Xe ngựa kéo và những ẩn họa

Thứ tư, 28/07/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Nghị định 146/2007/NĐ-CP đã có những quy định về việc xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, người điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, tuy nhiên trên thực tế tình trạng súc vật kéo hàng hóa cồng kềnh, quá tải vẫn đang diễn ra gây nhiều bức xúc cho việc đảm bảo TTATGT. Tại các ngã ba, ngã tư ven đô ở Nghệ An, xe ngựa kéo luôn chực chờ thành hàng dài để nhận chở hàng hóa là nguy cơ tiềm ẩn TNGT nếu không có biện pháp chỉnh đốn kịp thời.

Ngựa kéo “tung hoành”

Dù là một thị trấn nhỏ ở phía Nam của H. Quỳnh Lưu, nhưng TT Cầu Giát vài năm trở lại đây đang thành trung tâm  phát triển phía bắc Nghệ An. Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng... ngày một tăng cao. Đặc biệt với địa hình và đường sá không phù hợp với các loại ô-tô tải trọng nặng và cước phí vận chuyển khá cao vì vậy xe ngựa kéo trở thành phương tiện hữu dụng.

Một số người trước đó chạy công nông, xe ba gác, xe tự chế... nhanh chóng bán đổ bán tháo, có khi bằng giá... sắt vụn để “tậu” cho mình một chiếc xe ngựa kéo. Anh Hồ Hữu Lợi, ở xóm 8, xã Quỳnh Giang cho biết: “Trước kia tôi chạy xe công nông chở cát sạn, vật liệu xây dựng thuê cho các công trình. Nhưng từ khi bị cấm lưu hành, tôi đành bán con “ngựa sắt” cho đồng nát rồi chuyển sang chạy... ngựa thịt. Vất vả hơn chút ít nhưng thu nhập khá hơn nhiều so với trước”. Là một thị trấn nằm trên QL1A và tương đối nhỏ, nhưng TT Cầu Giát có đến gần 100 chiếc xe ngựa kéo. Cứ sáng sớm ở ngã tư, ngã năm thành phố hay các bãi đất trống khu chợ... xe ngựa kéo chờ chở hàng dày đặc.

Cô Bùi Thị Ngân, một khách hàng quen thuộc cho biết: “Sáng sớm tôi cứ mua hàng chất đầy ở chợ, một lúc có xe ngựa chở về tận nhà. Thuận tiện và cũng rẻ hơn so với xe lai và ba gác trước đây”. Đến mùa vụ, xe ngựa kéo dùng để chở lúa, chở rơm rạ, phân tro... Xe ngựa kéo được dân tiểu thương rất “chuộng”, bởi chúng nhanh, nhẹ nhàng, ít làm dập vỡ hoa quả hay các đồ dễ vỡ như tủ kính, bát đĩa... Mỗi một “cuốc”, xe ngựa kéo có thể chở gấp ba, gấp bốn các loại xe chuyên chở trước đây. Vì vậy, sự cồng kềnh và mất ATGT cũng không thua kém công nông, ba gác.

 Một xe ngựa kéo đang phi nước đại vượt đèn đỏ giao thông.

Thu nhập mỗi ngày của một chủ lái có khi lên đến vài ba trăm ngàn đồng, nếu gặp hôm “trúng quả” còn hơn thế. Tuy nhiên, để thuần phục và lái được một xe ngựa không phải là chuyện ai cũng làm được. “Không phải lui tiến bằng số như động cơ, nó phải điều khiển bằng “uy quyền” của người cầm cương”, anh Đình Bảng, ở xóm 10, xã Quỳnh Mỹ vui vẻ cho hay.

Thấy được nguồn thu nhập “béo bở” ấy, nhiều người đang hành nghề xe ôm hay các nghề phụ ở chợ cũng chuyển sang chạy... ngựa kéo. “Làm xe ôm mỗi ngày cũng kiếm được chừng 60-70 ngàn đồng là cùng, nhưng chạy xe ngựa kéo, chỉ cần hai “cuốc” là đã có trăm ngàn đồng rồi, thu nhập cao hơn nhiều”, anh Hà Đình Bình, một cựu xe ôm mới chuyển nghề cho hay.

Nhưng không phải ai cũng chuyển nghề một cách dễ dàng như vậy. Để “tậu” được một chiếc xe ngựa kéo cũng mất không dưới chục triệu đồng, số tiền không nhỏ so với nhiều người lao động ở đây. Quá trình huấn luyện, học hỏi kinh nghiệm lái xe cũng lắm nỗi gian nan, đầu tư không ít thời gian.

Nguy cơ gây mất TTATGT

Là loại xe thô sơ, dựa vào sức kéo của súc vật nhưng xe ngựa  cũng có sức chở không thua gì các loại phương tiện bị cấm lưu hành trước đây. Độ cồng kềnh và mất ATGT có khi còn vượt xa công nông, ba gác. Trong thời gian gần đây, nhiều người dân TT Cầu Giát đã chứng kiến không ít vụ TNGT do xe ngựa kéo gây ra. Chủ yếu là ngựa “không nghe” theo sự điều khiển của chủ vượt đèn đỏ, hay “phi nước đại” khi bị giật mình do còi hơi ô-tô gây ra va quệt và tai nạn.

Xe ngựa kéo tập trung gây ô nhiễm và mất ATGT tại ngã tư. 

Một số chủ xe đã chở vượt mức quy định gây ra ùn tắc và cản trở giao thông trên đường phố. Đặc biệt là trong thời gian chờ hàng, nhiều xe ngựa tập trung ở các ngã năm, ngã sáu gây nên sự lộn xộn, ùn tắc. Phân ngựa và nước tiểu xông lên mùi hôi thối khó chịu, mất mỹ quan đô thị. Bác Hồ Đình Bảng, một người dân ở khu phố 2 thị trấn cho biết: “Nhà tôi nằm gần ngã tư nên suốt ngày phải chịu mùi hôi thối từ phân ngựa và nước tiểu. Đã kiến nghị nhiều lần nhưng chẳng ai để tâm khắc phục cả”.

Xe ngựa kéo ra đời một cách tự phát, không có sự quản lý  chặt chẽ của cơ quan chức năng. Những vụ TNGT xảy ra ở đây chủ yếu được hai bên nhanh chóng “thương lượng”, tránh sự can thiệp của CSGT. Các vụ tranh chấp địa bàn làm ăn cũng gây ra không ít vụ ẩu đả, mất an ninh khu phố.

Vì kế sinh nhai, những nguồn thu nhập trước mắt, đã khiến không ít người đổ xô sang chạy xe ngựa kéo. Tuy nhiên những ẩn họa về loại phương tiện thô sơ này đang khiến nhiều người lo ngại. Cần có sự quản lý, hướng dẫn chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng nhằm đem tới sự an toàn cho người dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Nghệ An