Xâm nhập điểm nóng phá rừng ở Bắc Trà My (Kỳ 1: “Điểm nóng” Trà Kót)

Thứ sáu, 28/08/2020 17:58

Trong 3 ngày (23 đến 25-8), P.V Báo Công an TP Đà Nẵng thâm nhập hiện trường khu rừng tự nhiên tại thôn 4 (xã Trà Kót. H. Bắc Trà My, Quảng Nam) và  chứng kiến hàng trăm cây gỗ cổ thụ bị đốn hạ không thương tiếc. Bên cạnh việc “lâm tặc” ào ạt khai thác gỗ, người dân địa phương cũng “hùa theo” phá rừng sau đó chiếm đất để trồng cây keo.

Nhiều cây gỗ cổ thụ vừa bị đốn hạ tại thôn 4 (xã Trà Kót). 

Tiếp cận “điểm nóng”

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, sáng 23-8, chúng tôi chuẩn bị lương thực, nước uống cho chuyến tiếp cận khu vực “lâm tặc” đang phá rừng. Phải hơn 1 giờ chạy xe máy theo con đường mòn xe tải đến vùng rìa khu rừng nguyên sinh, chúng tôi giấu xe máy trong bụi cây rồi di chuyển vào khu rừng. Đi được vài chục mét, chúng tôi gặp một cây gỗ đường kính chừng 1,1m mới bị đốn hạ cách đây vài ngày, “máu” cây vẫn rỉ ra. Đi thêm vài bước, có một cây gỗ cổ thụ 3 người ôm không xuể bị đốn hạ, rọc phách tại chỗ, hiện trường còn vài lóng gỗ chưa xẻ. Ở khu vực này, rất nhiều cây gỗ cổ thụ đã bị cưa hạ từ lâu, nhiều phách gỗ được xẻ thành hình trụ đã ngả màu đen nhưng vẫn chưa được lấy đi, có lẽ “lâm tặc” đợi đến lúc rẫy keo thông đường mới lấy.

Tiến dần vào vùng lõi rừng, chúng tôi nghe tiếng máy cưa rầm rú khắp nơi, nhưng sợ các đối tượng manh động tấn công nên không tiếp cận. Nhóm  chúng tôi di chuyển đến những khu vực lân cận cũng phát hiện có rất nhiều cây gỗ mới bị đốn hạ cách đây vài hôm, nằm la liệt. Điều lạ là trên nhiều gốc cây được phát dọn gốc và có vết cưa ăn sâu vào thân. Gặp ông T., người dân thôn 4 đang đi hái rau rừng, chúng tôi biết ở khu vực này hiện có 2 nhóm “lâm tặc” đang “hành nghề”. “Nhóm người này ở thôn 4 và 5 (xã Trà Kót) chuyên đi cưa gỗ rừng bán cho người dân. Họ cưa hạ cây rừng rọc phách rồi tập kết gần đường mòn, đợi trời tối chạy xe máy vào chở gỗ ra”, ông T. thông tin.

Chúng tôi thắc mắc hỏi: Những vết cưa trên thân cây để làm gì? Thì ông T. bảo: “Để đánh dấu lãnh thổ, sau khi hạ cây rừng họ sẽ đốt rừng lấy đất trồng cây keo”. Tiếp tục di chuyển sang một khu vực khác, chúng tôi phát hiện 2 cây gỗ đường kính 1 và 1,2m đã bị cưa hạ, nhiều phách gỗ đã bị xẻ lấy đi. Theo lối mòn, còn có hàng chục phách gỗ được tập kết trong rẫy keo, cạnh con đường mòn.

Gỗ được rọc phách tại chỗ như một “xưởng cưa” giữa khu rừng. 

Chiếm rừng trồng keo

Trong chuyến tiếp cận điểm nóng, chúng tôi phát hiện trong các rẫy cây keo có rất nhiều gốc cây gỗ cổ thụ mấy người ôm không xuể. Về vấn đề này, ông T. phân trần: “Khu vực này là rừng phòng hộ bởi lúc trước toàn rừng cổ thụ, nhưng bị người dân xâm chiếm trồng cây keo đã nhiều năm nay. Trà Kót là một xã “nóng” về phá rừng của huyện, nhưng chính quyền địa phương và lực lượng Kiểm lâm huyện không “đủ sức” quản lý dẫn đến họ phá rừng nhiều. Mình ước đoán khu vực này có cả chục héc-ta rừng tự nhiên đã bị xâm lấn trồng cây keo. Mình cũng nói thêm, phần lớn rẫy keo ở đây đều có “chân” của một số lãnh đạo xã Trà Kót và H. Bắc Trà My. Như rẫy keo hơn 2ha đang khai thác ở đây là của ông T., nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Trà Kót”.

Được ông T. chỉ điểm, chúng tôi đến khu rừng mới được đốn hạ cách đây vài tháng để lấy đất trồng cây keo. Tại hiện trường, rất nhiều cây gỗ cổ thụ đã bị đốn hạ xẻ lấy gỗ, hiện trường vẫn còn hơn 10 phách gỗ mới xẻ nằm ngổn ngang và cây keo đã được trồng thay thế cao gần 2m.

Sau khi triệt hạ cây rừng, các đối tượng sẽ chiếm đất trồng cây keo.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục tiếp cận một khu rừng tiếp giáp và sững sờ chứng kiến có đến hàng chục héc-ta rừng đã bị hạ đốt cháy để lấy đất trồng keo. Ghi nhận sơ bộ bằng mắt, ước tính có đến hàng trăm cây gỗ đã bị triệt hạ, trong đó có nhiều cây gỗ cổ thụ 5 người ôm không xuể nằm giáp khu rừng tự nhiên, hiện trường chỉ còn vài phách gỗ chưa được lấy đi.

Qua 3 ngày ghi nhận ở nhiều khu rừng thuộc thôn 4, chúng tôi nhận thấy rừng tự nhiên ở đây bị xâm lấn trên diện rộng, thay vào đó là những triền đồi được phủ xanh bằng cây keo, số gốc cây bị triệt hạ thật sự không thể đếm nổi.

Rời khu rừng, chúng tôi đã có chuyến ghi nhận tại nhiều xưởng chế biến gỗ tại thôn 4 và 5 (xã Trà Kót) phát hiện xưởng nào cũng đầy ắp gỗ đủ kích cỡ. “Hiện trên địa bàn có rất nhiều người dân đang xây nhà nên nhu cầu về gỗ rất lớn. Qua một đêm các xưởng này có cả “núi” gỗ, không biết từ đâu mà có?”, một người dân địa phương thông tin.

LÊ VƯƠNG

>>Toang hoang khu rừng tự nhiên ở xã Trà Kót