Xác minh đơn, đâu phải chuyện đùa

Thứ bảy, 21/01/2023 23:56
Gần 30 năm làm báo tại Báo Công an TP Đà Nẵng, nay là Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, tôi có đến hơn 20 năm gắn bó với đơn, thư khiếu nại. Chưa thấu hiểu công việc, nhiều người bảo: xác minh đơn... dễ ợt. Vì đâu cần tìm đề tài, tất cả mọi việc đã... có sẵn, cứ thế mà viết. Thoạt nghe, có vẻ đúng. Thế nhưng, với những người làm công tác bạn đọc thì... đâu phải chuyện đùa.
Người dân viết đơn trình bày sự việc tại tòa soạn Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng.
Quang cảnh một buổi hòa giải giữa các bên đương sự.

Cũng tác nghiệp như một phóng viên nhưng người làm công tác điều tra, viết theo đơn bạn đọc lại mang một nét rất riêng, đó là tìm hiểu và viết theo những vấn đề được bạn đọc nêu ra… Có thể, bài viết này đề cập những vấn đề đông đảo bạn đọc đang quan tâm, bài viết khác nêu một hoàn cảnh pháp lý cụ thể của một cá nhân, gia đình nào đó đang đối mặt…, tựu chung là thể hiện sự đa dạng, phong phú của đời sống xã hội. Mỗi lá đơn gửi đến Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng là bạn đọc đặt vào chúng tôi niềm tin, sự hy vọng vào một cơ quan công luận có thể sẻ chia, bảo vệ cho họ trước sự trái ngang của cuộc sống…

Thống kê, trong năm 2022, Chuyên đề Đà Nẵng nhận gần 50 đơn khiếu nại, tố cáo của bạn đọc gần xa. Những lá đơn này rất đa dạng về hình thức lẫn nội dung. Mỗi lá đơn là một vụ việc, mang một sắc thái khác nhau nên khi tiến hành xác minh phải linh hoạt và có phương pháp riêng. Đằng sau mỗi lá đơn là sự trớ trêu, cũng có thể là nỗi oan khuất mà chính người viết đơn đang đối mặt. Có thể là tình trạng lãng phí, nhũng nhiễu của cán bộ tại một số cơ quan công quyền hoặc một số vấn đề liên quan đến các vụ án dân sự, hình sự, như: trợ cấp nuôi con sau ly hôn, yêu cầu bồi thường thiệt hại trong các bản án hình sự… Mỗi vấn đề đều có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Vì thế, trước mỗi vấn đề bạn đọc đặt ra, người xác minh đơn để viết phải dày công tìm hiểu. Một yêu cầu khắt khe được lãnh đạo đặt ra là luôn tôn trọng sự thật, có “cái nhìn” công tâm, tính khách quan phải được thể hiện trong từng câu, từng chữ. Do đó, trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn, khúc mắc đến đâu chúng tôi vẫn phải đặt sự công tâm, tính khách quan… lên hàng đầu.

Để làm được công việc như vậy là điều không hề dễ dàng. Khó khăn đầu tiên chúng tôi thường gặp là việc tiếp cận những tài liệu, hồ sơ liên quan khi lãnh đạo một số cơ quan tìm mọi lý do để từ chối làm việc hoặc cung cấp thông tin. Theo họ, báo chí không có quyền can dự vào công việc nội bộ của các cơ quan Nhà nước và cũng không có thẩm quyền trong giải quyết những vụ việc cụ thể. Một khó khăn khác mà chúng tôi phải “đối diện” là những quy định của pháp luật liên tục thay đổi theo thời gian, nên dù được đào tạo bài bản về pháp luật song cũng có lúc chúng tôi không tránh khỏi tình trạng… “lạc hậu”. Để tránh tình trạng bị “tụt hậu” về kiến thức, đòi hỏi người làm báo tại Chuyên đề phải “đi học”, thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức liên quan đến pháp luật từ đồng nghiệp, từ những người quen đang công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Người dân viết đơn trình bày sự việc tại tòa soạn Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng.

Trong năm 2022, nhiều trường hợp gửi đơn đến Chuyên đề có nội dung hết sức “khác người”. Đơn cử trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Mai (1968), Duy Thành, Duy Xuyên (Quảng Nam). Theo hồ sơ, gia đình bà Mai được UBND H. Duy Xuyên cấp 305m2 đất ở từ năm 1995. Thế nhưng, 27 năm trôi qua vẫn không thể xây dựng nhà ở vì lý do: cấp đất nhưng cán bộ địa chính cấp xã quên cấp… lối đi. Với vụ việc khá “oái oăm” như vậy, ngoài việc thu thập đủ tư liệu để viết bài nhằm định hướng dư luận, chúng tôi còn phải tìm cách tác động để chính quyền địa phương nhận ra sai sót và có hướng khắc phục một cách sớm nhất. Một trường hợp khác khiến chúng tôi nhớ mãi vào một ngày chuẩn bị bước vào năm học mới 2021-2022, khi các bậc cha mẹ tất bật với công việc sắm sửa áo quần, sách vở cho con bước vào năm học mới, anh Hà A., trú Q. Hải Châu đến tòa soạn Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng mếu máo, trình bày: Do không chịu đựng được cảnh đòi nợ theo kiểu “khủng bố” của chủ nợ, vợ anh đã bỏ nhà đi… Hai con nhỏ đang độ tuổi đến trường cứ khóc, đòi mẹ… Cảm thông hoàn cảnh của anh A., chúng tôi liên hệ cơ quan chức năng tìm hướng “xử lý” vụ việc sao cho thật nhẹ nhàng để chị V. quay về với gia đình lo làm ăn, cùng chồng chăm sóc 2 con. Hay như trường hợp ông Thái Thanh H., trú P. Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu. Trước khi cha mẹ qua đời để lại di chúc cho vợ chồng ông H. được hưởng mảnh đất có diện tích 125m2 tại P. Hòa Hiệp Bắc. Lẽ ra, khi di chúc được mở sẽ nhận được sự đồng thuận của anh em trong gia đình. Thế nhưng, mọi người hoài nghi tính hợp pháp của chữ ký nên anh em “kéo nhau” ra Tòa nhờ phân xử… Chưa biết ai thắng, ai thua, song điều ai cũng nhận ra là từ đây tình anh em trong một gia đình sẽ gặp nhiều trắc trở. Và, còn nhiều lá đơn khác nữa, mỗi lá đơn là một câu chuyện mang màu sắc riêng, như những mảnh ghép vẽ nên những mảng trái của đời sống xã hội. Nó phản ánh, vẫn còn ở đâu đó tình cảm giữa con người với con người chưa được xem trọng, việc thực thi chưa đúng pháp luật... vẫn còn diễn ra.

Với những vụ việc như thế, để định hướng dư luận theo cái đúng, người làm báo phải biết dung hòa giữa tình cảm và pháp luật để mọi người dần nhận ra đâu là lẽ phải, là đạo lý mà có cách ứng xử hài hòa, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Với những gì đã trải qua trong nghề bạn đọc, chúng tôi thường bảo: Xác minh đơn, chuyện không phải dễ. Làm đơn, đâu phải chuyện đùa!

MINH TRÍ