Xà quần chuyện xà bần
- Thì đó, do thiếu bãi thải nên vấn nạn lén đổ xà bần không đúng nơi quy định tái diễn miết. Vào cao điểm mùa xây dựng tại TP Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày có hàng trăm tấn rác thải xây dựng được tập kết về bãi rác Khánh Sơn để xử lý. Đây chỉ là số lượng ít trong tổng số rác thải xây dựng trên toàn TP.
- Nhưng tại sao lại có tình trạng này tái diễn hoài vậy?
- Vì chi phí chở xà bần, giá hạ lên bãi rác Khánh Sơn để xử lý theo quy định tốn kém dẫn tới tình trạng đổ trộm, đổ lén. Hậu quả là cảnh quan nhếch nhác, ô nhiễm.
- Sao các địa phương không bố trí một số vị trí đất trống làm bãi tập kết tạm rác thải xây dựng để phân loại ban đầu trước khi xử lý?
- Cũng có, nhưng không đủ. Chẳng hạn tại Hải Châu, bãi tập kết tạm rác xây dựng được mở ở khu vực đường Vũ Duy Thanh, Nại Nam 4 (P. Hòa Cường Bắc); tại Sơn Trà có khu đất rộng 1,4ha tại góc tuyến đường Trương Quốc Dụng - Khúc Thừa Dụ (P.Nại Hiên Đông). Các bãi tạm có hàng rào tôn, trồng cây, tưới nước… Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thì các bãi đổ này cũng khiến cơ quan chức năng “đau đầu”!
- Vì sao?
- Nếu ở gần khu dân cư thì người dân sống gần đó phản ứng vì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khoẻ người dân như tại Nại Hiên Đông. Còn bãi đổ tại Hải Châu nằm xa khu dân cư nên không ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo thành phố, quận Hải Châu lại phải xin ý kiến để xử lý bãi xà bần, giá hạ này vì quá tải, địa phương đang lúng túng.
- Cứ như vậy thì tình trạng đổ trộm xà bần lại tiếp diễn.
- Bề Tui thiết nghĩ, thành phố cần có giải pháp xử lý đối với chất thải rắn xây dựng khi nhu cầu xây dựng, sửa chữa trên địa bàn thành phố đang tăng. Đơn cử như nghiên cứu các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tái chế chất thải rắn xây dựng, xà bần… Còn trước mắt, lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền và xử lý nghiêm các trường hợp đổ thải rác xây dựng không đúng quy định để răn đe.
BỀ TUI