, con mới tè ướt cả giường. Mau mau thay tã cho con”. Nghe hay đấy. Cũng là cảm hứng của thơ đấy thôi, phải không nào?

3. Có một điều, nghĩ lại, buồn cười thật. Đại khái, lúc còn trẻ, chưa lập gia đình, nhiều người tự nhủ: “Sau này, con mình do vợ mình đẻ ra, phải thế này, phải thế kia”. Tức phải cỡ ông này, bà nọ mới xứng với danh phận, ước mơ to tát của đời mình. Nhưng rồi, lúc ngồi trước phòng đợi, chờ vợ vào sanh, trăm người như một đều quên béng đi cái khát vọng ngông nghênh và đáng yêu đó. Vậy, lúc đó họ nghĩ gì? Tôi đồ rằng, họ chỉ nghĩ đến bốn chữ “Mẹ tròn con vuông”. Chỉ cần được như vậy, đã là hạnh phúc, là món quà vô giá. Câu chuyện về gia đình, từ bé nhóc trong mỗi nhà còn là biểu hiện của tình chồng nghĩa vợ nữa.

Từ vấn đề này, tôi sực nhớ đến câu chuyện rất hay của nhà văn Mỹ O. Henry (1862-1910). Với các tình tiết sắp kể lại dưới đây, nếu không có lòng cảm thông cho nhau ắt “lớn chuyện”. May quá, kết thúc của nó nhẹ nhàng, thấm đẫm lòng nhân ái bởi lúc quay trở về, hành trang họ đem vào nhà chỉ có sự thương yêu. Tôi xin kể tóm tắt: Đôi vợ chồng nọ sống tại thành phố New York, họ rất nghèo. Trong nhà chỉ có hai vật quý giá nhất: chiếc đồng hồ vàng mà người chồng là Jim rất quý do ông nội tặng lại cha anh, và nay anh sở hữu nhưng rất tiếc, nó không có dây đeo. Vật quý giá thứ hai là mái tóc dài óng mượt xuống lưng của Della - vợ của Jim. Sắp đến Giáng sinh, Della muốn mua món quà tặng chồng nhưng không có tiền. Sau một hồi suy tính cô quyết định bán mái tóc rất đẹp ấy.

Sau đó, cô tìm mua quà cho Jim là một sợi dây đồng hồ bằng vàng. Khi Della trông thấy sợi dây này, cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó. Lúc quay về nhà, chuẩn bị xong bữa tối, Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim. Và thêm điều quan trọng nữa, chắc chắn chồng mình sẽ rất hài lòng với món quà này. Ít lâu sau, đi làm về, Jim kinh ngạc đến thảng thốt hỏi vợ: “Em đã cắt mất mái tóc rồi à?”. Della đáp: “Tóc em sẽ chóng dài ra thôi Jim”. Nói xong, cô hào hứng lấy ra dây đồng hồ vàng: “Đẹp không anh?... Nhanh lên, đưa đồng hồ cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này”.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Nhà văn O.Henry viết tiếp: “Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cuời nói: “Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua cái kẹp tóc cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi, em yêu”. Cho phép tôi không bình luận gì thêm bởi trong lòng đang rưng rưng quá đỗi; và tôi biết tình tiết trong câu chuyện này vẫn còn ngân vang mãi trong cảm xúc. Cảm xúc ấy, có tên gọi: “Ba thương con vì con giống mẹ/ Mẹ thương con vì con giống ba/ Cả nhà ta cùng thương yêu nhau/ Xa là nhớ, gặp nhau là cười”. Há chẳng phải là điều kỳ diệu đó sao? Điều kỳ diệu này chính nó đã tạo ra không khí Tết của mỗi nhà trong mỗi ngày. Ngày nào cũng Tết.

LÊ MINH QUỐC