Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành hạt nhân của trung tâm y tế chuyên sâu
Ngày 24-12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2025 nhằm tổng kết, đánh giá việc triển khai công tác y tế năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2025. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi chủ trì hội nghị.
Ngành Y tế hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu được giao
Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao. Trong đó vượt 2 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao.
Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 Luật trong một kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Năm 2024 cũng ghi nhận nhiều bệnh viện đạt được các giải thưởng uy tín về đánh giá chất lượng bệnh viện của trong và ngoài nước. Triển khai áp dụng thành công các kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là ghép tạng, ghép đa tạng; thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục chuyển biến tích cực.
Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và những khó khăn, thách thức ngành Y tế cần khắc phục. Cụ thể, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn vướng mắc, chưa đồng bộ về BHYT, giá dịch vụ, tổ chức, biên chế... khiến các cơ sở y tế công lập thiếu động lực nâng cao chất lượng và chuyên môn, không chủ động được nguồn lực tài chính để tái đầu tư phát triển.
Mặt khác, một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao, nhất là sốt phát ban nghi sởi tăng so với năm 2023. Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 17-11, cả nước ghi nhận hơn 14 nghìn ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 4 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc cao hơn 42 lần.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch, việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến. Đặc biệt, tại một số địa phương, cơ sở y tế có lúc còn thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ vào một số thời điểm. Nguyên nhân do thiếu nguồn cung hoặc đấu thầu không kịp thời. Thêm vào đó, việc triển khai các quy định mới như các chính sách mua sắm đấu thầu, xây dựng giá... còn gặp nhiều khó khăn.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến để công tác y tế trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn. Tại điểm cầu Đà Nẵng, trình bày về “Kết quả đạt được và định hướng phát triển trong lĩnh vực khám chữa bệnh chuyên sâu đặc thù tại địa phương và khu vực”, bà Trần Thanh Thủy - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, với mục tiêu xây dựng và phát triển ngành Y tế thành phố hướng tới công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hệ thống y tế Đà Nẵng trong những năm qua được đầu tư theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ và đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.Trên cơ sở định hướng của Trung ương tại các văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 43ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết số 26ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1287 ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050… ngành Y tế TP Đà Nẵng nhận thức đây là cơ hội và động lực để xây dựng và phát triển Đà Nẵng thành hạt nhân của Trung tâm Y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Triển khai hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2024. Về nhiệm vụ trong năm 2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị, ngành Y tế tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả, công bằng, minh bạch và bền vững. Trong đó, Bộ Y tế cần tập trung xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh; tiếp tục xây dựng Luật Phòng bệnh, Luật Dân số, Luật Thiết bị y tế, Luật An toàn thực phẩm… Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án sắp xếp các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2023-2030. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục tập trung theo dõi sát tình hình dịch bệnh trên thế giới và khu vực, nâng cao năng lực dự báo, giám sát và phát hiện sớm để chủ động khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh, nhất là bảo đảm độ bao phủ vaccine trên 90%... Đồng thời, tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, thực hiện lộ trình tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số, bảo đảm mức sinh thay thế.
Đinh Nga